Vẫn nóng chuyện tranh chấp ở chung cư

H.Hương – M.Sang 16/03/2023 06:59

Gần đây, tình trạng tranh chấp chung cư trên địa bàn Hà Nội nóng trở lại khi tại nhiều dự án, cư dân tập trung căng băng rôn phản đối chủ đầu tư thu phí dịch vụ cao, nhiều cư dân cũng bức xúc với việc chờ mãi không được sổ hồng.

Mâu thuẫn giữa Ban quản trị chung cư và người dân vẫn liên tục xảy ra tại nhiều khu chung cư. Ảnh: X.N.

Người dân bức xúc

Giữa tháng 2/2023, nhiều người dân đã tập trung căng băng rôn ở sảnh chung cư Phú Thịnh Green Park ( Hà Đông – Hà Nội) yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Thịnh cấp sổ hồng, hạ phí dịch vụ.

Được biết, chủ đầu tư chung cư Phú Thịnh Green Park xuất hiện mâu thuẫn với một số cư dân mua nhà tại dự án vì chậm bàn giao căn hộ, chậm bàn giao sổ hồng và không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu.

Một hộ dân ở toà nhà cho biết, phí dịch vụ mà Ban quản lý toà nhà đang thu là 7.150 đồng/m2/ tháng, cao hơn so với mặt bằng chung và chưa tương xứng với tiện ích toà nhà mang lại cho cư dân. Nhiều người dân không đồng tình đóng phí.

Khi cư dân yêu cầu được đối thoại, phía chủ đầu tư đã không đồng thuận và tự ý cắt nước của người dân, hạn chế dịch vụ vận hành thang máy đối với các hộ không đóng phí.

Chưa hết, tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), người dân ở toà nhà chung cư Việt Đức Complex số 164 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính cũng căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Sông Đà – Việt Đức sớm trả sổ hồng.

Theo phản ánh của người dân, họ đã nhận nhà và về ở từ năm 2000, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) theo quy định. Nguyên do là chủ đầu tư mắc một số sai phạm khi thực hiện dự án như sử dụng một phần diện tích của hạ tầng kỹ thuật vào mục đích kinh doanh; tự ý xây dựng vách ngăn và phân chia phòng bố trí như căn hộ để ở tại tầng kỹ thuật, không phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến việc các căn hộ không đủ cơ sở để được cấp sổ hồng.

Nhiều toà nhà chung cư khác trên địa bàn Hà Nội cũng dai dẳng tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về vấn đề quỹ bảo trì chung cư 2%.

Chưa có hồi kết

Hiện nay nội dung quản lý vận hành nhà chung cư được điều chỉnh bởi pháp luật nói chung và pháp luật chuyên ngành như: Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014… Mặc dù đã được quy định trong luật, nghị định hướng dẫn thi hành và thông tư, nhưng các tranh chấp vẫn ngày càng gia tăng.

Luật sư Nguyễn Minh Tuấn - CEO Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt (VietBuildings) cho rằng, những quy định hiện hành mới chỉ đáp ứng được nhu cầu khắc phục giải quyết các vướng mắc chủ yếu trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, mối quan hệ trong lĩnh vực sử dụng, quản lý nhà chung cư vẫn rất phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa hoàn thiện kịp thời so với sự phát triển của các mối quan hệ xã hội tại các tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan quản lý cũng không thể can thiệp mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Thuận – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quản lý bất động sản Ecolife chỉ ra thực tế đang có một số bất cập trong ban quản trị. Chẳng hạn, việc bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho ban quản trị căn hộ, nhiều khi ban quản trị sử dụng quỹ chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân. Nhiều dự án hiện tại, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã bị tê liệt, hệ thống này thuộc hạng mục bảo trì, nhưng ban quản trị không sử dụng quỹ bảo trì để xử lý hệ thống đó khi hỏng hóc.

Giới chuyên gia nhận định, tranh chấp tại các toà nhà chung cư vẫn đang là vấn đề chưa có hồi kết. Có nhiều trường hợp người dân và chủ đầu tư không thể ngồi cùng nhau để tháo gỡ. Do vậy cần phải sử dụng các quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp và xung đột. Khi quyền lợi các bên đều bị ảnh hưởng thì cần thiết phải áp dụng quy định của pháp luật để tiến hành giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

Luật sư Nguyễn Minh Tuấn - CEO Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt (VietBuildings) cho rằng, những quy định hiện hành mới chỉ đáp ứng được nhu cầu khắc phục giải quyết các vướng mắc chủ yếu trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, mối quan hệ trong lĩnh vực sử dụng, quản lý nhà chung cư vẫn rất phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa hoàn thiện kịp thời so với sự phát triển của các mối quan hệ xã hội tại các tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan quản lý cũng không thể can thiệp mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn nóng chuyện tranh chấp ở chung cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO