Chăn bò giữa phố

Đoàn Xá 23/07/2016 08:30

Được quy hoạch thành những khu đô thị hiện đại với những căn hộ biệt thự, cao ốc, siêu thị sang trọng, là nơi sinh sống của hàng ngàn người nhưng hiện nay, nhiều khu đô thị ở TP HCM lại là “thế giới” của những đàn gia súc trâu bò…

Chăn gia súc ở một khu đô thị hoang ở Vĩnh Lộc.

Biệt thự… dành cho bò

Men theo tuyến đường nhựa bằng phẳng có 4 làn xe chạy từ quốc lộ 1A, chúng tôi dễ dàng tìm tới khu dân cư Bà Điểm (huyện hóc Môn), một trong những khu đô thị ngoại ô với quy hoạch hàng ngàn căn hộ, cao ốc, siêu thị, trung tâm thương mại, trường học ở phía Tây Bắc thành phố. Thế nhưng, ngoài vài căn nhà đã hoàn thành, hầu hết các căn nhà xây ở đây đều bị bỏ hoang. Nhiều đàn bò, có số lượng lên đến vài chục con đang nhởn nhơ gặm cỏ.

Ông Nguyễn Văn Điền, 51 tuổi, ở xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) một người chăn bò cho biết: “Gần chục năm trước, khu này được quy hoạch xây dựng. Nhà cửa cũng mọc lên nhiều nhưng ít có người đến ở. Hiện giờ, ngoài nhiều căn biệt thự xây xong bỏ hoang hoặc đã có người đến ở nhưng vì vắng vẻ quá cũng bỏ đi thì chỉ còn lại cỏ là xuất hiện nhiều nhất. Tôi là người ở gần đây, làm nông dân cả đời nên thấy đất bỏ hoang, cỏ mọc thì tiếc lắm. Mấy năm trước đã nhờ đứa cháu mua 7 con bò trên Trảng Bàng (Tây Ninh) về nuôi. May nhờ đất rộng, cỏ tốt nên bò rất phát triển. Mỗi con này cuối năm có giá không dưới 30 triệu đâu”.

Tương tự, ông Tư Hồng, 65 tuổi, cũng ngày ngày dắt đàn trâu, bò hơn chục con rong ruổi quanh các tuyến đường nhựa, những cột điện, cống ngầm đặt chỏng chơ ở khu đô thị mới Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) rộng mênh mông. Ngồi trước cửa một căn biệt thự kiểu Pháp có kiến trúc rất đẹp, giá chừng 6-7 tỷ đồng, là niềm mơ ước của hàng ngàn người dân thành phố nhưng lại bỏ hoang, ông kể: “Tôi ở ngoài Hàm Tân (Bình Thuận) nhưng mấy năm trước, cậu con cả mua được căn nhà nhỏ ở Hóc Môn này nên vào ở trông các cháu. Lúc đưa cháu đi học, ngang qua đây thấy đất rộng, cỏ mọc hoang nhiều mà tiếc qua. Sau nhờ con mua cho cặp bò về chăn dắt quanh quẩn. Thế mà chúng lớn nhanh như thổi, cuối năm bán được gần 60 triệu, lãi ròng quá nửa. Thế là tôi tiếp tục mua thêm mấy con bò nữa để ngày ngày đi chăn luôn. Do đất, nhà ở đây bỏ hoang, mình lùa đàn bò vào cho chúng ăn cỏ chứ chẳng phá hoại, gây thiệt gì cho ai”.

Cũng theo ông Tư Hồng, chăn trâu bò ở đây có lợi thế là ngoài nguồn cỏ tự nhiên thì nếu trời có mưa, nắng quá cũng dễ dàng tìm nơi trú chân.

“Mấy căn biệt thự bỏ hoang đó rộng rãi, lại mát mẻ. Trưa nắng chiều mưa, tôi cứ lùa đàn vào đó cho đỡ cực. Có bữa chủ nhà tìm tới, thấy đàn bò của tôi chỉ cười bảo, có người đi qua đi lại, nhà hoang cũng đỡ cô quạnh, không thì bọn trộm cắp, nghiện ngập cũng tìm tới”, ông kể.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài khu Hóc Môn, Bình Chánh thì hàng chục khu đô thị khác cũng tràn ngập trâu bò chăn thả của người dân ở các địa phương ngoại thành như Nhà Bè, Củ Chi, Quận 9, Thủ Đức…

Thậm chí, ngay cả những khu đô thị hiện đại ở trung tâm thành phố như đô thị Thủ Thiêm, Mỹ Thạnh Lợi (Quận 2), đô thị Thanh Đa-Bình Quới (quận Bình Thạnh) cũng có khá nhiều dê, bò, trâu… của người dân.

Được biết, dù là khu đô thị nhưng chưa thu hút người dân đến ở, hoặc chưa xây dựng xong, người dân tranh thủ chăn thả để kiếm thêm thu nhập. Cá biệt có ít nơi, chủ đất còn thuê người trông đất, chăn gia súc gia cầm để lấy thịt.

Phập phồng lo lắng

Việc chăn thả gia súc của nhiều nông dân ở các khu đô thị như vậy khá thuận lợi, thu nhập có khi lên đến hàng trăm triệu/năm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tất cả mọi thứ đều dễ dàng. Ông Đặng Văn Tam, một người chăn bò ở khu đô thị mới Vĩnh Lộc than thở: “Trước tôi chăn bên khu dân cư Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) nhưng năm ngoái, người dân mua nhà đến ở đông đúc, họ bảo mình đưa đàn bò ra ngoại thành vì sợ ảnh hưởng. Sang bên khu công nghiệp Vĩnh Lộc được hơn năm thì nhà cũng đua nhau mọc lên, lại phải đưa đàn đi tìm khu đất khác. Có đợt, tôi còn phải thuê cả xe tải chở bò sang bên khu đất hoang này chăn. Cũng được hơn năm rồi nhưng lúc nào cũng phập phồng, không biết bao giờ chủ đất họ bán”, ông cười.

Do việc chăn thả thường xuyên phải di chuyển, vì tốc độ đô thị hóa ở các khu vực này đang diễn ra nhanh nên ngay cả việc thuê nhà, có nơi ở với họ cũng là hết sức khó khăn.

“Trước tôi ở trọ với vợ và đứa con út bên Vĩnh Lộc nhưng cứ phải lùa đàn đi miết. Mà nhà trọ chật, trâu bò ở đây ít khi đi xa ngoài các khu đô thị hoang này nên nhiều đêm tôi cũng dựng tạm cái lán để ở luôn. Trâu bò thì nằm ngủ quanh quẩn ven nhà. Mình chăn thả ở đây mà cho trâu bò vào ở lì trong các căn biệt thự tiền tỷ của họ cũng kỳ. Sợ chúng thải ra làm hư hỏng nhà của họ, phiền phức lắm”, ông Tam tiếp lời.

Nhìn đàn bò đã nằm bên ngã tư đường sau một ngày rong ruổi, khi ánh đèn xa xa của một căn biệt thự đã lấp lánh, chúng tôi chia tay ông trong nỗi buồn lưu luyến. Có lẽ, những ánh đèn rực rỡ đang mọc lên kia sẽ là tín hiệu đẩy đàn gia súc và những người nông dân này ra xa ngoại ô hơn, ở các khu đô thị hoang vùng vành đai ngoài, hay thậm chí cả những khu đô thị hoang ngoài Long An, Tây Ninh để tiếp tục nghề chăn thả của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăn bò giữa phố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO