Trường học không còn an toàn

Nhóm phóng viên 18/12/2020 08:15

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; và mang vũ khí đến trường.

Học sinh luôn mong muốn thầy cô lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn. Ảnh minh họa.

1. Câu chuyện học sinh Y. được phát hiện ngất xỉu trong nhà vệ sinh ở Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) đang thu hút sự chú ý của dư luận. Có nghi vấn rằng em Y. tự tử, để lại 2 bức thư tuyệt mệnh gây xôn xao dư luận.

Trong buổi phụ huynh của em Y, được Trường THPT Vĩnh Xương mời đến trường trao đổi về việc vi phạm của em tại trường hôm 16/11 phía nhà trường nêu em Y. vi phạm nhiều lần về “mặc áo mỏng”, “đi xe phân khối lớn”. Việc này nhà trường đã nhắc nhở em nhiều lần, và em Y. đã xin lỗi giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường yêu cầu em Y. viết kiểm điểm đồng thời hứa sửa chữa, khắc phục và em phải vào trường học tập nội quy... Tuy nhiên, sau đó em Y. không nhận lỗi và khẳng định mình không sai gì cả. Đến ngày 27/11, trường gửi thông báo về gia đình em Y., đưa ra những lỗi em đã vi phạm như: phản ánh với gia đình sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình; gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học. Trong một thông báo của nhà trường có nêu: “Qua cuộc họp, nhà trường xét thấy gia đình em Y. nhận ra những sai sót của con mình và hứa sẽ dạy dỗ, điều chỉnh con mình. Tuy nhiên, em Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình”. Vì vậy, theo thông báo, em Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong hai tuần (từ ngày 1 đến 12/12). Thời gian có mặt hằng ngày từ 6h30 - 6h50 để giáo viên dạy “học tập quy tắc ứng xử” và “lao động”.

Ngày 30/11, sau khi lãnh đạo trường đọc tên em Y. vi phạm dưới cờ thì cô Huỳnh Thị Thu Huệ - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 của em Y. - phát hiện không có em Y. ở lớp. Cô Huệ cũng gọi điện báo cho gia đình biết và đi tìm thì phát hiện em Y. bị ngất trong nhà vệ sinh. Sau đó, nhân viên y tế của trường sơ cứu và gọi điện báo cho gia đình, gọi xe để đưa em đi bệnh viện. Sau đó, đại diện gia đình cũng có chia sẻ, vì em Y. bị nhà trường liên tục làm khó dễ, thậm chí là đọc tên em vi phạm dưới cờ dẫn đến em uống thuốc trợ tim hằng ngày quá liều nên ngất xỉu…

Trong khi vụ việc đang được xác minh làm rõ, khi mà tâm lý học sinh đang có nhiều xáo trộn, thì dư luận lại băn khoăn về một tài khoản trên mạng xã hội facebook được cho là của bà Thu Huệ (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4). Tài khoản này đăng thông tin sau khi vụ việc của em Y. xảy ra. Nội dung của dòng trạng thái có ý mỉa mai: “Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen... Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!”. Sở GD-ĐT An Giang đang cho xác minh về tài khoản này để có những xử lý phù hợp.

Câu chuyện trên khiến người ta cảm thấy môi trường học đường đã không còn an toàn, không còn thân thiện nữa. Sức ép học đường có thể ập đến học trò từ bất cứ hướng nào. Và bạo lực học đường cũng có thể xuất hiện từ nhiều phía: từ học sinh với học sinh, từ thầy cô giáo và từ phía ban giám hiệu…

Trở lại với vụ việc ở Trường THPT Vĩnh Xương, ngày 8/12, bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang - dẫn đầu đoàn công tác đến Trường THPT Vĩnh Xương, họp toàn thể cán bộ giáo viên trường và gặp phụ huynh em N.T.N.Y.. Theo bà Diễm, tại cuộc họp, các cán bộ, giáo viên của trường đóng góp vào bản tường trình và tự kiểm của ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương. Trước đó, Sở GD-ĐT An Giang nhận thấy trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của Trường THPT Vĩnh Xương còn một số sai sót, cụ thể: Tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành; Có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành. Đặc biệt, lãnh đạo Trường THPT Vĩnh Xương đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc nữ sinh lớp 10 phải vào nhà vệ sinh uống thuốc tự tử. Vì vậy, Sở GD-ĐT An Giang đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng, và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương - trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 7/12).

Liên quan vụ việc này, trong một báo cáo của Sở GD-ĐT An Giang đã chỉ ra: “Về phía trường, trong việc theo dõi, xử lý vụ việc đã có một số hạn chế, thiếu sót. Đó là hiệu trưởng có sự nóng vội trong xử lý vấn đề, đề ra phương án xử lý học sinh chưa phù hợp với quy định hiện hành, trong khi chưa có sự bàn bạc, thống nhất trong nội bộ các thành viên ban giám hiệu trường. Lãnh đạo trường chưa quan tâm sâu sát tình hình diễn biến của vụ việc, phản ứng chậm và không hiệu quả. Giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với gia đình học sinh trong việc giáo dục học sinh chưa phù hợp và chưa hiệu quả, gây bức xúc. Giáo viên chưa kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của ban giám hiệu trường trong xử lý vụ việc, để sự việc kéo dài, diễn biến phức tạp”.

Bức thư tuyệt mệnh với nét chữ học sinh gửi thầy cô Trường THPT Vĩnh Xương.

2. Vụ việc ở Trường THPT Vĩnh Xương chắc chắn để lại dư luận không tốt trong môi trường học đường và sẽ còn cần thêm thời gian để ổn định tâm lý của học sinh ở ngôi trường này nói riêng, ở tỉnh An Giang nói chung. Trách nhiệm của hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm và những người có liên quan rồi sẽ được xử lý, nhưng dư âm của vụ việc sẽ là bài học đắt giá, sâu sắc cho ngành giáo dục.

Để bài học ấy không lặp lại, và những sự việc tương tự không xảy ra thêm một lần nữa, có lẽ chúng ta cũng nên dừng lại để đi sâu tìm hiểu thế giới tâm hồn của các em học sinh. Mỗi học sinh là một con người, có số phận và hoàn cảnh khác nhau, sức khỏe và cá tính khác nhau, vì thế rất cần có những cách thức tiếp cận, giáo dục khác nhau.

Trong bức tâm thư được cho là của em Y. viết gửi đến ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng, bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Hiệu phó và cô chủ nhiệm Huỳnh Thị Thu Huệ cùng với các giáo viên Trường THPT Vĩnh Xương có đoạn: “Em mong các giáo viên trên xin dừng chèn ép làm vậy sau cái chết của em. Mong nhà trường này tự suy xét lại và đối xử tốt hơn với các bạn sau này"; “Xin cô Hiệu phó đừng lấy uy quyền ra trấn áp học sinh, xin cô chủ nhiệm đừng bạo lực các bạn sau này và các em sau thời em”; “Sau cái chết của em xin nhà trường đừng bao giờ tin vào những việc chưa rõ ràng và bạo lực tinh thần với các bạn khác”; “Em từng rất hâm mộ các thầy cô khi còn nhỏ nhưng giờ đây mọi thứ sụp đổ khi giáo viên thì bạo lực tinh thần em”; “Cô Hiệu phó đọc tên em dưới toàn trường vào thứ 2 tuần rồi”; “Thầy Hiệu trưởng chấp nhận ký vào đơn kỷ luật em. Nay em xin lấy sinh mạng bản thân để chứng minh lời em nói là thật”.

Đọc những dòng chữ này, không thể không suy nghĩ. Chúng ta đang mong muốn đào tạo ra những học sinh ngoan, giỏi, sống có ích cho gia đình, cho xã hội nhưng chúng ta lại đang có những phương pháp giáo dục, những hành vi không đúng. Bản thân ông Nguyễn Việt Hùm khi được hỏi về vụ việc này cũng thừa nhận, do muốn em Y. sửa chữa thiếu sót của mình trong môi trường học đường nhưng “hơi vội” và việc vận dụng hình thức giáo dục chắc “chưa phù hợp”.

Sẽ khó cầm lòng khi đọc nét chữ học trò “sau cái chết của em xin nhà trường đừng bao giờ tin vào những việc chưa rõ ràng và bạo lực tinh thần với các bạn khác”.

Rất may, em Y. đã được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) cho rằng, “đọc bức thư tuyệt mệnh ai cũng có thể cảm nhận là học sinh đang hoảng loạn tâm lý. Cách hành xử của giáo viên chưa thuyết phục, càng không thuyết phục khi trường ra quyết định kỷ luật học sinh trước cờ. Dù kỷ luật để răn đe học trò nhưng rõ ràng chưa làm trẻ tâm phục khẩu phục mới dẫn đến hành động như thế”.

Còn PGS.TS Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nêu quan điểm: Ngay trong Thông tư 32/2020/TT/BGDĐT quy định: Cho dù học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì giáo viên cũng không được phép kỷ luật nêu tên học sinh trước lớp, trước toàn trường.

“Nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì em Y. tự tử do nguyên nhân ở nhà trường chứ không phải ở gia đình. Tôi thấy vấn đề đặc biệt gây bức xúc ở chỗ giáo viên không được phép đem học sinh ra phê bình trước tập thể”- ông Nam đặt vấn đề, đồng thời cho rằng: “Hành động phản ứng rất mạnh mẽ của em Y. là muốn chứng tỏ với các thầy cô cần phải dừng lại những áp đặt, cần phải làm khác đi, nếu không các thầy cô sẽ phải hối hận…”

Rất may em Y. đã được kịp thời phát hiện để đưa đến bệnh viện cấp cứu. Rất may là hiệu trưởng, hiệu phó, cùng giáo viên chủ nhiệm của em Y. còn có cơ hội để sửa chữa. Nhưng rõ ràng, đây cũng là một bài học sâu sắc của ngành giáo dục. Nếu không có những biện pháp vừa cứng rắn, vừa linh hoạt thì môi trường học đường sẽ khó trong lành, khó an toàn và bạo lực học đường ở khía cạnh này hay khía cạnh khác sẽ tiếp tục nhức nhối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường học không còn an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO