Tăng cường phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Trang Linh 27/05/2016 07:43

Nhận định từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết: Tình hình tai nạn, thương tích (TNTT) trẻ em ở nước ta vẫn còn rất cao so với các nước Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong do TNTT ở trẻ em là đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ.

Cần trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em.

Từ thực tế đó, Bộ LĐTB&XH đã chọn chủ đề chính cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với tên gọi “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”. Lễ phát động được tổ chức vào ngày 28-5 tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Tất cả các địa phương trong cả nước tổ chức lễ phát động trong thời gian từ nay đến 1/6.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích

Thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2010-2014, ở Việt Nam trung bình mỗi ngày có 580 trẻ em bị TNTT các loại như tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng… Và cụ thể hơn, ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết: “Trung bình một ngày có khoảng 9 trẻ em bị tử vong do đuối nước”. TNTT cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và có thể kéo dài suốt cuộc đời trẻ em.

Thời gian vừa qua, tình trạng học sinh (HS) chết đuối liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 5, những vụ đuối nước thương tâm gây tử vong nhiều HS. Điển hình vụ 3 HS lớp 1 chết đuối dưới kênh ngày 6/5 tại tỉnh Long An; 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4/5 tại tỉnh Khánh Hòa, 3 HS rủ nhau đi chơi bị đuối nước ngày 6-5 tại tỉnh Long An, 3 HS lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8/5 tại tỉnh Nam Định…

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH nhận định: “Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phòng, chống TNTT trẻ em trong thời gian qua. Tuy vậy, vẫn còn nhiều địa phương chưa coi trọng việc phòng ngừa TNTT cho trẻ em trong khi môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT. Nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa TNTT cho trẻ em dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Nhiều nơi nguy hiểm, có nguy cơ gây TNTT cho trẻ em trong đó có đuối nước nhưng lại không có biển cảnh báo hoặc làm chiếu lệ”.

Phát triển hệ thống bể bơi mini trong nhà trường

Theo các nhà chuyên môn: Việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em ở một đất nước có bờ biển dài, nhiều sông suối, kênh, hồ là một biện pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em. Tại sao lại biến ưu thế của một đất nước có nhiều sông nước trở thành yếu thế. Tại sao chúng ta không biến ưu thế thành nơi tiềm năng rèn luyện thể thao cho các em... là trăn trở của rất nhiều người.

Theo ông Nam, để có cuộc sống an toàn, phòng, chống TNTT trẻ em chúng ta cần tập trung vào 3 việc quan trọng: Các cơ quan liên quan cần phối hợp với nhau để đưa ra những mô hình định mức xây dựng bể bơi cho trẻ em; Khuyến khích các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đầu tư một phần cho việc dạy bơi cho trẻ em; Bộ VHTT&DL và Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam cần dành thời gian và cơ sở thích đáng cho HS học bơi, đặc biệt là trẻ em gia đình nghèo cần có chính sách ưu tiên miễn giảm.

Một vấn đề cũng được nhiều nhà chuyên môn đề cập đến để thực hiện tốt Tháng hành động vì trẻ em này là vấn đề dạy bơi cho HS. Đây cũng là công tác được Bộ GD&ĐT quán triệt, thực hiện mạnh mẽ trong thời gian gần đây, khi mà những vụ TNTT xảy ra báo động. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên, Bộ GD&ĐT, để thực hiện tốt nội dung này còn có khá nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất của ngành GD&ĐT là cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi”.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt việc dạy bơi cho trẻ em trong trường học, đặc biệt là bậc tiểu học và THCS. Nhân lực dạy bơi cho các em, Bộ GD&ĐT không thiếu, nội dung dạy bơi và học bơi cũng đã được đưa vào chương trình Giáo dục thể chất.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cũng cho rằng, không thể đồng loạt đầu tư xây bể bơi bởi vì rất lãng phí. Ngược lại chúng ta kết hợp nhiều biện pháp, phải rà soát tình hình thực tế tại các địa phương để đầu tư cho phù hợp. “Nơi nào đã có bể bơi, chúng ta tổ chức các lớp học bơi có hỗ trợ kinh phí cho HS. Những vùng không có điều kiện thì đào những hố và trải tấm lót ở dưới, đổ nước lên trên để dạy bơi. Những vùng ven sông có thể quay lưới làm rào chắn tổ chức học bơi”- bà Lan nói.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 sẽ tập trung vào các nội dung như: Tổ chức Diễn đàn trẻ em ASEAN lần thứ IV tại Việt Nam với chủ đề “Một ASEAN, một tầm nhìn vì trẻ em”, từ ngày 19/6 đến 24/6 tại Hà Nội; Vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để xây dựng các công trình như bể bơi, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em; Vận động trao học bổng, đỡ đầu, trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi tai nạn, thương tích...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO