“Hẹn gặp lại Sài Gòn”: Chuyện ít người biết

Hà Anh 05/06/2016 12:05

26 năm trước, năm 1990, vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” đã ra mắt khán giả cả nước. Đây là bộ phim đầu tiên về Bác Hồ trên màn ảnh rộng, kịch bản do nhà văn Sơn Tùng viết, đạo diễn Long Vân thực hiện. Nam diễn viên Tiến Hợi thể hiện vai Bác Hồ thời trẻ và lần đầu tiên, bộ phim xây dựng một người con gái xuất hiện bên cuộc đời người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành -  vai diễn Út Vân, do nữ diễn viên Thu Hà đảm nhận.

Diễn viên Tiến Hợi trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

1. Nói về kịch bản bộ phim được nhiều thế hệ yêu mến này, nhà văn Sơn Tùng chia sẻ: “Tôi viết kịch bản này bằng cả trái tim yêu Bác. Người Việt Nam ai cũng yêu Bác. Nhưng chẳng ai dám tự cho mình là người yêu Bác hơn ai… Tôi yêu Bác mà đã nhớ được, ghi chép được dăm ba mẩu chuyện nho nhỏ về cuộc đời vĩ đại của Người. Tôi viết lại những mẩu nho nhỏ ấy với lòng thành: Góp phần kể về đời hoạt động của Vị Cha già Dân tộc”.

Kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” ban đầu được đặt tên “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”. Sự ra đời của kịch bản văn học này cũng khá là đặc biệt. Theo đó, từ năm 1978, sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Sơn Tùng đã bắt tay viết kịch bản với tựa đề “Con đường năm ấy”.

Khi hoàn thành, kịch bản này được Giám đốc Xưởng phim truyện Việt Nam thời đó là Vũ Năng An đánh giá, đây là kịch bản phim truyện về Bác Hồ đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng thời đó còn nhiều khó khăn, vì thế, kịch bản này chưa có điều kiện dựng thành phim.

Nhưng bằng sự kính trọng với Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng vẫn tiếp tục đề tài sáng tác tâm huyết của mình. Ông bền bỉ nghiên cứu những tư liệu về Người, thực hiện các chuyến điền dã để gặp gỡ, trò chuyện, tích lũy thêm tư liệu. Cho tới năm 1982, dựa trên kịch bản “Con đường năm ấy” cùng với nhiều tư liệu mới sưu tập được, nhà văn Sơn Tùng đã viết thành tiểu thuyết “Búp sen xanh”.

Nhưng theo tác giả, “Búp xen xanh” vẫn chưa nói hết được tình cảm của Bác Hồ lúc tuổi thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành với cô gái miền Nam có tên Lê Thị Huệ (tức Út Huệ).

Đến năm 1987, một lần nữa lại có các nhà làm phim tìm đến gặp nhà văn Sơn Tùng đề nghị hợp tác làm phim về Bác Hồ, để chuẩn bị cho kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác (1890-1990). Không chút đắn đo, nhà văn Sơn Tùng bắt tay vào viết kịch bản. Ông quyết định chuyển thể tiểu thuyết “Búp sen xanh” thành kịch bản “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”, đồng thời khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Bìa cuốn “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” - kịch bản văn học của bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Năm 2015, nhân kỉ niệm 125 năm Ngày sinh nhật Bác, kịch bản văn học phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” của nhà văn Sơn Tùng đã được NXB Kim đồng in thành sách. Cuốn sách dày 212 trang, với 12 chương và phần phụ lục “Đi tìm Út Huệ”. Theo nhà văn Sơn Tùng, ông đã “mạnh dạn viết truyện phim về một chặng đường đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch với tấm lòng thành kính và nhớ ơn”.

2. Nhắc lại chuyện làm bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, đạo diễn Long Vân vẫn còn nhớ như in. Lúc đó, cả ê-kíp làm phim từ biên kịch, đạo diễn cho đến quay phim Nguyễn Quang Tuấn, diễn viên Tiến Hợi, Thu Hà… đều coi đây như một “nhiệm vụ chính trị cũng như thể hiện lòng kính yêu Bác”. Nhiều người trong đoàn phim đã không nhận thù lao để dành hết cho phim...

Đến năm 1990, bộ phim hoàn thành, với tên gọi mới: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Và nhân vật Út Huệ được đổi thành Út Vân. Theo đạo diễn Long Vân, “cuối phim có cuộc chia tay của anh Nguyễn với Út Vân, có chi tiết Út Vân hỏi: “Anh đi bao giờ về?” và anh Nguyễn đã trả lời rằng: “Con đường phía trước còn rất dài và phải đi. Hẹn gặp lại em ở Sài Gòn”. Tôi thấy ý này rất hay, bèn đổi tên phim thành “Hẹn gặp lại Sài Gòn” theo câu nói ấy và nhận được nhiều lời khen”.

Bộ phim kể lại những năm tháng người thanh niên Nguyễn Tất Thành cùng gia đình sống và học tập ở Huế giai đoạn 1895-1909. Sau đó, với tư tưởng “muốn nên nghiệp lớn, phải ra biển cả”, chàng thanh niên đầy hoài bão này đã vào Phan Thiết dạy học rồi lên Sài Gòn với hi vọng tìm đường ra nước ngoài hoạt động cách mạng.

Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã gặp gỡ và có cảm tình với Út Vân- một cô gái miền Nam nền nã, dịu dàng. Tuy nhiên, gác lại tình cảm cá nhân, người thanh niên yêu nước đã rời Bến Nhà Rồng ra đi để tìm ra con đường cứu dân tộc mình thoát khỏi kiếp sống lầm than. Trước khi đi, Nguyễn Tất Thành đã để lại lời hẹn ước với Út Vân và cũng là với đất nước “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Vai chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trong phim do nghệ sĩ Tiến Hợi đóng. Đến nay, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, đó là diễn viên đóng vai Bác Hồ thời trẻ đạt nhất, đặc biệt là hình dáng và ánh mắt. Vai diễn khiến khán giả vừa cảm thấy gần gũi, vừa cảm phục ý chí, suy nghĩ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành... Với Tiến Hợi, cũng có nhiều chi tiết ít người biết. Đó là đạo diễn Long Vân đã bắt diễn viên Tiến Hợi ăn gan lợn hàng tháng trời cho… sáng mắt.

Lý giải điều này, đạo diễn Long Vân cho biết: Vì tôi muốn mắt Tiến Hợi phải thật sáng. Tôi từng nghe nói mấy anh bộ đội pháo cao xạ vẫn được Nhà nước ưu tiên khẩu phần ăn có nhiều gan lợn để cho mắt sáng hơn, nhìn mục tiêu cho rõ, vì thế tôi ép Tiến Hợi ăn mỗi ngày một lạng gan lợn trong gần 2 tháng đến khi anh ấy kêu không thể ăn được nữa mới thôi.

Cảnh trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Nói về vai diễn Út Vân trong bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, NSƯT Thu Hà nhớ lại: “Năm ấy tôi mới 20 tuổi. Tôi đang theo học tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 2. Khi đạo diễn Long Vân đến đoàn tôi tìm diễn viên cho nhân vật Út Vân, ông có nói, ông đã tuyển lựa rất nhiều gương mặt từ Bắc vào Nam, cả thảy có đến 200 diễn viên. Vào thời điểm ấy, yếu tố Nam - Bắc trong lý lịch của nhân vật rất quan trọng. Nhìn thấy tôi, một cô gái quê gốc Tuyên Quang, đạo diễn Long Vân rất băn khoăn, ông không biết tôi có thể làm toát lên thần thái của một cô gái Nam Bộ như Út Vân không. Tôi được biết, đạo diễn đã làm việc, cân nhắc rất nhiều. Thậm chí, cân nhắc cả hồ sơ, lý lịch của từng diễn viên. Vào nhân vật Út Vân, phải là diễn viên không có… “tì vết” gì ngoài cuộc đời tư. Cuối cùng, tôi đã được chọn trong 200 nữ diễn viên ấy để vào vai Út Vân”.

Còn đối với diễn viên Thu Hà (vai Út Vân), mặc dù cô gái xứ Tuyên này đã vượt qua 200 ứng cử viên khác, nhưng đạo diễn vẫn rất khắt khe. Đạo diễn Long Vân từng tiết lộ: Tôi đã bắt Thu Hà phải ngồi trong nhà đúng một tuần cho thật “ngấm” tâm trạng nhân vật. Tôi bảo Hà muốn đọc gì tôi đưa đến chứ không được ra ngoài, không được gặp ai. Tôi cần giọt nước mắt chia ly trào ra tràn mi, lăn xuống má Út Vân khi anh Nguyễn nói: “Hẹn gặp lại em ở Sài Gòn”.

Đó là giọt nước mắt cảm động và hạnh phúc. Giọt nước mắt ấy phải chân thật nhất, chứ không phải nước mắt do hóa trang. Tôi biết rằng, diễn viên không thể vừa đi “nhảy múa” đâu đó về mà diễn được cảnh này.

Vì thế, sau khi “thả” Thu Hà ra là tôi cho quay luôn cảnh đó và thực sự thành công”. Với diễn viên Lan Hương (vào vai bà Hoàng Thị Loan), đạo diễn cũng bắt phải học dệt vải trên cái khung cửi cổ mượn được đưa từ Phan Thiết ra, mất nửa tháng trời đến khi thành thục mới quay…

Bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” đã ra mắt đúng dịp kỉ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất thế giới. Hồi đó, bộ phim được in ra 5 bản, trong đó có 4 bản chiếu trong nước và 1 bản được Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng nhân dân Ấn Độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Hẹn gặp lại Sài Gòn”: Chuyện ít người biết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO