Giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông cho học sinh: Dễ mà khó

Lê Minh 30/07/2017 08:20

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, cứ 4 phút có một trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT), chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.

Ảnh minh họa.

Học sinh THPT liên quan tới 90% số vụ TNGT

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng vừa qua (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/6/2017), cả nước xảy ra 9.593 vụ TNGT, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. Ngày 26/7, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng thông tin học sinh THPT đang là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn trong số các ca tử vong vì TNGT.

PGS.TS Chu Công Minh - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông và các cộng sự đã thực hiện dự án nghiên “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện” nhằm phân tích và tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

Số liệu về tai nạn giao thông liên quan tới lứa tuổi học sinh cấp 3 cho thấy học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây.

Theo ông Chu Công Minh, ba nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra TNGT trẻ em bao gồm: đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.

Xét các mẫu điều tra dựa trên khảo sát phỏng vấn hành vi điều khiển phương tiện với 2.390 học sinh THPT, nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%), thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng, với tỷ lệ lên tới 52%. Dữ liệu của cảnh sát giao thông và điều tra phỏng vấn học sinh đều cho thấy “vi phạm tốc độ” là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này.

Biện pháp nào hạn chế?

Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ tan học do học sinh tụ tập, học sinh chưa đủ tuổi, không giấy phép lái xe đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm, chở 3, đi hàng ngang,... là chuyện thường gặp hàng ngày ở nhiều tuyến đường trong thành phố.

Nhằm thúc đẩy việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, Sở GD&ĐT Hà Nội 2 năm trước đã ban hành quy định: Học sinh vi phạm lần 1 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.

Học sinh đã được giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông (ATGT) nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe. Việc tổ chức, kiểm tra và giám sát xử lý vi phạm được thực hiện hàng tháng.

Hàng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu 100% các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.

Quy định là vậy, tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, ký vậy nhưng thực hiện hay không cũng còn tùy. Còn bản thân các học sinh thì nhiều em cho rằng chuyện buộc thôi học hay đình chỉ học chỉ có tác dụng với các bạn chăm học còn với các bạn vốn ham chơi thì chẳng là vấn đề.

Theo cô Lại Nguyệt Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc việc giáo dục ý thức chấp hành ATGT cho học sinh tưởng dễ mà khó. Dễ là chúng ta có thể bố trí thời gian và giảng viên dạy cho nhiều học sinh cùng lúc nhưng khó là cách các em tiếp nhận và thực hiện thế nào. Không phải cứ chuyện gì giáo viên nói học sinh cũng nghe, và không phải lúc nào học sinh vâng dạ cũng là nghe lời. Vấn đề này phải để các em tiếp nhận và ứng dụng thực sự thoải mái.

Ở góc nhìn của chuyên gia, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, siết chặt kỷ luật, đặc biệt là trong chấp hành các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông cho học sinh nhằm giúp các em bảo vệ cho chính mình và cộng đồng là việc nên làm, nếu không muốn nói là cấp thiết. Chấp hành luật giao thông chính là chấp hành luật pháp và học sinh cần được rèn luyện ý thức này ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Dạy văn hóa giao thông từ mầm non

Đánh giá về công tác giáo dục ATGT, theo kết quả điều tra trong khuôn khổ nghiên cứu của PGS.TS Chu Công Minh, 33% học sinh đi bộ trả lời rằng chưa được học cách đi bộ an toàn, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục ATGT tại trường học.

Và cũng trong khảo sát này, có tới gần 90% học sinh và cha mẹ đồng thuận với mong muốn học sinh THPT cần học về kỹ năng điều khiển phương tiện. Những con số này cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện các khoá huấn luyện về ATGT và kỹ năng lái xe an toàn cơ bản ngay trong trường học.

Mới đây, ngày 26/7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có chỉ đạo các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ có yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng nội dung và ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh trung học cơ sở ngay trong quý III-2017, để triển khai từ năm học 2017-2018.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATGT năm học 2017-2018; nghiên cứu đưa nội dung giảng dạy ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa giao thông vào các cấp học từ mầm non, tiểu học... tạo nên thế hệ mới có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, có văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự.

Cũng trong giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông cho học sinh: Dễ mà khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO