Tự chủ đại học: Không đánh đồng với tự túc về nguồn lực

Nguyễn Hoài 04/08/2022 14:46

Tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn song nhìn lại tổng thể việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học hiện đang còn rất nhiều lúng túng.

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị.

Đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ

Theo đánh giá của Bộ GDĐT, thời gian qua, tự chủ đại học đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Từ năm 2003 đến 2018, vai trò và thực quyền của hội đồng trường đã được Quốc hội quy định cụ thể tại Luật số 34. Đây là bước đi quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập thực hiện quyền tự chủ về công tác tổ chức bộ máy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và các đại biểu tại Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022.

Bộ GDĐT cho biết, hiện nay, đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật GDĐH (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Trong đó, về chất lượng, tính đến 28/2/2022, cả hệ thống có 274 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 174 cơ sở giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 591 chương trình đào tạo hoàn thành tự đánh giá; 470 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài, trong đó có 308 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Một số cơ sở GDĐH đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng đại học ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường đại học theo lĩnh vực. Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới, ở lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế theo Bảng xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có hai đại diện; lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện.

Toàn cảnh Hội nghị.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơm nhìn nhận, tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Vì vậy, trong quá trình triển khai vẫn có những vướng mắc, bộc lộ những hạn chế, khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra những vướng mắc do: Hệ thống các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán. Khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ.

“Vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích. Có cả những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ…; có những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố. Và cả những vấn đề nảy sinh từ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm qua”, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

Không nên cắt ngân sách của các trường tự chủ

Tại Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022, nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế triển khai tự chủ đại học.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, tự chủ đại học là xu thế tất yếu và là định hướng đúng tạo động lực cho các cơ sở GDĐH đổi mới và phát triển toàn diện. Đây là xu thế không thể đảo ngược trong quá trình phát triển của GDĐH thế giới, thúc đẩy các trường đổi mới mọi mặt. Đồng thời, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của ngành và đất nước.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, cùng với năng lực và những thành tích trong đào tạo và nghiên cứu đã đạt được, trường lần lượt có mặt và tăng bậc trong các bảng xếp hạng thế giới có uy tín.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị.

Khẳng định, quá trình đổi mới, kiên định chuyển đổi mô hình thành đại học tự chủ của nhà trường trong thời gian qua đang đi đúng hướng, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tự chủ: “Nhà trường làm nền tảng, người thầy là chủ thể, là động lực phát triển và người học làm trung tâm”.

Khẳng định tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn song PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam nhận xét, nhìn lại tổng thể việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đang còn rất nhiều lúng túng.

Theo ông Nhĩ, hiện nay, trong cả giới quản lý lẫn học thuật đang có sự nhầm lẫn giữa trao quyền tự chủ cho trường đại học với việc nhà nước phân quyền cho cơ sở cũng đòi hỏi các trường phải tự túc về tài chính.

Bên cạnh đó, luật pháp không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai tiền hậu không thống nhất, lủng củng, nửa vời. Đang có sự lẫn lộn và xung đột giữa cơ chế tự chủ với cơ chế chủ quản như cũ, mà chủ quản vẫn mạnh hơn, cũng có nghĩa là nói tự chủ nhưng vẫn chưa được tự chủ theo đúng nghĩa.

Nếu kéo dài tình trạng này, ông Nhĩ lo ngại, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học mặc dù rất đúng đắn nhưng có khả năng phá sản, GDĐH của Việt Nam sẽ không có lối ra để có thể nhanh chóng trưởng thành.

Đề giải quyết tình trạng này, chuyên gia này cho rằng, nằm ngoài khả năng của Bộ GDĐT, mà cần phải có chỉ đạo của cấp cao, giao cho các cơ quan liên quan thực hiện theo chức năng của mình về tham mưu việc điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng nhất quán thực hiện chủ trương tự chủ đại học.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất một số giải pháp để mở đường cho GDĐH Việt Nam có được tự chủ đại học đích thực. Trong đó ông nhấn mạnh quam điểm đầu tiên là không đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực.

“Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Bộ GDĐT cho biết, trong 5 năm tới, giai đoạn 2022 - 2026, định hướng trọng tâm là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước.

Mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển,… Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở GDĐH công lập.

Trong giai đoạn tới, cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách (thông qua chế độ chi đầu tư theo Luật ngân sách Nhà nước hoặc giao vốn theo Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước), chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực GDĐH mà bộ, ngành quản lý… để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư nhà nước như giai đoạn thí điểm và cách hiểu của một số cá nhân.

Các cơ sở GDĐH trong giai đoạn hiện nay rất cần Nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững, thực hiện tự chủ đại học thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ đại học: Không đánh đồng với tự túc về nguồn lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO