Vẹn nguyên màu Tết cổ truyền

Vi Cầm 27/01/2016 10:06

Trong cái rét buốt, dù lạnh tê tái nhưng ai nấy hẳn cũng đều đang cảm nhận được Tết đang đến thật gần. Và Hà Nội đã tràn ngập sắc xuân khi đào, mai, quất đang đua nhau ra phố. Những đứa trẻ cũng cảm nhận rõ hơn hương vị Tết cổ truyền khi nhiều hoạt động tái hiện không gian Tết xưa được tổ chức khắp nơi.

Vẹn nguyên màu Tết cổ truyền

Vui Tết cổ truyền tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Không gian “Tết Hà Nội xưa và nay”- chủ đề của một triển lãm ảnh diễn ra tại nhà cổ 87 Mã Mây là một trong số các hoạt động mở màn đón Xuân Bính Thân sớm nhất. Ở đó, khách tham quan có điều kiện tìm hiểu và so sánh về sự khác biệt của không gian Tết hôm nay cũng như hàng chục năm trở về trước. Có người bảo Tết cổ truyền chính là một di sản văn hóa “phi vật thể”. Điều này có lẽ hoàn toàn đúng bởi Tết âm lịch của người Việt mang đậm đà bản sắc văn hóa và được cộng đồng thực hành trao truyền liên tục từ đời này sang đời khác, vẹn nguyên cho đến hôm nay.

Có một địa chỉ tổ chức Tết truyền thống đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình và học sinh tại Hà Nội. Đó là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với chương trình “Khám phá Tết Việt” thường niên. Năm nay hoạt động này sẽ diễn ra vào ngày 30/1.

“Khám phá Tết Việt” sẽ giúp người trải nghiệm biết cách gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, đánh đu, nặn tò he, tô vẽ tranh 12 con giáp, và tham gia các trò chơi dân gian của mọi vùng miền. Hoạt động chào Xuân tại đây cũng sẽ được kéo dài tới sau Tết Âm lịch thông qua việc giới thiệu đến công chúng những nét văn hóa đón Tết của cộng đồng các dân tộc ít người ở Kon Tum thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật như: Chiêng tha (Brâu), Đàn bôông bôông, đinh pú goong tinh (Brâu) Cồng chiêng và Xoang (Bana), Klông Pút, Tơ rưng (Xơ đăng); giới thiệu hương vị ẩm thực Tây Nguyên…

Giúp cho người Thủ đô cảm nhận rõ hương vị của Tết của đồng bảo vùng núi phía Bắc, hoạt động tái hiện chợ phiên vùng cao lâu nay cũng thường xuyên được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Vân Hồ- Hà Nội) và Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô- Sơn Tây-Hà Nội). Năm nay Hội Xuân Bính Thân 2016 đã diễn ra từ 20/1 và sẽ kéo dài tới 5/2 tại triển lãm Vân Hồ. Đắm mình trong không gian chợ Tết vùng cao giữa lòng Hà Nội, khách tham quan đã được chiêm ngưỡng những nét văn hóa bản địa như xem phụ nữ H’Mông dệt thổ cẩm, pha trà, nấu rượu, nấu xôi theo đúng phong cách truyền thống...

Tiếp đó, trong các ngày 30, 31/1 tới, các hoạt động đón Tết Bính Thân sẽ được tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Các hoạt động đón Tết Bính Thân 2016 tại làng không nằm ngoài mục đích giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nét văn hóa đặc sắc trong truyền thống đón Tết cổ truyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh đó, thông qua không gian Tết cổ truyền nhằm thể hiện bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của người Việt Nam. Năm nay, Tết tại Làng sẽ có những hoạt động chủ đạo như dựng cây Nêu ngày Tết, “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết”… Lễ hạ cây Nêu sẽ được tổ chức bào ngày 14/2 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Bính Thân).

Trong quá trình đi tìm hiểu về Tết cổ truyền của người Việt, chúng tôi đã có may mắn gặp được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Cho dù mỗi người phân tích ở những góc độ khác nhau, nhưng tinh thần chung toát lên ấy là Tết của người Việt hàng ngàn đời nay vẫn vẹn nguyên một màu như thế. Có chăng, Tết nay đã khác Tết xưa khi mọi công đoạn chuẩn bị cho Tết đã được “dịch vụ hóa” (như việc gói bánh chưng, làm giò chả…) Mà đúng vậy bởi bất luận giàu nghèo, không gian Tết nhà nào cũng vẫn ấm mùi hương trầm. Trên mâm cỗ Tết của gia đình nào cũng vẫn đủ đầy bánh chưng xanh, dưa hành, thịt nấu đông… Chỉ có một điều đã khác hơn so với trước là ngày nay, trong xã hội đủ đầy, khi mà người ta không phải chờ đến Tết mới có thịt thà, bánh chưng, sơn hào hải vị… thì cái Tết đến từ lòng người, Tết xuất phát từ tinh thần thì Tết ấy mới thực sự là Tết đong đầy mọi dư vị.

Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc từng nói rằng, những người nước ngoài đến Việt Nam, muốn hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa của người Việt thì chỉ cần sống trong bầu không khí của Tết Nguyên đán, cho dù ở trong Nam hay ngoài Bắc, ở miền ngược hay miền xuôi… Ông đã nhận định hoàn toàn chính xác bởi Tết cổ truyền nay là Tết giao hòa. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam dù có những nghi lễ đón Tết khác nhau, thì nay Tết của đồng bào các dân tộc ít người đã và đang hòa chung cùng Tết cổ truyền thiêng liêng của cả dân tộc, trong bầu không khí thắm tình đoàn kết.

Và rồi từ cái Tết chung của cộng đồng lại ngẫm tới câu chuyện bảo tồn văn hóa thống nhất trong đa dạng. Lại càng thấm hơn về một cái Tết của tình đoàn kết đến từ lòng người. Điều ấy cũng đã được thể hiện qua một đôi câu đối mà GS Vũ Khiêu đã từng viết trên cây Nêu ngày Tết tặng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: “Tổ quốc đại thành công/ Gia đình đại đoàn kết”; “Gắn bó anh em vì đất nước/ Nêu cao khí phách giữa trời mây”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẹn nguyên màu Tết cổ truyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO