Ứng dụng công nghệ để khắc phục thiếu nước

Thu Hương (thực hiện) 02/04/2016 07:35

Tình hình nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino khiến nhiều vùng trên cả nước rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới trong nông nghiệp và các nhu cầu khác. Đặc biệt là nước biển xâm nhập mặn và hạn hán ở 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy người nông dân vào tình thế khó khăn. PGS.TS Ngô Văn Mơ- Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) chia sẻ giải pháp để góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước hiện nay. 

PGS.TS Ngô Văn Mơ.

PV: Thưa ông, trong hoàn cảnh hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long, có ý kiến cho rằng việc tiết kiệm một khối nước sẽ dễ hơn là tìm thêm một khối nước?

PGS.TS Ngô Văn Mơ: Đúng vậy. Không phải riêng đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt mà nhiều vùng ở nước ta cũng rơi vào hoàn cảnh này. Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích lưu vực sông lớn nhưng Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế IWRA xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4.000 m3/năm.

Cụ thể, năm 2015, lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam chỉ có 3.850 m3. Về nước dưới đất, tổng sản lượng sản sinh trung bình hàng năm của các tầng chứa lước là 63 tỉ m3, so với thế giới là ở mức dưới trung bình. Tây Nguyên, một trong ba khu vực tập trung lượng nước dưới đất nhiều nhất cả nước, năm 2015 có đến trên 95.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục ngàn người thiếu nước sinh hoạt.

Điều đó cho thấy thay vì trông chờ vào tự nhiên, chúng ta cần tập trung phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển.

Cụ thể, có những công nghệ nào chúng ta cần tập trung nghiên cứu, thưa ông?

- Tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay nói riêng và nhiều vùng thiếu nước ngọt khác nói chung, cần xác định việc tiết kiệm nước dễ áp dụng nhất, nhanh nhất chính là việc áp dụng phương pháp tưới hiệu quả trong trồng trọt. Bởi theo tính toán, 74-85% nước ngọt hiện nay được dùng cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện trên thế giới hiện có nhiều công nghệ tưới tiết kiệm nước hiệu quả. Như công nghệ vi tưới sử dụng áp lực thấp, bao gồm tưới nhỏ giọt, tưới phun, tưới ngầm, tưới sủi và hệ thống ứng dụng chính xác nguồn năng lượng thấp LEPA. Trong đó, kỹ thuật tưới nhỏ giọt được áp dụng rộng rãi trên các cánh đồng ở Israel, Mỹ, Australia, Italia… giúp tiết kiệm tới 90% - 95% lượng nước tưới so với phương pháp tưới truyền thông trước đây là tưới cho đất thay vì tưới cho cây.

Israel là quốc gia đi đầu trong sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Tất cả các cây trồng đều được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Chất dinh dưỡng theo các ống dẫn nước tới từng gốc cây, gốc ray và được tưới bón nhỏ giọt tùy theo từng loại cây củ quả bởi một phần mềm điều khiển tự động sau khi đã nạp đủ thông tin về độ ẩm không khí, đất đai, tuổi và nhu cầu tăng trưởng của từng loại cây. Hệ thống này tự động đóng mở van khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định thông qua các cảm biến điện tử.

Ở Việt Nam, hệ thống tưới tiết kiệm nước ở mức thấp, đơn giản là tưới trực tiếp và tận gốc cây trồng do trường ĐH Thủy lợi thiết kế, xây dựng đã được áp dụng thử nghiệm trên quy mô hơn 200ha từ năm 1993 đến 1995 tại Nghệ An. Từ thành công của thí điểm này, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã được triển khai ở một số nông trại canh tác cà phê ở Đăk Lăk, Lâm Đồng, Sơn La… Tuy nhiên, hạn chế của hệ thống là độ bền và tuổi thọ chưa cao do thiết bị đường ống không được sản xuất chuyên dùng.

Cần khắc phục những nhược điểm này và tiếp tục nghiên cứu phát triển công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng nông, lâm nghiệp. Điều này đã được đưa vào Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Vấn đề cải tạo nguồn nước ngọt từ nước biển cụ thể ra sao, thưa ông?

- Để lọc nước biển hiện nay có hai công nghệ phổ biến trên thế giới là công nghệ màng lọc hóa học với kích thước lỗ cỡ 10-20 nm, tương đương 1/3.000 sợi tóc. Giá thành để áp dụng công nghệ này hiện là 1USD/m3 và dự báo trong 5 năm tới có thể giảm tới 0,8-0,5USD/m3. Ngoài ra, công nghệ mô phỏng sinh học được nghiên cứu ở Singapore với việc xây dựng nhà máy khử mặn nước đầu tiên năm 2005.

Hiện các tổ chức đầu tư xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, áp dụng công nghệ khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt có quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên và với hộ gia đình là từ 01m3/ngày đêm trở lên để sử dụng cho mục đích sinh hoạt đối với các vùng bị xâm nhập mặn sẽ được hưởng ưu đãi về vay vốn, miễn giảm thuế từ Chính phủ theo Nghị định số 54/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/8/2015.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng công nghệ để khắc phục thiếu nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO