Có cần cổ phần hóa để 'hóa kiếp' hãng phim truyện Việt Nam?

Mạnh Thắng (ghi) 05/06/2016 18:25

Với không ít người, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là điều tất yếu. Nhiều người coi cổ phần hóa là giải pháp cứu cánh cho điện ảnh đang ảm đạm. Nhưng khi VFS xướng lên khúc dạo đầu cổ phần hóa, thì dư luận lại chả thấy bàn gì về chuyện làm phim, về cơ chế làm phim, mà chỉ thấy ồn ã chuyện những mảnh đất vàng bỗng dưng rơi vào tay Tổng công ty Vận tải Thủy (VIVASO). 

Có cần cổ phần hóa để 'hóa kiếp' hãng phim truyện Việt Nam?

Những phim lớn trong nước và hợp tác với nước ngoài mà họa sĩ Vũ Huy thiết kế mỹ thuật: Đêm hội Long Trì; Ngã ba Đồng Lộc; Ký ức Điện Biên; Người Mỹ trầm lặng; Đất nước tươi đẹp; Mùa hè chiều thẳng đứng; Skull Island (KingKong 2)…

Không lẽ cả một nền điện ảnh cách mạng từng đồng hành với dân tộc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, làm nên bao kỳ tích, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, lại có thể bị kết liễu dễ dàng chỉ bằng vài ba chục tỷ?. Dưới đây những ý kiến của họa sĩ Vũ Huy – Xưởng trưởng Xưởng thiết kế mỹ thuật VFS với phóng viên.

Là họa sĩ của VFS đã mấy chục năm, từ năm 1993 đến nay lại phụ trách Xưởng trưởng Xưởng thiết kế mỹ thuật VFS, tham gia nhiều bộ phim lớn trong và ngoài nước nên tôi thực sự bị sốc khi VFS tiến hành cổ phần hóa.

Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa đơn thuần, khi cổ phần hóa ít gây sự chú ý của dư luận dù doanh nghiệp đó có nằm trên những mảnh đất vàng đi chăng nữa. Cổ phần hóa VFS sẽ khiến những mảnh đất vàng, tọa lạc ngay trong trung tâm chính trị Ba Đình rơi vào tay tư nhân. Nhưng cái đau đớn nhất là xóa sổ một hãng phim truyền thống. Hơn ba trăm bộ phim đồng hành cùng dân tộc từ suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ đến nay không còn chút giá trị gì sao? Xóa sổ một hãng phim tiếng tăm như VFS, Nhà nước được lợi gì ngoài hơn 19 tỷ - số tiền chỉ đủ bỏ ra đặt hàng tiếp một bộ phim truyện nhựa khác?.

Được thì ít nhưng cái mất thì nhãn tiền. Những bộ phim gây dựng nên nền điện ảnh Việt Nam của mấy thế hệ đổ mồ hôi xương máu dễ dàng bị xóa bỏ như thế sao?. Khi xây dựng kế hoạch cổ phần hóa, người ta đã gạt ra rìa không tính đếm đến hơn ba trăm bộ phim này. Những Chung một dòng sông; Sao tháng Tám; Chị Tư Hậu; Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Mối tình đầu; Nổi gió; Làng Vũ Đại ngày ấy; Thành phố lúc rạng đông; Thủ lĩnh áo nâu; Đêm hội Long Trì… bị đứt lìa, vơ vất giữa quá khứ và hiện tại?

Những thế hệ nghệ sĩ gắn bó với điện ảnh giờ nghỉ hưu chắc sẽ không khỏi hụt hẫng? Trụ sở số 4 Thụy Khuê của VFS như một người thân ruột rà gắn bó. Nếu cổ phần hóa thì số 4 Thụy Khuê sẽ không còn là chốn đi về của họ. Khi họ mất công ty cổ phần không chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang.

Tôi nghĩ không có quy định nào bắt buộc khi chúng ta gia nhập WTO thì sẽ phải cổ phần hóa 100% các doanh nghiệp Nhà nước, bất kể đó là doanh nghiệp có đặc thù văn hóa như VFS. Vấn đề khi cổ phần hóa VFS sẽ giải quyết được vấn đề gì? Và đó có phải là giải pháp duy nhất giải quyết sự trì trệ không mà thôi.

Trước khi nói về giải pháp cổ phần hóa, tôi muốn nêu một câu hỏi mà tôi muốn những người có thẩm quyền trong ngành điện ảnh, cao hơn là Bộ VHTTDL rằng: Cổ phần hóa VFS để nhằm mục tiêu gì?. Mục tiêu là Nhà nước không muốn dành một chút ngân sách nào nữa cho điện ảnh, vì VFS đã nợ trên 90 tỷ?, Phim làm ra phải có lãi? Vì khán giả không muốn phim làm theo lối cũ?

Có cần cổ phần hóa để 'hóa kiếp' hãng phim truyện Việt Nam? - 1

Cảnh phim Người Mỹ trầm lặng có sự tham gia
thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Vũ Huy.

Về vấn đề ngân sách, phải nói ngay là từ mấy chục năm trước, VFS đã phải tự hạch toán. Nhà nước không cấp ngân sách cho VFS để trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ. Tôi nhớ thời NSND Hải Ninh làm giám đốc (từ những năm 1989), VFS đã phải tự hạch toán. Vừa rồi, khi tiến hành các bước để cổ phần hóa thì một trong những khoản nợ được nhắc tới là khoảng 2 tỷ đồng từ thời NSND Hải Ninh. Đó là số tiền Ban giám đốc mạnh dạn vay Nhà nước để bổ sung thêm kinh phí thực hiện ba bộ phim truyện nhựa: Đêm hội Long Trì (1989, đạo diễn Hải Ninh), Phần đời không muốn nhớ (đạo diễn Trần Quốc Huấn) và Chuyện tình trong ngõ hẹp (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân).

Về con số VFS thua lỗ, nợ Nhà nước hơn 90 tỷ là không đúng. Bởi vì, VFS tồn tại, dù èo uột hàng chục năm nhờ sống bằng nguồn làm phim đặt hàng của Nhà nước. Bên cạnh đó VFS còn làm dịch vụ cho các hãng phim trong và ngoài nước. Thu nhập từ việc làm phim đặt hàng được trích ra trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ, đóng bảo hiểm xã hội. Do đó nên mức lương nhận được của chúng tôi chỉ bằng 50% quy định. VFS có trách nhiệm sản xuất phim theo đặt hàng Nhà nước chứ không có nhiệm vụ kinh doanh bộ phim đó để sinh lời, lấy lại vốn nên không thể quy kết VFS thua lỗ. Và không thể cộng dồn số tiền Nhà nước bỏ ra đặt hàng VFS làm phim bấy nhiêu năm từ đi số tiền bán vé để tính ra số thua lỗ của VFS. Cũng giống như doanh nghiệp A đặt hàng doanh nghiệp B gia công, sản xuất sản phẩm để kinh doanh thì khi sản phẩm đã đạt chất lượng như đơn đặt hàng mà không bán được thì lỗi không phải của doanh nghiệp B.

Hơn nữa, nếu VFS thua lỗ hơn 90 tỷ thì khi VIVASO mua cổ phần, họ phải chịu trách nhiệm về khoản nợ này. Giống như việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua một số ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng thì không có nghĩa là từ bỏ được trách nhiệm với những khoản nợ của những ngân hàng yếu kém. Thế nhưng, theo như thông tin mà chúng tôi được biết thì VIVASO sẽ chỉ dành ra hơn 10 tỷ để vừa trả nợ, vừa trả lương, vừa làm phim. Trong đó, khoản nợ của VFS chủ yếu là tiền thuê đất khoảng 5 tỷ đồng trong mấy chục năm.

Theo tôi, cái trì trệ của VFS là do Ban giám đốc, đứng đầu là giám đốc đã không mạnh dạn mở rộng hợp tác, phát triển kinh doanh. Cơ chế của đơn vị sự nghiệp công lập tự hạch toán cho phép VFS thực hiện điều đó. Nếu muốn làm những bộ phim mình cho là hay, ăn khách mà không được Nhà nước đặt hàng thì tại sao không mạnh dạn vay vốn, liên kết huy động vốn để sản xuất? Sợ không đủ rạp chiếu sao không liên kết xây dựng hệ thống rạp trên chính mảnh đất vàng trụ sở của hãng?

Tôi lấy một ví dụ về Hãng Mosfilm của Nga. Trước đây cũng là hãng phim tiêu biểu thời Liên Xô cũ. Trước năm 2000, xưởng phim từng cho ra đời những tuyệt phẩm điện ảnh, nơi quy tụ những nghệ sĩ tài năng, biến thành những dãy nhà mục nát, đường ống nước tắc ngập, thiết bị cũ kỹ… có khi còn tệ hơn số 4 Thụy Khuê bây giờ. Nhưng khi được giao làm giám đốc, Shakhmazarov đã không dễ dãi tiến hành cổ phần hóa như định liệu của người tiền nhiệm mà mạnh dạn cải cách quản lý. Đến nay, Mosfilm trở thành hãng phim mạnh và nộp thuế nhiều nhất trong các hãng phim châu Âu và được ví như Hollywood của nước Nga.

Còn tại Pháp, khi sang học, ông giám đốc Trung tâm điện ảnh Pháp cho tôi biết: Trung tâm điện ảnh Pháp không cổ phần hóa mà trực thuộc Bộ Văn hóa Pháp. Hàng năm, Trung tâm có nguồn thu hơn 200 triệu EU được trích từ nguồn thu thuế, truyền hình, bán vé. Ngoài đầu tư cho sản xuất phim trong nước để giữ nền điện ảnh Pháp, trung tâm còn hỗ trợ cho một số quốc gia khác. Một số nghệ sĩ của Việt Nam đã nhận được tài trợ làm phim từ nguồn này.

Tôi nghĩ nhiều nghệ sĩ điện ảnh của ta có tài. Nhiều người rất giỏi làm phim ăn khách. Điều này đã được chứng minh khi cơ chế kiểm duyệt phim được cởi mở và chủ đầu tư mạnh dạn bỏ vốn. Nhiều bộ phim ăn khách trên thị trường do các nghệ sĩ được đào tạo bài bản làm hoặc làm thuê cho các hãng phim tư nhân. Nhiều hãng phim nước ngoài vào Việt Nam thuê bối cảnh, diễn xuất, thiết kế mỹ thuật, trang phục… chủ yếu lựa chọn VFS để hợp tác.

Trở lại vấn đề, tôi nghĩ Nhà nước, Bộ VHTTDL trước khi chọn cổ phần hóa là giải pháp cũng nên gây áp lực trách nhiệm cho Ban giám đốc VFS. Nếu sau một thời gian mà VFS không phát triển được thì cần thay đổi người lãnh đạo. Thà thay đổi một lãnh đạo còn hơn hóa kiếp cả một hãng phim có bề dày truyền thống.

Tôi nghĩ, đến thời điểm này, vẫn còn thời gian để những người có thẩm quyền cân nhắc được cách làm hữu hiệu khác ngoài cổ phần hóa để sao cho VFS có lợi, có ích hơn cho Nhà nước và cho khán giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có cần cổ phần hóa để 'hóa kiếp' hãng phim truyện Việt Nam?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO