Trái đắng từ giấc mơ xuất ngoại - Bài 2: Tủi buồn nơi đất khách

Nguyễn Tuấn Anh 10/05/2017 11:00

Tuy có may mắn hơn những người chưa được trở về với gia đình, người thân, nhưng những ký ức tủi nhục trên đất khách của các chị em đã từng một lần đặt chân đến miền đất lạ, tìm cơ hội đổi đời vẫn còn ám ảnh nỗi sợ hãi mỗi khi nhắc tới.

Chuẩn bị cho chuyến đi xa.

Tháng ngày cơ cực

Dù đã hơn 1 năm trôi qua nhưng mỗi lần nghĩ về những tháng ngày cơ cực, tủi nhục trên đất khách, chị Lê Thảo Nguyên cũng như chị Trương Thị Hằng vẫn không thể quên. Trong phòng trọ nhỏ khoảng 20m2 giữa thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk), chỉ đủ để một cái giường và ít vật dụng nơi sinh hoạt của 3 mẹ con, chị Nguyên càng nghẹn ngào khi nhớ về những uất ức mà chị đã trải qua.

Chị Nguyên cho biết, khi xuống đến sân bay thì người chủ thuê đưa chị đi hơn 10 giờ đồng hồ mới tới nhà. Vừa tới nơi là chủ nhà đã bắt ép làm việc. Trong hợp đồng ghi thời gian làm việc liên tục không quá 12 giờ/ngày. Chủ sử dụng đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho lao động ít nhất 9 tiếng để lao động có sức khỏe làm việc lâu dài và 1 ngày nghỉ/tuần.

Thế nhưng, hôm nào chị Nguyên cũng phải làm từ sáng tới tối, trong khi chủ chỉ cho ăn một bữa. Do không hợp khẩu vị nên hàng đêm chị phải ăn thêm gói mì tôm sống và uống nước lọc để cầm cự làm việc. Nhiều hôm chị phải dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, phục vụ họ tiệc tùng đến 3, 4 giờ sáng mới được đi ngủ.

Chị kể: “Trước khi qua đó, ông Bường, ông Mạnh, bà Liên, bà Nga khẳng định là việc gọi điện về cho người nhà không bị ngăn cấm, thế nhưng khi nhận được tin con trai bị ốm ở nhà, tôi lấy máy gọi về hỏi thăm thì chủ nhà cắt Wifi, chửi bới, dúi đầu vào tường. Thấy tôi che tóc chưa kĩ, vợ chủ nhà còn dùng kéo lao vào đòi cắt tóc của tôi. Quá hoảng sợ trước cách đối xử của gia chủ, lại sống xa xôi nơi đất khách nên hằng đêm tôi không dám ngủ, sợ bị giết vứt mất xác. Thấy họ ngược đãi và coi khinh, sống không bằng chết tôi đã gọi điện về nhà cầu cứu cha mẹ. Thương con cha mẹ tôi đã điện ra Công ty yêu cầu can thiệp, tôi mới thoát khỏi gia đình đó. Mặc dù làm việc quần quật cả ngày, nhưng hơn 60 ngày ở đất nước họ, tôi không được chủ sử dụng trả một đồng tiền lương nào. Trước khi về nước tất cả mọi đồ đạc của mình đều bị gia đình họ lục lọi, thu lại hết điện thoại. Khi tôi xuống đến sân bay Nội Bài, trong người không còn một thứ gì. Tôi phải nhờ người gọi điện giúp cho cha mẹ mang theo tiền ra đón. Còn những người bên Công ty đưa tôi đi, người môi giới không thấy bóng dáng một ai. Về tới nhà tôi tìm gặp bà Liên để hỏi rõ thực hư, nhưng bà Liên và các người liên quan cũng trốn biệt tăm. Tôi đi làm bị đối xử bạc bẽo ở bên đó, lương không có một đồng, ăn không có vậy mà vừa trở về nước thì phía Công ty đưa tôi đi vẫn yêu cầu tôi phải đền bù hợp đồng 30 triệu đồng”.

Đi sau đợt chị Nguyên, chị Trương Thị Hằng cũng gặp phải hoàn ảnh tương tự. Sang đến sân bay Ảrập Xêút, chị cũng được người chủ sử dụng đưa đi một chặng đường dài mới tới nơi làm việc. Chân ướt chân ráo, chưa được nghỉ đã bị bắt ép phải làm việc ngay. Có hôm mệt, chủ nhà cũng bắt chị phải lết dậy làm việc. Khi xảy ra chiến sự, chị lại phải theo gia đình chủ nhà chạy loạn hàng trăm km đến nơi trú ẩn. Mặc dù khổ cực như vậy, không biết mất mạng ngày nào, thế nhưng họ sống rất tàn tệ. Có hôm do làm mệt lại ăn uống ít chị mệt lả chưa dậy làm được, người nhà họ còn lấy cả xô nước dội lên người bắt dậy làm việc.

Chị kể: “Mỗi ngày chúng chỉ cho tôi ăn mỗi gói mì tôm. Chúng bắt làm việc liên tục. Nhiều hôm tôi phải làm từ sáng sớm đến 4,5 giờ sáng hôm sau, thậm chí tôi mới ngủ được một tiếng đồng hồ, họ đã bắt dậy làm việc tiếp. Lúc mới sang, tôi bị chủ nhà cho ngủ ở phòng kho chật hẹp, bụi bẩn. Sau khi chạy loạn, họ bắt tôi ở phòng khách, ngủ ngay sát chân ghế để bắt dậy làm việc cho lẹ. Dù gia đình có rất nhiều phòng và có giường nệm đầy đủ, thế nhưng chúng không cho tôi ngủ. Nhiều hôm làm bánh mì ăn sáng cho gia đình chủ, tôi phải làm thừa một cái rồi lận ở lưng quần chạy vào nhà vệ sinh đóng chặt cửa để ăn cho đỡ đói. Thậm chí thức ăn thừa thãi, ăn không hết, họ không cho tôi ăn mà đem giục hết vào thùng rác. Thấy tôi khổ quá, nhiều chị em người Philippin, chị Hà người giúp việc cho gia đình con trai bà chủ của tôi sống gần đó phải đùm cơm bỏ vào thùng rác rồi nhắn cho tôi ra lấy vào nhà vệ sinh ăn”.

Chị Nguyên và chị Hằng cho biết, để được trả về nước, mấy chị đã phải lột đồ, đòi tự tử. “Vì sợ chúng tôi chết nên chúng mới trả lại cho công ty môi giới”- chị Hằng tâm sự.

Làm không lương

Bị đối xử tàn tệ, không có một đồng lương nào từ khi bước chân sang nước ngoài đến lúc được trở về. Bởi mọi chi phí từ tiền lương ứng trước đến vé máy bay, việc học tiếng và những chi phí làm hộ chiếu đều bị những kẻ cò mồi cắt xén, ăn bớt không thương tiếc. Trong khi đó đây là những chi phí mà phía đối tác (chủ sử dụng) đã bỏ ra trước để ký hợp đồng cho người lao động.

Theo chị Hằng cho biết thực tế không giống như trong hợp đồng thỏa thuận. Chị Hằng giao tiếp được chút ít với người chủ nhà thuê, thắc mắc về thời gian quy định làm việc ghi rõ được nghỉ ngơi ít nhất 9 tiếng mỗi ngày, thế nhưng chủ nhà bảo, họ bỏ chi phí hơn 200 triệu đồng để thuê chị qua đây làm việc, thì chị phải làm cho tốt việc của mình, không được chây lười. Rằng tiền vé máy bay, tiền lương ứng trước, chủ sử dụng đã trả cho phía công ty môi giới phía Việt Nam.

Theo chị Hằng cho biết, mức lương mà chủ ở Ảrập Xêút trả cho mỗi người giúp việc từ 22 đến 25 triệu đồng chứ không phải 7 đến 9 triệu đồng/tháng như phía Công ty cung ứng nhân lực giới thiệu với người lao động. Hỏi những chị em người Philippines cũng làm công việc như mình, chị Hằng được biết những người này được chủ Ảrập trả mức lương tương đương 25 triệu đồng/tháng (chuyển đổi Rian Ảrập Xêút (SAR) sang Việt Nam đồng).

Quá bất ngờ với mức lương thực nhận do chủ Ả Rập trả và mức lương chênh lệch khi các đối tượng cò mồi làm giá đưa mình đi, chị Hằng càng tủi nhục hơn khi nghĩ người giới thiệu lại là mẹ bạn thân của mình. Cùng với đó, những lời hứa như sau khi bay sang đến Ảrập Xêut ở nhà người môi giới sẽ chuyển 10 triệu đồng cho bố mẹ chị. Thế nhưng hơn 2 tháng ở bên đó sống cơ cực, ở nhà bố mẹ chị không nhận được một đồng nào từ các đối tượng dụ dỗ đưa chị đi lao động.

Với chị Nguyên cũng được chị em bà Đinh Thị Nga hứa hẹn chỉ cần bay qua bên đó thì bà Liên sẽ chuyển cho cha mẹ chị Nguyên 15 triệu đồng. Thế nhưng, bố mẹ chị Nguyên không nhận được đồng nào. Chưa kể để ra Hà Nội học tiếng trước khi bay, chị Nguyên đã đi vay lãi 7 triệu đồng để lo chi phí ăn uống trong mấy tháng chờ xuất cảnh đến nay về chưa có trả.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trái đắng từ giấc mơ xuất ngoại - Bài 2: Tủi buồn nơi đất khách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO