Hội tụ những sắc màu

Mai Hoàng 22/10/2017 07:00

15 nữ họa sĩ ba miền Bắc - Trung - Nam hội tụ cùng nhau tổ chức triển lãm tranh “Sắc màu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội). Đó là những cá tính hội họa, vẽ tranh bằng đam mê và tình yêu. Sau thiên chức của phụ nữ, họ đến với hội họa với mong muốn gửi gắm những suy tư, tình cảm và khát khao cống hiến hết mình…


“Sen”- ghép vải của họa sĩ Trần Thanh Thục.

1. Điều thú vị, đây không phải là triển lãm đầu tiên của nhóm nữ họa sĩ ba miền, mà đã là triển lãm lần thứ 9. Một thú vị khác, nhóm cũng không chốt danh sách cố định, mà hoạt động theo hướng mở. Với mỗi triển lãm, họ lại có thêm những cá tính hội họa mới. “Nhưng đó phải là những họa sĩ có nét riêng, chú trọng chất lượng nghệ thuật chứ không phải là những họa sĩ vẽ theo kiểu phong trào”- họa sĩ Bùi Mai Hiên- “thủ lĩnh” nhóm họa sĩ phía Bắc, nói. Theo họa sĩ Mai Hiên, bằng việc kết nối các tình yêu hội họa ở cả ba miền, nhiều người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhóm họa sĩ nữ Bắc - Trung - Nam đã đem niềm đam mê của mình đến với mọi miền đất nước. Thông qua vẽ tranh và các hoạt động triển lãm, các nữ họa sĩ đã hỗ trợ nhau, nối lửa cho nhau trong từng sáng tác.

Trong khi đó, họa sĩ Trần Thanh Thục- người nổi tiếng với những bức tranh ghép vải thì tiết lộ, triển lãm “Sắc màu” lần đầu tiên được tổ chức là năm 2010. Mở ra hoạt động này, các nữ họa sĩ gửi gắm mong muốn có một sân chơi bổ ích cho những nữ họa sĩ. Lâu nay dường như chưa có một triển lãm toàn quốc dành riêng cho phụ nữ. Cũng theo họa sĩ Trần Thanh Thục, hoạt động của nhóm đều do các họa sĩ tự túc kinh phí, không kêu gọi bất cứ mạnh thường quân nào. Điều ấy cho thấy những cá tính nữ cũng rất quyết liệt, không muốn, không cần phụ thuộc vào những nguồn lực bên ngoài.


“Tĩnh vật”- sơn dầu của họa sĩ Tào Hương.

2. Có được sự quyết đoán đó, một phần là chủ ý của những người khởi xướng và có vai trò kết nối các thành viên như họa sĩ Bùi Mai Hiên, Nguyễn Thị Lan Hương (Hà Nội), Nguyễn Thị Tâm (TPHCM)… Một phần khác, cũng khá quan trọng, đó là nhiều thành viên trong nhóm đều là những họa sĩ đang sung sức, và bán tranh khá… đắt hàng.

Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, hoạt động của nhóm không đặt mục tiêu kinh tế, hay trong mỗi triển lãm phải bán được bao nhiêu bức tranh.

Cùng chung quan điểm này, họa sĩ Bùi Mai Hiên- nữ họa sĩ thành công với sơn mài, gần đây chuyển dần sang sơn dầu, acrilyc- cũng khẳng định, nếu cứ đặt nặng chuyện kinh tế, lợi nhuận sẽ chẳng thể nào duy trì được dòng cảm xúc để vẽ, để đi theo cuộc chơi nghệ thuật và cao hơn nữa là dấn thân. “Gần đây tôi vẽ lại được một số bức sơn mài, có người muốn mua mà mình thì muốn giữ lại, nên phải nói giá thật cao để người ta đừng mua mất”- họa sĩ Mai Hiên chia sẻ.

3. Ở lần hội ngộ thứ 9 này, triển lãm “Sắc màu” có 7 họa sĩ tại Hà Nội, 4 họa sĩ ở TPHCM, 2 họa sĩ ở Huế và 1 họa sĩ ở Đắk Lắk. Nhìn vào vùng đất sinh sống có thể phần nào nhận ra những “sắc màu” của những cá tính hội họa.

Nếu họa sĩ Tào Hương- trưởng khoa Mỹ thuật Trường ĐH Hòa Bình mang đến những bức tranh sơn dầu “Tĩnh vật” khiến người xem thấy được vẽ đẹp của hoa lá thì họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu lại góp vào triển lãm sắc màu từ các dân tộc ở Tây Nguyên, ở đó như đang vọng ra tiếng trống, tiếng chiêng và nhịp chày giã gạo. Nếu họa sĩ Trần Thanh Thục (Hà Nội) giới thiệu với công chúng những tác phẩm tranh ghép vải mới sáng tác thì họa sĩ Trần Thùy Linh (TPHCM) tham gia triển lãm với những bức tranh phong cảnh về vùng núi Tây Bắc. Nếu họa sĩ Đặng Thị Dương (TPHCM) mang đến triển lãm “Sông nước Hậu Giang” thì họa sĩ Hà Khanh (Hà Nội) dẫn ta vào “Hà Nội phố”…

Là một trong những người có công sáng lập nhóm, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm (quê gốc ở Tiền Giang, hiện sống ở TPHCM) cũng là người lớn tuổi nhất trong triển lãm lần này. Năm nay bà đã 81 tuổi. Bà là người làm việc cẩn trọng và có những kế hoạch cụ thể cho cả cuộc đời. Khi lập gia đình, bà xác định sẽ bỏ ra 10 năm để sinh con, lo cho gia đình. Khi con út của bà học hết tiểu học, ở tuổi 40, bà đầu tư nhiều thời gian cho sáng tác.

Người trẻ nhất tham gia triển lãm là họa sĩ Ngô Đình Bảo Vy, ở Huế. Bảo Vy thuộc thế hệ họa sĩ 7X, được biết đến là một họa sĩ dòng tranh ứng dụng, nhưng đam mê tranh trúc chỉ và đã góp phần khôi phục dòng tranh này ở Huế.

15 họa sĩ là 15 phong cách, 15 cá tính hội họa. Họ đều là những họa sĩ với những bút pháp khác nhau, nhưng nói như họa sĩ Hà Khanh, tất cả đều chung một niềm đam mê mãnh liệt với hội họa, vẽ bằng tâm tư tình cảm của mình với những rung động xung quanh để tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và đất nước.

Triển lãm Sắc màu Bắc - Trung - Nam lần này trưng bày khoảng 50 tác phẩm hội họa của 15 họa sĩ, vẽ trên nhiều chất liệu. Đó là tâm tư tình cảm của những người mẹ - nghệ sĩ với những trăn trở và cảm xúc đời sống quanh mình. Họ vẽ bằng nhịp rung rất nữ tính, qua đó thể hiện sự tìm tòi và gửi gắm mong muốn qua những tác phẩm của mình, góp phần tô điểm cái đẹp cho một xã hội phát triển. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 7/11.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội tụ những sắc màu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO