Ngày Sách Việt Nam 2017: Nâng tầm văn hóa đọc

Hoàng Minh 07/04/2017 09:44

Ngày 6/4, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), Bộ TTTT tổ chức lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 4. Hàng ngàn độc giả tham gia trong ngày khai mạc đã cho thấy hoạt động này thực sự nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Rất đông độc giả tham gia hội Sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4. Ảnh: M.Quân.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Sau 3 năm tổ chức được đánh giá thành công, Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 năm 2017 được tổ chức gắn liền với việc kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là tác phẩm minh chứng rõ nét nhất cho mối quan hệ gắn kết giữa sách và lịch sử cách mạng của dân tộc, đánh dấu sự hình thành của nền xuất bản cách mạng Việt Nam.

Thời điểm ra đời tác phẩm này cũng là một trong những dấu mốc quan trọng để Bộ TTTT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.

Bên cạnh đó, mục tiêu tổ chức của Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 là đẩy mạnh triển khai các hoạt động tại các cấp cơ sở, nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng và hiệu quả, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng và mọi nguồn lực xã hội trong việc đầu tư phát triển văn hóa đọc, tạo cầu nối giữa người dân với giá trị của từng cuốn sách, giữa nhu cầu sử dụng với mục tiêu phát triển của xã hội.

Ghi nhận tiến bộ lớn nhất sau 3 lần tổ chức của nhiều độc giả khi tham gia Ngày sách Việt Nam năm 2017, đó là không còn có cảm giác như đang tham gia một ngày hội “tháo khoán”, xả hàng sách “tồn kho” của các đơn vị xuất bản, phát hành. Mặc dù, để tri ân bạn đọc đồng hành cùng với hoạt động xuất bản thời gian qua, trong những ngày diễn ra Hội Sách, các đơn vị tham gia sẽ thực hiện các chương trình giảm giá, trừ % phí phát hành trên từng xuất bản phẩm và các hoạt động tri ân khác theo đặc thù của từng đơn vị.

Nhiều nhà sách đã dày công đầu tư trong bày biện, trang trí cho các gian hàng đã tạo nên sức hút cho độc giả.

Với khoảng 100 gian hàng của 80 đơn vị thuộc các NXB, công ty phát hành trên cả nước, với gần 40.000 tên sách các loại, hàng vạn bản sách gồm nhiều chủ đề đa dạng, phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Chính trị, pháp luật, kinh tế, khoa học công nghệ - kỹ thuật, tham khảo, giáo dục, văn học, văn hóa - xã hội, tôn giáo... đã phần nào đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhiều đối tượng bạn đọc. Bên cạnh đó, Hội Sách là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu tác giả - độc giả, giới thiệu các cuốn sách có giá trị, các buổi hội thảo, tọa đàm, talkshow về những đề tài có liên quan đến các cuốn sách tiêu biểu hay những vấn đề thời sự, đang được dư luận và xã hội quan tâm.

Trong thời gian 5 ngày diễn ra Hội Sách (từ 6 đến 10/4) với hơn 20 sự kiện được tổ chức với các chủ đề khác nhau gắn với sách và văn hóa đọc.

Quản lý vẫn bất cập

BTC cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác thông tin, tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam chưa thực sự sôi động, phong phú, hấp dẫn nên chưa thu hút và tạo được hiệu ứng sâu rộng về Ngày Sách Việt Nam đối với cộng đồng.

Việc triển khai tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam tại các cấp cơ sở chưa đồng bộ, đặc biệt là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác báo cáo kết quả tổ chức Ngày Sách Việt Nam về Bộ TTTT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, vì vậy công tác tổng hợp, đánh giá kết quả tổ chức Ngày Sách Việt Nam còn chưa được toàn diện.

Đặc biệt, thực tế tại Ngày Sách Việt Nam, hay các Hội sách lớn nhỏ không chỉ ở tại các địa phương mà ở nhiều thành phố lớn việc “cài cắm” các cuốn sách chất lượng kém… vẫn đang là việc khó kiểm soát.

Nguyên nhân lớn nhất đó là nhiều đơn vị xuất bản để duy trì “nguồn sống” phải bán thương hiệu để có được những nguồn thu.

Thống kê của Bộ TTTT cho thấy, hiện cả nước có 60 NXB, trong đó 44 đơn vị thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công lập và 16 đơn vị thuộc loại hình công ty TNHH một thành viên (7 NXB địa phương và của Hội, 9 NXB thuộc các bộ). Nhưng thời gian qua chỉ một số ít NXB chuyển sang công ty TNHH một thành viên duy trì tốt hoạt động, đa phần còn lại gặp khó khăn.

Ngoài ra, sự phát triển hiện nay lại tập chung đa phần ở các đơn vị xuất bản tư nhân. Mà trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày khốc liệt với những yêu cầu ngày càng cao đối với xuất bản phẩm mang thương hiệu “nhà nước” thì dường đang bị “bỏ lơ”.

Đã có một thời gian, hoạt động liên kết từng gây tranh cãi khi một mặt trở thành “liều thuốc” cho các NXB đang sống chật vật với nguồn kinh phí hạn hẹp, mặt khác tạo nên nỗi lo về chất lượng xuất bản phẩm, do sự buông lỏng trong khâu biên tập.

Song bên cạnh đó, nhiều đơn vị xuất bản đang chịu không ít thiệt thòi bởi những ràng buộc và phụ thuộc trong hoạt động liên kết.

Thậm chí, sau khi xử lý hàng loạt sai phạm về sách, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa đã phải thốt lên: “Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đang “đổ rác” vào Cục”.

Ông Nguyễn Nhật Anh - Giám đốc Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng chia sẻ: “Đối với sách bán chạy, đơn vị xuất bản muốn tái bản nhanh để đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, nhưng theo quy định lại phải thông qua NXB, rồi chờ được cấp giấy phép, kéo theo sự chậm trễ”.

Kỳ vọng vào việc nâng tầm văn hóa đọc từ những hoạt động hội sách, Ngày sách hàng năm, nhưng bạn đọc cũng mong muốn để nâng tầm văn hóa đọc, các nhà xuất bản cần xác định người Việt hôm nay đang đọc gì? Cần gì từ sách?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày Sách Việt Nam 2017: Nâng tầm văn hóa đọc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO