Mẹ

Huyền Minh 29/08/2016 10:10

Những câu thơ hay thường là những câu thơ không định mà thành. Những câu thơ hay viết về mẹ càng là những câu thơ đôi khi ta không hề có chủ định viết ra nhưng chúng cứ ào ạt xuất hiện, khi trái tim ta thắt lại vì những nỗi đau dâng trào khi nhớ mẹ.

Minh họa: Cathy Jourdan.

1. Trong bài thơ “Con lạy mẹ!”, tác giả Minh Quang đưa ra một cách tư duy khác về đấng sinh thành, hay nói đúng hơn, về những chịu đựng của mẹ để thế giới này có thể tồn tại được như đang tồn tại. Bài thơ chỉ là tập hợp gần như vô thức của năm câu thơ, bất chợt vụt hiện ra khi người làm thơ nhìn thấy tấm lưng trần của mẹ:

“Trước mặt con một tấm lưng trần
Mênh mông như mặt đất
Sinh nở những ngày, những tháng,
Những người, những ngợm,
Những danh nhân, những họa nhân…

Rất giản dị và rõ ràng. Tưởng chỉ là những câu miêu tả điều tai nghe mắt thấy. Nhưng cũng rất mông lung và trầm khảm. Như thể đó lời bộc phát trong xát-na “ngộ Thiền”: ở một cảnh huống cụ thể nào đấy, chắc chắn là không vui vẻ gì, chắc chắn là đang bị giằng xé giữa những quyết định mâu thuẫn tới trái ngược nhau, như yêu thương và thù hận, như vị tha và oán trách, như vinh quang và cay đắng, như kiêu hãnh và sự buộc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”… Và từ tấm lưng trần của mẹ “mênh mông như mặt đất”, người thơ mới kêu lên được cái quy luật của muôn đời, người không tách khỏi ngợm, danh nhân không rời họa nhân, tất cả gần gụi lắm, ruột rà lắm, người này là sự chịu đựng của người kia, người này là sự hối hận của người kia, người này là sự gánh chịu cho người kia… Bởi lẽ, trên mặt đất mênh mông như tấm lưng người mẹ, tất cả chúng ta nói cho cùng đều “chung một dòng máu”. Máu ai cũng đỏ!

Những câu chữ ở đây hoàn toàn có thể hiểu theo không chỉ một nghĩa. Một từ “lạy” chẳng hạn, có thể biểu cảm bao nhiêu thái độ khác nhau. “Lạy” vì biết ơn “tấm lưng trần mênh mông như mặt đất”, vì “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” (ca dao). “Lạy” vì xót xa tấm lưng trần ấy đã phải sinh nở không chỉ người mà cả ngợm, không chỉ danh nhân mà cả họa nhân… “Lạy” có thể để tự răn mình “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo” (Nguyễn Công Trứ) vì làm người, làm người tử tế, làm người sáng tạo, làm người sinh nở, lắm khi cũng thảm quá! Hoạ phúc luôn cận kề nhau, công trạng và lầm lỗi lắm khi cũng hòa quyện vào nhau, vòng đời đâu dễ gỡ bỏ muôn mối tơ vò! Sắc sắc không không!

Những câu thơ như những “sắc không ẩn hiện nhậm thôi di” (Sắc với không khi ẩn khi hiện, mặc nó đổi dời – thơ Mai Trực, sinh năm 999, mất 1091, đứng đầu thế hệ thứ bảy dòng đạo Thiền Quang Bích) nên khó nắm bắt, nên cứ buộc người đọc phải tự lựa chọn cho mình thế đứng phân vân, nửa tin và cũng nửa ngờ. Sống vậy thú vị làm sao. Nhưng sống vậy cũng hãi làm sao.

“Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô” (Thân người bóng chớp, có rồi lại không- Thiền Sư Vạn Hạnh, mất năm 1018). Đấy là đành một nhẽ. Nhưng có lẽ chúng ta sinh ra đời không phải để bình thản, nhẹ nhàng đi hết kiếp nhân sinh. Tôi nhớ một câu thoại của hai anh cảnh sát trong một bộ phim hài của Pháp: “Đừng trông chờ sự nhàn hạ, nếu muốn nhàn hạ thì hãy ra nghĩa trang mà ở! Sẽ muôn năm nhàn hạ!” Đúng thế, sống không cốt nhàn. Đôi khi, cũng thật thú vị khi được sống trong những biến động trạng thái liên tục, rối rắm, để cuối cùng có thể thấm thía một điều: dẫu ta khổ sở bao nhiêu, vất vả bao nhiêu, đoạn trường bao nhiêu thì cũng chưa thấm tháp gì so với những điều mà mẹ ta đã trải qua, đã phải trải qua, khi định mệnh là:

“Mênh mông như mặt đất
Sinh nở những ngày, những tháng,
Những người, những ngợm,
Những danh nhân, những họa nhân…”

2. Làm con ai chẳng yêu kính mẹ mình. Ai chẳng sùng kính mẹ mình. Ai chẳng hiểu những đoạn trường mà mẹ phải chịu để sinh thành dưỡng dục ta khôn lớn nên người. Thế nhưng, có lẽ chỉ khi sa cơ lỡ vận, chỉ những lúc không may vấp ngã trên đường đời, ta mới lại càng thấu hiểu hơn kích cỡ vĩ đại của người mẹ, người mẹ gánh giùm ta tất cả những nỗi tê buốt của thảm bại. Và khi ấy trong lòng ta trào dâng những nỗi xót xa đắng đót nhất và những ân hận vô biên vì những đau khổ mà ta bắt mẹ phải chịu vì ta, ngay cả khi ta không hề cố ý để chuyện đó xảy ra. Dương Hải Tự, một cựu sĩ quan không may bị sa chân lỡ bước vào những sự đau buồn, trong một cảnh huống đầy bi kịch của đời mình, đã viết về mẹ như sau:

“Chỉ có mẹ thôi!
Chỉ có mẹ thôi!

Này là ốm đau,
Này là lạc lối.
Chẳng giận con,
Kiên trì nhẫn nại.

Lo lắng yêu thương,
Ngọt dịu lòng…

Chỉ có mẹ thôi!
Không bỏ con, dù thế nào đi nữa
Trái tim nồng nàn, vị tha vời vợi.
Đau đáu thương con, nhẫn nhục trọn đời...

Chỉ có mẹ thôi!

Con vào đời vất vả.
Gần gũi mẹ ơi
Cao cả sáng ngời…

Chỉ có mẹ thôi!..”

Những dòng thơ này, khi tôi đọc, tôi có cảm giác không phải viết bằng mực mà bằng nước mắt, thứ nước mắt tinh khiết nhất chảy từ trái tim người đàn ông can trường nhưng long đong tự bản chất…

Lẽ nào ta không đồng cảm cùng anh?!

Và ta muốn tin rằng, tình yêu dành cho mẹ của anh sẽ giúp anh vượt qua được tấn bi kịch lớn của đời mình, để rốt cuộc sẽ trở về cùng đời sống bình thường mà anh xứng đáng được hưởng…

Mẹ vẫn đợi anh về. Và không chỉ có mẹ thôi…

3. “Nhớ mẹ” của nhà thơ Hồng Thanh Quang là một bài thơ hay và đầy xúc động. Ta có thể là người rất cứng rắn, nhưng khi đọc nó, rất khó mà không cay mắt:

“Con đã gắng phận làm con trọn vẹn,
Nhưng mẹ buồn, con biết, lúc ra đi...
Khôn hay dại, con chỉ là thi sĩ ,
Rẽ lối này, sót lối bên kia.

Con không thể vẹn lòng trong hữu hạn,
Cứ tràn đầy với những bến bờ xa.
Mẹ đau đớn vì nghĩ con lầm lạc
Khi suốt đời chỉ thích nghiệp đào ca.

Căn cốt thế từ kiếp nào ai biết,
Con nhập nhằng dan díu với lời thơ.
Khi nhìn lại thấy mình đơn lẻ quá,
Bạn xa rồi, mẹ cũng cõi ngần sơ...

Giờ tỉnh ngộ như thể còn mê lú,
Con âm thầm nhớ mẹ giữa phù hoa.
Con xót lắm nơi đồng không buốt giá,
Bao giờ con với mẹ được chung nhà...”

Đây thực sự là tiếng lòng buốt tim gan của một người con hiếu thảo và ý thức được rõ hơn ai hết những gì mình đã không được làm được để làm mẹ yên lòng, khi mẹ đi vào cõi vĩnh hằng, dù anh đã rất cố để làm những gì có thể:

“Con đã gắng phận làm con trọn vẹn,
Nhưng mẹ buồn, con biết, lúc ra đi...
Khôn hay dại, con chỉ là thi sĩ ,
Rẽ lối này, sót lối bên kia…”


Ở đời, người con trai dù bao nhiêu tuổi, dù thành đạt đến mấy cũng vẫn là bé nhỏ và nhiều phần tội nghiệp trong con mắt nhìn của mẹ. Nhà thơ, tài năng càng thiên phú, thì đời càng lận đận, càng là nỗi lo vĩnh cửu của mẹ… Bởi lẽ:

“ Mẹ đau đớn vì nghĩ con lầm lạc
Khi suốt đời chỉ thích nghiệp đào ca…”

Và nhà thơ đã phải tự trách mình, đúng hơn, trách số phận mặc nhiên rối lẫn của kiếp thi sĩ:

“Căn cốt thế từ kiếp nào ai biết,
Con nhập nhằng dan díu với lời thơ.
Khi nhìn lại thấy mình đơn lẻ quá,
Bạn xa rồi, mẹ cũng cõi ngần sơ...”

Ôi, trong cõi “ngần sơ” ấy, mẹ chắc khó vui khi biết con mình vẫn phải tiếp tục hành trình hướng thiện đầy truân chuyên trên cõi thế. Và mẹ càng đau đớn nếu biết, trái tim thi sĩ chân thành thường vẫn luôn luôn dễ bị tổn thương. Dễ bị tan vỡ. Ngay cả khi nhà thơ có ngộ ra được lẽ tột bực của kiếp người: đời là bể khổ!

Những câu cuối bài thơ mênh mang đến vô cùng:

“Giờ tỉnh ngộ như thể còn mê lú,
Con âm thầm nhớ mẹ giữa phù hoa.
Con xót lắm nơi đồng không buốt giá,
Bao giờ con với mẹ được chung nhà...”

Một câu hỏi, mãi không thấy âm vọng trả lời…
Và vì thế, càng khiến ta đau...

Tháng Vu Lan, 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO