Vị Tổng Biên tập đầu tiên Báo Giải Phóng

NGUYỄN HỒ 24/01/2022 09:00

Sau giải phóng, dù tuổi đã cao nhưng anh Kỳ Phương vẫn hăng hái làm cố vấn cho nhiều tờ báo xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục để lại những ấn tượng đẹp về một nhà báo, nhà cách mạng lặng lẽ và đầy nghị lực, luôn kiên trì mục đích chính trị và nhân văn.

Nhà báo Kỳ Phương.

Đầu năm 1964, Đại hội Chiến sĩ thi đua Tỉnh đội Bến Tre tổ chức tại xã giải phóng Tân Xuân, huyện Ba Tri. Đại hội trân trọng giới thiệu sự có mặt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) và nhà báo Trần Phong - Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc. Cả hai vị khách Trung ương đứng lên cúi chào trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của đại hội.

Nhà báo Trần Phong - Kỳ Phương đến Bến Tre cuối năm 1963 bằng tàu không số, chở vũ khí từ sông Bạch Đằng, Hải Phòng đến bãi Khâu Băng, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, do chân bị thương tật không thể đi đường Trường Sơn. Anh lên bờ cùng với những khẩu súng trường bá đỏ được vận chuyển vào đất liền một cách bí mật trong lớp vải bọc màu nâu. Nhưng bí mật của riêng anh thì bị “bật mí” rất sớm, ngay khi anh xuất hiện trong đại hội này. Đó là một nhà báo cách mạng có đôi mày rậm, mắt sáng, trán cao, trắng trẻo, dáng điệu rất tự tin, quyết đoán, dù chân bước khập khiễng.

Trong giờ đại hội giải lao, anh tìm tôi, vì anh đã nghe giới thiệu sự có mặt của phóng viên Báo Chiến Thắng của tỉnh Bến Tre. Anh bảo tôi gọi anh là Kỳ Phương và cho biết anh được Trung ương cử vào Nam để chuẩn bị ra Báo Giải Phóng - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Anh nóng lòng muốn xem ngay Báo Chiến Thắng. May quá, tôi có mang theo tờ Chiến Thắng bộ mới, in chữ chì, vừa ra đời. Anh lật tờ báo 4 trang hai màu nhẹ hẫng của chúng tôi, khen báo in đẹp, sắc nét, rồi hỏi: Báo in máy hay in tay, có thể in nhiều màu hơn không, chẳng hạn như in cờ Mặt trận ba màu? Xem trang nhất có tranh minh họa khắc gỗ, anh hỏi: Muốn làm cliché (bản kẽm) thì làm sao? Nhìn ở góc dưới trang 4 có ghi giá ủng hộ 1 đồng, anh hỏi số lượng in bao nhiêu, làm sao vận chuyển giấy vào vùng giải phóng, có phát hành đến người đọc trong vùng đô thị không? Tôi nói với anh tất cả những gì mình biết.

Anh đề nghị cho anh thăm tòa soạn Báo Chiến Thắng lúc bấy giờ đóng ở ấp Bình Khương, Châu Bình, Giồng Trôm, cách xa hàng chục cây số. Anh còn muốn đi thăm cả nhà in đóng trong rừng Thừa Đức - vùng giải phóng huyện Bình Đại, bên kia sông Ba Lai.

Tôi ái ngại nhìn cái chân khập khiễng của anh, nhưng anh bảo không sao, vẫn đi bộ được. Rồi anh lấy từ cặp tài liệu cho tôi xem thiết kế 12 trang của Báo Giải Phóng, khổ giấy A3, đầy những đường kẻ bút chì ngang dọc, trang nhất với manchette (măng sét) Giải Phóng, xã luận, bình luận, tin tức, đặc biệt là bức ảnh to chiếm gần nửa trang và cột báo nhỏ đóng khung.

Hai trang văn nghệ được anh đầu tư khá kỹ với những dòng tít màu và ô vuông nhiều kích cỡ dành cho tranh minh họa, những cột cho thơ và tiểu phẩm. Tôi chưa được đọc Báo Cứu Quốc của anh nhưng chỉ nhìn những trang thiết kế cũng đủ thấy anh đã dồn tâm huyết và kinh nghiệm nghề nghiệp vào đó đến mức nào.

Nhà báo Kỳ Phương (thứ 3, từ trái sang cùng các đồng nghiệp).

Ngày 20/12/1964, tại miền Đông Nam Bộ, căn cứ địa của Trung ương Cục Miền Nam, Báo Giải Phóng ra đời. Nhìn những trang báo hai màu đơn giản, được in bằng máy tự chế bằng gỗ rừng, kéo tay, nhưng cách thiết kế mỹ thuật và nội dung bài vở cũng như tên tuổi các cây bút cho thấy đây là một tờ báo chuyên nghiệp và là một kiểu mẫu cho những tờ báo kháng chiến ở miền Nam.

Cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng đó đã trở thành mối nhân duyên khi tháng 9/1966, tôi trở thành thành viên của Báo Giải Phóng. Nhà báo Kỳ Phương được bổ sung làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, kiêm Trưởng Tiểu ban Báo Giải Phóng, cơ quan đóng trong một cánh rừng chiến khu C, cạnh sông Vàm Cỏ Đông. Do điều kiện in ấn tốt hơn từ nhà máy in Trần Phú - đơn vị trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, có máy in bàn bán tự động nên Báo Giải Phóng được mở rộng thành khổ nhật báo và ra định kỳ nửa tháng, dự kiến sẽ ra báo tuần khi đủ điều kiện.

Ra báo được ít lâu thì đối phương mở chiến dịch Junction City, đánh thẳng vào chiến khu C, phải họp và quyết định tập thể, anh Kỳ Phương và các anh Tâm Trí, Ủy viên Tiểu ban, Thư ký tòa soạn và anh Tịnh Đức (Trương Quang Lộc) mới chịu đi sơ tán cùng anh chị em ốm đau, sức yếu. Nhà in thành trận địa, máy in bị máy bay trực thăng địch cẩu đi. Báo đình bản, anh tạm thời được điều về Trung ương Cục cho đến gần Tết Mậu Thân mới trở lại với Báo Giải Phóng.

Suốt những năm sau đó, nhiều nhà báo kế tục anh nhưng cái format (định dạng) Báo Giải Phóng do anh tạo ra từ thuở ban đầu luôn còn giá trị. Đó là cơ quan ngôn luận của giới trí thức, nhân sĩ với những cây bút tầm cỡ và tiêu biểu, đó là tờ báo tránh tối đa chất “lá cải” trên nhiều lĩnh vực.

Sau giải phóng, dù tuổi đã cao nhưng anh Kỳ Phương vẫn hăng hái làm cố vấn cho nhiều tờ báo xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh như Tin Sáng, Giác Ngộ, tiếp tục để lại những ấn tượng đẹp về một nhà báo, nhà cách mạng luôn kiên trì mục đích chính trị và nhân văn.

Những lần đến thăm anh đều đọng lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ như trong lần đầu gặp ở Bến Tre. Lần đến thăm anh ở Hòa Hưng, Quận 3, năm 1990, anh chưa ngã bệnh nhưng trông xanh xao lắm, trên bàn viết là những tập tài liệu và bản thảo. Tuy nhà được cấp, có mặt bằng rộng nhưng xem ra anh không bận tâm khai thác để kiếm thêm thu nhập như cách phổ biến lúc bấy giờ. Từ chiếc võng cạnh bàn viết và bàn trà nhìn ra gốc cây bên ngoài là cả một đống bã trà và cà phê to đến khác thường làm tôi nghĩ ngay đến mái lá trung quân của anh trong rừng. Cũng chiếc bàn viết mặt đan bằng cây mật cật, chiếc võng vải dù và đống bã trà ở gốc cây rừng, anh đã làm nên sự nghiệp báo chí kháng chiến. Đôi lần, tôi đến thăm và động viên anh viết hồi ký, vợ chồng tôi sẵn sàng chấp bút, nhưng anh nói chuyện khác cho qua. Thật tiếc, nếu không ghi lại bề dày công tác hiếm có của một cán bộ cách mạng ra đi từ Mỹ Tho, sớm ra Việt Bắc và trở về chiến trường Nam Bộ cho đến ngày kết thúc chiến tranh.

Lần sau nữa, chúng tôi cùng nhà báo, nhà văn Thái Duy (Trần Đình Vân) đến thăm anh ở khu dân cư Vườn Lài, chân anh đã liệt, phải ngồi xe lăn, mắt đã lòa nhưng hoàn toàn minh mẫn. Nhà báo Thái Duy ôn lại những chuyện về tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của anh. Trong thời điểm khá nhạy cảm, ở Hà Nội, phóng viên Thái Duy được Tổng Biên tập Kỳ Phương chấp thuận cho đi chiến trường Lào. Trong một thời điểm khác ở miền Nam, phóng viên Thái Duy được Tổng Biên tập Kỳ Phương khuyến khích và cho tự do theo đuổi chuyện của chị Phan Thị Quyên kể về anh Nguyễn Văn Trỗi và Thái Duy đã làm nên tác phẩm để đời "Sống như anh".

Tôi gọi điện thoại ra Hà Nội báo tin buồn đến anh Thái Duy về sự ra đi của anh Kỳ Phương. Vốn là người từng trải, tỉnh táo và cứng cỏi, thế mà anh Thái Duy đã lặng đi rất lâu.

Nhiều thế hệ nhà báo kháng chiến chúng tôi xin dành khoảng lặng thiêng liêng ấy để mãi nhớ về anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị Tổng Biên tập đầu tiên Báo Giải Phóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO