Đi tìm gương mặt của làng

Minh Quân 04/01/2017 09:35

Trong quá trình đô thị hóa, không gian làng xưa đang mất dần. Trong khi các nhà nghiên cứu vẫn kêu gọi bảo tồn, gìn giữ thì thực tế hiện nay chưa có những quy hoạch chiến lược trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống của kiến trúc làng.

Không gian của làng Ngang Na được coi là điểm sáng trong việc bảo tồn kiến trúc làng. Ảnh: Bùi Hoài Mai.

Bảo tồn hay phá bỏ?

Theo kết quả khảo sát từ năm 2007 tới nay của CLB Di sản làng Việt, hiện nay vùng đồng bằng sông Hồng có khoảng 3.500 làng truyền thống hình thành từ 200 - 500 năm. Tuy nhiên, hiện các giá trị kiến trúc của làng đang mất nhanh dưới tác động của đô thị hóa, còn công tác bảo tồn suốt nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ. Việc bảo tồn đang rơi vào thực trạng chỉ có vài ngôi làng khá nguyên vẹn, còn lại chỉ lưu giữ được một vài thành tố di sản.

Thậm chí, nhìn rộng hơn giữa hàng nghìn làng truyền thống trên cả nước, hiện nay mới chỉ có 2 làng Đường Lâm và Phước Tích là được bảo tồn tổng thể. Chưa kể, có một bất cập là nhiều làng chỉ “nhăm nhăm” đi xin công nhận di tích rồi mới bắt tay vào công tác bảo tồn. Trong khi giá trị khác, gồm cổng làng, lũy tre, cầu đá, ao, quán, miếu, phủ… vốn gắn liền với cuộc sống cộng đồng ở làng gần như bị bỏ quên.

Đơn cử, theo PGS.TS Phạm Hùng Cường-Chủ tịch CLB Di sản làng Việt, việc khảo sát nhóm làng của người Thái ở Yên Bái đã khiến các chuyên gia giật mình vì sự thay đổi khủng khiếp ở đây. Cả một hệ thống làng đang thay đổi và bị xóa đi nhanh chóng. Lý do dẫn tới sự phá bỏ này là hệ thống di sản mà cứ phải đợi luật này, luật kia ban hành, đợi nguồn phí nhà nước, đợi lập dự án theo đủ thủ tục, quy trình…

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải- Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), sự biến dạng này có nhiều nguyên do. Đơn cử, như những ngôi nhà cổ cùng không gian kiến trúc truyền thống mà coi nhẹ quyền lợi dân sinh thì khó mang lại kết quả như mong muốn. Hiện cuộc sống của người dân sống trong, hoặc bên các khu di tích luôn nặng trĩu nỗi lo mà nhà quản lý chưa thật sự quan tâm, thấu hiểu.

Ngoài ra, theo Luật Di sản văn hóa hiện nay với các nguyên tắc bảo tồn nguyên gốc, nguyên trạng, phần lớn chỉ phù hợp với di tích “chết”, chẳng hạn, di tích tôn giáo tín ngưỡng hoặc lăng tẩm… Còn với di sản mang yếu tố động, gắn bó trực tiếp với cuộc sống sinh hoạt của người dân thì không thể áp dụng cách thức tương tự, dễ dẫn đến xung đột gay gắt giữa bảo tồn và sử dụng. Nếu coi làng là một cơ thể thì cộng đồng ở đó chính là linh hồn làm nên sự sống của làng.

Vì vậy, bảo tồn không thể thiếu giải pháp thiết thực đối với người dân sống trong làng đó. Chỉ khi những vấn đề dân sinh được giải quyết hợp tình, hợp lý, chừng đó người dân mới yên lòng sống cùng di sản. Theo ông Hải, xác định giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn, phát triển với công tác quản lý về trật tự xây dựng của các hộ dân đang sinh sống trên địa bàn là một việc lớn và khó, phải có lộ trình, tháo gỡ dần dần.

Đi tìm sự đồng thuận

Có thể thấy, những lý do mà các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đưa ra thì công tác bảo tồn kiến trúc làng đang xảy ra nhiều mâu thuẫn. Sự biến dạng không gian kiến trúc phần nhiều là do thiếu sự đồng thuận.

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường: “Cộng đồng không muốn giữ thì chúng ta không thể bảo họ trồng cây tre ở đầu làng, cũng không thể lấy văn bản mà ép họ không được cải tạo, lấp ao, lấp giếng... Chưa kể, với số lượng hàng nghìn làng trải dọc 3 miền, chỉ trông cậy vào nhà nước là điều không thể”.

Hơn nữa, để bảo tồn nguyên vẹn hay tổng thể làng, kinh phí rất lớn và phương pháp tiếp cận như ở một số làng hiện nay cũng tồn tại nhiều bất cập. Do vậy, theo các chuyên gia, phương pháp bảo tồn khả thi nhất hiện nay chính là tác động vào ý thức, để cộng đồng trực tiếp tham gia.

Câu chuyện không gian của làng Ngang Na (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh) được coi là điểm sáng trong việc bảo tồn kiến trúc làng. Để có được thành công này, họa sĩ Bùi Hoài Mai từ 10 năm trước đã bắt đầu phục dựng di sản làng. Với quan điểm “không thay đổi gì hết mà phát triển trên cái làng sẵn có”, cấu trúc làng quê Bắc Bộ được giữ gìn nguyên vẹn với không gian nhà 3 gian 2 chái, tường đất mộc vàng của loại đất thổ hoàng địa phương, cổng vào bằng đá ong, cửa gỗ, có sân rộng và ao nhỏ trước nhà, đường lát gạch quanh co...

Các vật liệu ở đây được tận dụng hoặc làm mới thủ công, chọn lọc kỹ càng từ nội thất, phù điêu, vòm cổng, tượng trong vườn... Bằng cách làm đó người dân nơi đây cũng dần ý thức về giá trị của ngôi làng mình đang sinh sống, từ đó kiến trúc Ngang Na vẫn được bảo tồn mà vẫn song hành với lối sống hiện đại.

Họa sĩ Bùi Hoài Mai chia sẻ: “Đó là việc nối lại những đứt gãy của truyền thống bằng cách lưu giữ không gian cổ. Ước muốn thay đổi là của mọi người nhưng khi người ta hiểu giá trị của truyền thống, gốc rễ, họ sẽ tự nguyện bảo tồn. Tôn trọng quá khứ thì mới sáng tạo ra cái mới”.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm băn khoăn: “Phải thể chế hóa. Tiếp cận dưới góc độ cộng đồng. Nhưng trách nhiệm đó đẩy vào đâu? Cho các nhà quản lý, nhà quy hoạch hay cho cộng đồng chung chung? Hoặc nếu nói là hài hòa 3 bên: Nhà nước, người dân với nhà đầu tư, thì hài hòa như thế nào? Rõ ràng, xác định vai trò của cộng đồng nhưng phải đi sâu, chỉ rõ ai là chủ thể, chủ trì trong công tác bảo tồn này không phải việc dễ dàng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm gương mặt của làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO