Cẩn thận với bệnh viêm não Nhật Bản B

H.An 19/06/2016 22:47

Mùa hè là thời điểm xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm. Trong số đó, phải kể đến bệnh viêm não Nhật Bản B, rất hay gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Mới đây, đã xuất hiện 2 ca mắc viêm não Nhật Bản B tại Bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện của tỉnh Thanh Hóa. Đây là 2 bệnh nhi viêm não Nhật Bản B đầu tiên của mùa dịch năm 2016.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu cứng gáy, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa… cần đưa đến bệnh viện theo dõi.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2016, cả nước ghi nhận hơn 215 trẻ mắc viêm não các thể, trong đó có 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản B. Nếu so về số mắc viêm não các thể, số mắc năm 2016 đã giảm 44% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đáng lưu ý, đây là thời kỳ dịch viêm não Nhật Bản B vào mùa, và mùa dịch sẽ còn kéo dài đến tháng 8. Nếu không đề phòng, nguy cơ các ca nhiễm sẽ còn tăng cao.

Theo PGS, TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây là thể bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng nặng rất cao, từ 25-35%. Những di chứng này khiến cho người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thống kê cho thấy, bệnh viêm não Nhật Bản B gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ hơn 90% số ca mắc), trong đó đa số là trẻ từ 1-5 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 10% nguy cơ mắc bệnh đến với những người thuộc các độ tuổi khác. Người nhiễm virus viêm não Nhật Bản thường không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 5-15 ngày.

Theo chuyên gia y tế, các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt xuất hiện đột ngột, nhức đầu, dấu hiệu màng não (cứng gáy, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, mê sảng, vật vã, trẻ em có thể bị hôn mê). Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê..., trẻ nhỏ thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc phòng tránh bệnh là điều rất quan trọng, các bậc cha mẹ cho trẻ đi tiêm vaccine viêm não Nhật Bản (tiêm 2 mũi khi trẻ 1 tuổi, mũi sau cách mũi trước 2 tuần, mũi thứ 3 sau mũi 2 một năm), tránh để dịch lan rộng mới đi tiêm chủng, việc phòng bệnh sẽ không có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn thận với bệnh viêm não Nhật Bản B

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO