Cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam: Những suy nghĩ để rộng đường dư luận

Từ Khôi 17/05/2016 10:13

Việc cổ phần hóa chóng vánh Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) cuối tháng 4 vừa rồi gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Có lẽ điều gây bất ngờ lớn đối với nhiều người là giá trị doanh nghiệp của VFS được tính để cổ phần hóa chỉ trên 50 tỷ đồng. Và chỉ bỏ ra 32,5 tỷ đồng, Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) đã trở thành người nắm giữ 65% cổ phần. Điều mà mọi người đặc biệt ngạc nhiên là những mảnh đất vàng, diện tích lớn do công ty cổ phần mới sẽ được sử dụng làm trụ sở lại

Cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam: Những suy nghĩ để rộng đường dư luận

Tấm biển trụ sở Hãng phim Truyện Việt Nam đang đợi giờ đẹp
để gỡ xuống thay biển tên công ty mới.

Cổ phần hóa để thoát khỏi sự èo uột, phá sản

Câu chuyện cổ phần hóa các hãng phim được tính đến từ năm 2003. Đến tháng 7/2010, thay vì cổ phần hóa như dự định thì Nhà nước quyết định chuyển đổi mô hình 5 hãng phim thành các công ty TNHH một thành viên. Việc chuyển đổi này được coi là giải pháp tạm thời, là bước đệm để tiến hành cổ phần hóa.

Hy vọng của bước đệm đã không đem lại kết quả như mong muốn. Trong hơn 5 năm qua, chưa một năm nào VFS có lãi. Lề lối làm việc của VFS vẫn theo «truyền thống» là nhận các phim đặt hàng của Nhà nước hàng năm. Có phim đặt hàng, VFS mới có tiền trang trải hoạt động và trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ. Nhiều năm nay, cán bộ của VFS chỉ được lĩnh 50% lương.

Trao đổi với báo chí chiều 5/5 tại Bộ VHTT DL, đạo diễn Vương Đức – Giám đốc VFS nói: Trước và sau khi tôi làm giám đốc đến nay, VFS luôn thua lỗ. Nếu không cổ phần hóa sẽ phải phá sản theo luật doanh nghiệp. Ông Trần Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTT DL cũng cho biết: Nhà nước cũng không thể tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp thua lỗ.

Đất vàng giá 0 đồng?

Trước VFS, Hãng phim Truyện I đã cổ phần hóa năm 2013 thành Công ty CP phim truyện I. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa tại hãng phim này không gây sự chú ý. Đơn giản vì hãng không có tài sản là đất đai. Trụ sở của hãng trong ngõ 151 phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội là thuê của đơn vị khác. Trong khi đó, VFS lại có những mảnh đất vàng hấp dẫn như: Tại số 4 phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) với diện tích sử dụng gần 5.500 m2, trong ngõ 151 phố Hoàng Hoa Thám là 905 m2, trường quay tại Cổ Loa (Đông Anh) rộng 6.382 m2, và tại số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP Hồ Chí Minh là 1.208 m2. Tuy nhiên, những mảnh đất vàng này lại không nằm trong danh mục định giá để cổ phần hóa. Thông tin cho báo chí ngày 5-5, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Hiện trạng, xác định giá trị doanh nghiệp của VFS lỗ tổng số 77,3 tỷ trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 97 tỷ, như vậy, vốn thực doanh nghiệp chỉ còn 19,7 tỷ đồng. Sở dĩ khi cổ phần hóa không tính giá trị đất, vì theo luật đây là đất thuê của nhà nước nên khi chuyển cổ phần nên không được tính giá trị đất. Đạo diễn Vương Đức cũng nói: Sở dĩ VFS được định giá thấp vì từ khi tôi được bổ nhiệm Giám đốc VFS, tôi được bàn giao tài sản với số vốn rất ít. Một thời gian rất dài, VFS không được đầu tư, chỉ rót tiền đầu tư làm phim.

Việc không định giá trị đất vào tài sản doanh nghiệp được vận dụng theo điểm 6 khoản 6 điều 1 Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính Phủ: «Đối với diện tích đất thuê theo phương thức trả tiền thuê đất hàng năm thì doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành và không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp».

Cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam: Những suy nghĩ để rộng đường dư luận - 1

Cũng như với đất đai, tài sản là 325 bộ phim do VFS sản xuất trong 63 năm cũng không được định giá. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Số lượng phim này sản xuất từ nguồn ngân sách Nhà nước nên thuộc sở hữu Nhà nước. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác đều phải tuân thủ luật bản quyền. Và một tài sản vô hình khác là thương hiệu VFS cũng không được định giá.

Theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, thì doanh nghiệp điện ảnh không nằm trong danh sách mà Nhà nước cần nắm giữ cổ phần. Tuy nhiên, khi tiến hành cổ phần hóa VFS, Nhà nước đã quyết định nắm giữ 20% cổ phần. Nhà đầu tư chiến lược giữ 65% cổ phần, cán bộ công nhân viên giữ 5% cổ phần, các nhà đầu tư khác giữ 10% cổ phần. Sau khi cổ phần hóa, VFS sẽ được đổi tên thành Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.

Khi các hãng phim truyện cổ phần hóa hết, nhiều nghệ sĩ trăn trở sẽ không có hãng phim nào sản xuất những bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Vấn đề này đã được TS. Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết tại buổi Tọa đàm ngày 21/4 do Hội Điện ảnh tổ chức: Khi cần thiết, Nhà nước sẽ tiếp tục đặt hàng những bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị cho các hãng phim cổ phần. Năm 2015, Nhà nước cũng đã đặt hàng phim «Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh» với Hãng phim Thiên Ngân. Nếu như đặt hàng phim này cho VFS chưa chắc đã tạo thành cơn sốt.

Một số nghệ sĩ gắn bó cuộc đời, sự nghiệp với VFS lo ngại việc VIVASO – một công ty vận tải thủy trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 65% cổ phần lại không có kinh nghiệm quản lý thì sẽ đưa Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam về đâu?. Trăn trở này có thể là hiện thực nhưng theo quy định pháp luật thì doanh nghiệp nào cũng có quyền đầu tư kinh doanh những ngành nghề mà luật pháp không cấm. Đạo diễn Đào Bá Sơn ngậm ngùi: Tôi đề nghị Nhà nước nên giữ lại 10m2 tại số 4 Thụy Khuê để làm nơi dựng bia, ghi dấu lịch sử đã từng có một Hãng phim Truyện Việt Nam làm nên nền điện ảnh Cách mạng ở đây. Và nghệ sĩ già còn có chỗ đi về, gặp gỡ ôn lại kỷ niệm.

Nhìn vào Công ty CP phim truyện I, sau khi cổ phần hóa vài năm, mà ngẫm ngợi về tương lai của VFS sau khi cổ phần hóa. Công ty CP phim truyện I vẫn hoạt động cầm chừng sản xuất phim theo đơn đặt hàng từ Nhà nước hoặc VTV. Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng cho biết ông từng đầu tư 700 triệu mua cổ phần nhưng đã bán lại với giá 100 triệu đồng vì mấy năm liền sau đầu tư không thấy được chia đồng lãi nào.

Có ý kiến cho rằng: Nếu không nhìn vào cơ sở đất đai mà VFS đang sử dụng có lẽ VIVASO sẽ không đầu tư 65% cổ phần. Vì với số tiền bỏ ra, VIVASO hoàn toàn có thể thành lập mới một doanh nghiệp điện ảnh và có thể thuê các máy móc, nghệ sĩ để sản xuất phim như các hãng phim tư nhân đã và đang làm. Tại cuộc họp báo ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ VHTT DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Nếu doanh nghiệp sau khi cổ phần mà sử dụng đất sai mục đích thì sẽ bị Bộ kiến nghị thu hồi. Cam kết của nhà đầu tư chiến lược được đưa vào Điều lệ Công ty cổ phần gồm 7 điểm: 90% doanh thu phải từ phim không phải từ mặt hàng khác; Cam kết trả tiền thuế đất hãng phim nợ; Cam kết đầu tư cơ sở vật chất phục vụ làm phim; Cam kết tuân thủ phương pháp sử dụng đất sau cổ phần hóa để phục vụ sản xuất phim; Cam kết sử dụng toàn bộ số lao động của hãng phim có nguyện vọng về công ty cổ phần, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ; Cam kết sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ CPH đầu tư sản xuất phim, còn lại 20% đấu thầu sản xuất phim; Nhà nước sẽ cử 3 người vào vị trí lãnh đạo gồm: Thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát.

Có thể Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam sẽ không vi phạm cam kết để tránh bị xử lý theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, thế nhưng, sau khoảng thời gian ngắn ngủi 5 năm của cam kết và giám sát thì sao?. Có ai chắc 90% doanh thu của Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam còn đến từ phim?. Hay là đến từ thu nhập từ nhà hàng, khách sạn hay cho thuê... ?. Lúc đó, có ai nỡ trách phạt doanh nghiệp kiếm tiền từ thu nhập khác để nuôi phim?

Và một câu hỏi nữa khiến dư luận băn khoăn: Tại sao thông tin kêu gọi nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa VFS chỉ được đăng tải trên 3 số liên tiếp của báo Kinh tế và Đô thị từ ngày 16 đến 19/1/2016. Và chỉ có thời hạn 10 ngày (đến 15h ngày 26/1/2016) để nộp hồ sơ?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam: Những suy nghĩ để rộng đường dư luận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO