Loay hoay cơ chế 'xin - cho'

Hà Anh 09/04/2017 08:35

Tuần qua, câu chuyện Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm lưu hành vô thời hạn 5 ca khúc sáng tác trước 1975 vì các ca khúc này hoặc đã bị sửa lời, hoặc thay tên tác giả khiến dư luận tiếp tục xôn xao. Trong khi đó, đến nay khoảng 2.500 bài hát sáng tác trước 1975 cũng đã được Cục này cấp phép phổ biến.

Khi dòng nhạc Bolero “hồi sinh”, trên sàn diễn xuất hiện không ít bài “nửa đúng nửa sai”
sáng tác trước 1975. Trong ảnh: Một tiết mục vòng liveshow
Thần tượng Bolero 2016. (Ảnh minh họa).

1. Trong đợt này, 5 ca khúc bị chuyển từ trạng thái tạm dừng phổ biến lưu hành sang cấm lưu hành vô thời hạn theo công bố của đại diện cơ quan quản lý gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Về lý do các ca khúc này bị tạm dừng lưu hành Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho biết là do: “Vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan, có lời không đúng bản gốc và có những tác phẩm không đúng tác giả”. Trong đó, “Đừng gọi anh bằng chú” là tác phẩm sai tên tác giả và 4 ca khúc còn lại là những bài hát đã bị thay đổi về ca từ nên cần có thời gian thẩm định, xác minh lại. Sau một thời gian “thẩm định, xác minh lại”, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn đã công bố việc sẽ cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc trên.

Quyết định này đã một lần nữa khiến dư luận ồn ào. Nhiều ý kiến cho rằng, lý do Cục Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra chưa thuyết phục. Bởi lẽ, quyền “Bảo vệ sự nguyên vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào” nằm trong quy định của pháp luật về “quyền tác giả”. Chỉ có tác giả và các tổ chức, cá nhân sở hữu tác phẩm mới có quyền lên tiếng về vấn đề này mà thôi.

Trước thông tin bài hát “Con đường xưa em đi” bị cấm lưu hành vĩnh viễn, bà Kha Thị Đằng - vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ khẳng định, bài hát “Con đường xưa em đi” được chồng bà viết nhạc trước khi đưa cho nhà thơ Hồ Đình Phương đặt lời. Đó là một bài hát thuần túy về tình cảm, tình yêu lứa đôi, là kỷ niệm thời tuổi trẻ gắn với con đường mà hàng ngày vợ chồng bà thường đi làm qua. Cách đây khoảng 10 năm khi nhạc sĩ còn sống, hai vợ chồng bà có ngồi bàn lại với nhau về việc sửa một vài ca từ trong bài hát như câu “Chiến trường anh bước đi” thành “Lối mòn anh bước đi” hay “Nơi đây phiên gác canh dài” thành “Nơi đây thao thức canh dài”... cho phù hợp với thời bình và mong muốn hướng bài hát tới đối tượng công chúng đông đảo hơn.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đăng Chương- Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn vẫn cho rằng, dù vợ nhạc sĩ Châu Kỳ có cho biết ý tưởng sửa lại một số ca từ của ca khúc “Con đường xưa em đi” là của chồng mình, nhưng bản sửa này vẫn vi phạm quy định hiện hành của pháp luật. Tuy vậy, ông Chương cũng để ngỏ một “cơ hội”: nếu đại diện chủ sở hữu tác phẩm có văn bản xác nhận về việc chỉnh sửa này và đề nghị xin cấp phép cho ca khúc đã có sự chỉnh sửa so với bản gốc thì cơ quan quản lý văn hóa sẽ xem xét.

2. Theo con số thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, đến nay Cục đã cấp phép cho 2.500 ca khúc sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép lưu hành, phổ biến trong nước. Chính vì thế, trong những năm gần đây, rất nhiều ca khúc từng bị “cấm cửa” đã bước lên các sân khấu lớn và trên các kênh sóng truyền quốc gia. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng, bởi lẽ nhu cầu thưởng thức âm nhạc “có tính chất bình dân” (còn được gọi là bolero hay nhạc vàng) thực tế vẫn tồn tại. Có “cầu” thì ắt sẽ có “cung”, vì thế bolero vẫn là thể loại âm nhạc có sức sống và sức hấp dẫn mạnh mẽ với nhiều người.

Theo tìm hiểu, để có thể có được giấy phép biểu biển để ghi âm - ghi hình hay phát hành băng đĩa, các chủ thể phải xuất trình được khá nhiều loại giấy tờ. Trong đó, có những giấy tờ mà người ta đã gọi vui là “giấy phép con” gây nhiều khó khăn, bất lợi, tốn kém về mặt thời gian, đi lại. Các quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 24 và khoản 3 Điều 29 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Thi người đẹp và người mẫu; Lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 đã trở thành một “rào cản đáng gườm” đối với các chủ thể kinh doanh băng đĩa nhạc hay các nghệ sĩ biểu diễn. Nhiều chủ thể kinh doanh, nghệ sĩ đã phải rất vất vả, chạy vạy để có được tấm “giấy phép con” này trước khi tác phẩm được “trình làng”.

Thực ra, việc cấm phổ biến, lưu hành một số bài hát chỉ có tính chất “hành chính”, dành cho những ca sĩ biểu diễn, còn nếu nó đã đi vào đời sống, đã thành một sản phẩm sống trong dân gian thì không có cách gì “cấm” được, nhất là trong thời đại công nghệ số và hội nhập như hiện nay. Vì thế, việc loại bỏ dần một số “rào cản hành chính” cũng là một việc làm cần thiết. Có một số ý kiến nêu ra rằng, thay bằng việc “cho hay không cho” phổ biến lưu hành các ca khúc một cách lẻ tẻ, thiếu hệ thống, nên chăng các cơ quan quản lý có thể có văn bản nêu rõ những ca khúc vi phạm một số quy định nào đó thì sẽ không được phổ biến hoặc công bố rõ ràng danh mục các ca khúc chưa được phép phổ biến. Còn lại các ca khúc không có trong danh mục, không vi phạm “những điều cấm kỵ” thì mặc nhiên được phép lưu hành, phổ biến mà không cần xin phép. Thực tế, Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) cũng đã từng ra một thông báo ngày 10/8/1991 có nội dung: “Tất cả các bài hát từ năm 1954 trở về trước có nội dung lành mạnh như ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu đôi lứa trong sáng, những kỷ niệm, xúc cảm, ước mơ lành mạnh, những đề tài bình thường về cuộc sống đời thường thì đều được phổ biến và sử dụng” đã được xem là bước nhảy vọt về việc cắt giảm thủ tục hành chính trước đây.

Vì thế, để tránh đi những lùm xùm không đáng có trong việc “cấm hay không cấm”, “cho rồi lại không cho” trong việc cấp phép phổ biến, lưu hành các ca khúc được sáng tác trước năm 1975 ở khu vực miền Nam và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có lẽ thủ tục hành chính cũng cần phải có những thay đổi nhất định cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay cơ chế 'xin - cho'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO