Giữ gìn bản sắc không gian Hồ Tây

Minh Quân 17/08/2019 08:00

Nằm phía Tây Bắc của nội thành Hà Nội, Hồ Tây không chỉ là thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, mà còn có giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử to lớn. Tuy nhiên, vùng đất vốn vẫn là khu vực ngoại cách đây chưa lâu nhưng nay đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa ồ ạt để trở thành trung tâm mới của thủ đô tương lai.

Giữ gìn bản sắc không gian Hồ Tây

Không gian Hồ Tây. Ảnh: Quang Vinh.

Những thách thức

Trong quá trình phát triển, hồ Tây được bao quanh bởi một hành lang xanh và các kiến trúc mềm mại theo lối làng đan xen với phố, một đặc trưng của kiến trúc Hà Nội. Men theo con đường gần 20 km bao quanh Hồ Tây là rất nhiều di tích đã được xếp hạng, là nơi lưu giữ những hiện vật mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa, như, các làng nghề thủ công nghiệp một thời, cùng các lễ hội đặc sắc. Nếu các giá trị cảnh quan và di sản văn hóa của Hồ Tây được tôn tạo và khai thác thỏa đáng thì đây sẽ là một trung tâm giải trí và du lịch nổi tiếng. Không những vậy, sau khi quận Tây Hồ được thành lập năm 1995, Hồ Tây và khu vực bao quanh nằm trọn trong địa giới hành chính của quận Tây Hồ. Những hệ quả ngoài mong muốn của quá trình phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa khu vực đã trở thành thách thức cho việc bảo tồn và quản lý di tích vùng ven Hồ Tây. Bên cạnh đó, công tác quản lý di tích quận Tây Hồ cũng tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử, một số di tích trùng tu, bảo tồn không đúng trình tự, thiếu khoa học, gây ra những bức xúc trong người dân. Tình trạng một số di tích được “làm mới”, thay đổi hẳn diện mạo... vẫn tiếp tục diễn ra. Chính vì những nguyên nhân này mà bài toán của khu vực hiện nay là cân bằng giữa giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn di tích... với mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững đang là những thách thức không nhỏ.

Mới đây, tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Bản sắc đô thị Hà Nội, một cái nhìn qua không gian Hồ Tây” do AGOhub phối hợp với Viện Nghiên cứu định cư và phát triển bền vững tổ chức, một lần nữa việc tìm lời giải cho bài toán phát triển và bảo tồn không gian Hồ Tây đã được đặt ra.

Theo KTS Lê Phước Anh: “Câu chuyện bản sắc đã trở thành nỗi ám ảnh của các KTS Việt Nam trong quá trình tạo nên các bản vẽ. Bởi bản sắc là thứ luôn tồn tại, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những bản sắc đó có giống với mong muốn của chúng ta hay không?”

KTS Lê Phước Anh cũng cho rằng, Hà Nội là một thành phố không thể tách rời khỏi không gian mặt nước và Hồ Tây là một điểm nhấn đặc trưng trong kiến trúc cảnh quan, vốn làm nên bản sắc của đô thị Hà Nội. Sự thay đổi trong cấu trúc tự nhiên của Hồ Tây qua từng thời kỳ đã cho thấy sự biến thiên của yếu tố bản sắc, và rồi, thay vì tạo ra bản sắc, chúng ta lại đang phải đi tìm nó. Trước đây, Hồ Tây có 16 làng bao quanh, những đường làng, ngõ nhỏ đã tạo nên không gian đặc trưng của đô thị lúc bấy giờ. Tuy nhiên, các mặt đứng của làng đã thay đổi khi có những cư dân mới đến. Yếu tố duy nhất thuộc về quá khứ chỉ còn là các đình chùa. Các khu đô thị mới mọc lên sau thời mở cửa, tham gia vào bản sắc của hồ Tây, của Hà Nội hiện tại nhưng chưa chắc đã là bản sắc chúng ta mong muốn. “Hồ Tây trong tiềm thức vẫn luôn luôn được mong muốn như một nơi thiên về sự thanh tịnh, là nơi để người ta nghĩ nhiều về quá khứ chứ không phải đại diện cho sự phát triển, mang tính âm hơn là dương. Do đó, sự ồn ào hiện có không thể tạo thành bản sắc của Hồ Tây dù nó có thể là một nét đặc trưng mới hình thành” - KTS Lê Phước Anh nói.

Gỡ cách nào?

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục (Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững) cho rằng, khi càng hội nhập câu chuyện bản sắc càng trở nên quan trọng, tới mức sống còn. Nhìn Hồ Tây một cách tỉ mỉ, có thấy thấy bề dày bản sắc được xây dựng rất bền bỉ. Nhưng bản sắc đô thị vốn phải được nhìn nhận qua hoạt động của con người. Làm sao chúng ta giữ được những bản sắc đã trở thành dấu ấn, làm nên một Hà Nội lộng lẫy như cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chúng ta có thể làm mới bản sắc vào đô thị đương đại hay không và làm sao để lôi kéo người dân vào câu chuyện tạo nên và giữ gìn bản sắc. Ở đó, tổ hợp các khu đô thị mới sẽ là một bài học đô thị đắt giá trong câu chuyện bản sắc. Rất khó để định dạng bản sắc ở những nơi chúng ta đang mở rộng. Việc thay đổi cái cũ là bình thường. Con người thay đổi thì bản sắc cũng thay đổi, vấn đề là phải ứng xử với thay đổi đó như thế nào. Ở đây có sự xung đột của con người tự nhiên, con người xã hội và con người quy hoạch.

­­­­Có thể thấy, dựa trên những thực tế trong bảo tồn và quản lý di tích vùng ven Hồ Tây thì việc chỉ một ngành văn hóa thì không thể làm tốt công tác quản lý bảo tồn di sản trong quá trình đô thị hóa. Điều này cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự hợp tác thiện chí của các ngành hữu quan cùng tham gia bảo vệ di sản. Ở đó, cần tạo ra mô hình Ban quản lý di sản các bên liên quan dựa trên sự hợp tác của các ngành có liên quan đến văn hóa. Khi mỗi người, mỗi bên­­­­­ đều có quyền cất tiếng nói, cùng thảo luận vì lợi ích và trách nhiệm của mình, cùng góp phần quyết định vào các vấn đề thì sẽ tránh tối đa các mâu thuẫn. Trên thực tế hiện nay, nhiều thành phố trên khắp thế giới cũng có những thách thức giống như Hà Nội trong nỗ lực cân đối giữa bảo tồn di tích và phát triển đô thị. Một trong những nguyên tắc chủ chốt của việc bảo tồn di tích là khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ quy hoạch và quản lý là việc của cấp lãnh đạo, các nhà chuyên môn, nhưng UNESCO cùng với một số cơ quan khác của Liên hợp quốc ở Việt Nam, hiện đang phát triển một phương pháp với sự tham gia tích cực của cộng đồng vào quá trình quy hoạch và quản lý di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ gìn bản sắc không gian Hồ Tây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO