WHO cân nhắc tuyên bố chấm dứt đại dịch

Thanh Đức 04/04/2022 11:13

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố chiến lược mới, hướng đến việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch Covid-19. WHO đề ra 2 mục tiêu chính, gồm giảm ca mắc và chẩn đoán, điều trị hiệu quả các ca mắc Covid-19 để giảm số trường hợp tử vong và 3 kịch bản có thể xảy ra.

Nhịp sống ở New York (Mỹ) đã trở lại bình thường. Ảnh: Reuters

3 kịch bản của WHO

Muốn đạt được 2 mục tiêu này, theo WHO, cần tiếp tục tăng cường giám sát và theo dõi, cải thiện tính công bằng về phân phối vaccine trên thế giới, củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và nguồn cung y tế, cũng như cập nhật nghiên cứu và phân tích dữ liệu.

Một mục tiêu lớn được WHO đề ra là đạt tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu 70%. Tuy nhiên, trong số 194 quốc gia thành viên WHO, 21 quốc gia mới tiêm vaccine chưa đến 10% dân số và 75 quốc gia đã tiêm chủng chưa đến 40% dân số.

Tới nay đã có hơn 11 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 được tiêm trên toàn cầu nhưng khoảng 36% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên.

Đáng chú ý, tại thời điểm này, dựa trên những diễn biến dịch bệnh toàn cầu, WHO đã đưa ra dự báo với 3 kịch bản về đại dịch trong thời gian tới. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh sẽ giảm theo thời gian khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vaccine và lây nhiễm tự nhiên.

Một kịch bản khác là các biến thể mới ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện và khi đó, các liều tăng cường hoặc vaccine mới là không cần thiết. Kịch bản xấu nhất là một biến chủng mới dễ lây lan và gây chết người xuất hiện, đòi hỏi các loại vaccine hiện nay có sự thay đổi và tiêm tăng cường diện rộng cho nhóm đối tượng dễ tổn thương.

Như vậy, WHO vẫn còn đang lưỡng lự đã nên tuyên bố đại dịch Covid-19 chấm dứt hay chưa. Việc này đã được các chuyên gia của WHO đặt ra trước thực tế cho dù có chưa tuyên bố thì nhiều quốc gia cũng đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế, kể cả đeo khẩu trang nơi công cộng. Vào tháng 3/2020, WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Khi đó, WHO đã phải nhận nhiều chỉ trích là đã quá chậm chạp khiến dịch lây lan nhanh chóng. Thậm chí đã có những ý kiến kêu gọi Tổng Giám đốc WHO từ chức.

Tuy nhiên, trong diễn biến dịch suốt hơn 2 năm qua, WHO đã chứng tỏ vai trò then chốt của mình, nhất là khi đưa ra những khuyến cáo khoa học xác đáng để hạn chế lây lan cũng như tử vong và điều tiết vaccine cho các nước nghèo.

Châu Á dần trở lại nhịp sống bình thường

Vào ngày cuối cùng của tháng 3/2022, số ca mắc Covid-19 ở châu Á đã vượt mốc 130 triệu và số ca mắc mới ở chiếm 21% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Theo WHO, các ca mắc biến thể phụ BA.2 (Omicron tàng hình) hiện chiếm khoảng gần 86% tổng số ca mắc được ghi nhận.

Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới trung bình hằng ngày. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế cũng đã nới lỏng, vì thực tế diễn biến dịch bệnh cho thấy không đến mức nguy hiểm khi số ca bệnh nặng cũng như tử vong giảm sâu. Theo TS Adrian Esterman (Đại học Nam Úc) thì rõ ràng việc phong tỏa chặt không hiệu quả và cũng không cần thiết đối với Omicron.

Chính phủ Thái Lan cũng đã quyết định mở cửa. Kể từ đầu tháng 4, du khách đến nước này không cần phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành. Thái Lan cũng đã bỏ quy định yêu cầu phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi khởi hành với những du khách nhập cảnh. Họ chỉ phải xét nghiệm khi đến Thái Lan.

Tương tự, Malaysia cũng đã mở cửa biên giới đón khách du lịch quốc tế, đồng thời bãi bỏ các hạn chế đã được áp dụng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Phát biểu với báo giới tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur ngày 1/4 khi chào đón 220 hành khách đến Malaysia từ Abu Dhabi, Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri nói: “Ngày hôm nay giống như ngày lễ "Hari Raya" - lễ hội lớn nhất trong năm của người Hồi giáo”.

Còn với Singapore, đã mở lại hoàn toàn các cửa khẩu cho tất cả du khách đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Kể cả người dân Singapore cũng không phải chịu những hạn chế phòng, chống dịch như trước. “Cuộc sống đã trở lại như xưa. Chính quyền cũng đã thôi công bố số ca mắc. Chúng tôi thực sự thoải mái” - Michael Lee, một nhân viên máy tính nói.

Hiện Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 82 triệu ca mắc và hơn 1 triệu ca tử vong do Covid-19. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (gần 660.000 ca). Châu Âu có gần 180 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,7 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 96,5 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong trong khi các con số này ở Nam Mỹ là hơn 56 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    WHO cân nhắc tuyên bố chấm dứt đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO