Xuất khẩu lao động: Hệ lụy của việc vô kỷ luật, không về nước đúng hạn

Anh Tuấn 25/07/2018 08:10

Thanh Hóa là một trong những tỉnh từng xếp tốp đầu trên cả nước về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang thị trường Hàn Quốc theo chương trình EPS. Song đây cũng chính là một trong những địa phương đứng top đầu về số lao động (LĐ) thay đổi chỗ làm việc vô kỷ luật, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng đã ký kết.

Xuất khẩu lao động: Hệ lụy của việc vô kỷ luật, không về nước đúng hạn

Nhu cầu xuất khẩu lao động vẫn gia tăng.

Gần 1.300 người cư trú bất hợp pháp

Năm 2018, Thanh Hóa có 5 huyện, thành phố bị tạm dừng tuyển chọn LĐ đi làm việc theo chương trình EPS tại Hàn Quốc. Nguyên nhân là do tỉnh này hiện đang có tới gần 1.300 LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn và Nga Sơn, TP Thanh Hoá là những địa phương có số LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao nhất.

Thực trạng LĐ người Thanh Hóa bỏ trốn sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc diễn ra trong nhiều năm qua. Chính quyền các cấp từng đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nhưng tính hiệu quả không cao. Điều này dẫn tới hệ luỵ, làm mất đi cơ hội của hàng trăm LĐ khác có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc.

Chưa dừng lại, lao động “chui”, “nhảy” việc ở Hàn Quốc luôn phải đối mặt với những bất trắc, rủi ro trong quá trình mưu sinh, thậm chí có người phải đánh đổi bằng cả tính mạng nơi đất khách. Gia đình ông Đỗ Văn Trá, trú thôn 7, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn có người con trai tên Đỗ Văn Sáng đi làm việc tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng lao động và đáng lẽ phải về nước từ tháng 5/2016, nhưng đến nay anh Sáng vẫn đang ở lại Hàn Quốc làm việc “chui lủi”. Lý do anh Sáng chấp nhận rủi ro là bởi anh nghĩ nếu trở về nước, muốn tái XKLĐ thì phải làm lại thủ tục tốn kém, mất thời gian.

Cũng tại thôn 7, xã Đông Minh còn có anh Phan Xuân Hùng đang LĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ tháng 10/2017 đến nay. Chị Lê Thị Hà (vợ anh Hùng) cho biết: Các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên đến gia đình tuyên truyền về những hệ lụy của việc cư trú bất hợp pháp. Chị Hà nói: “Tôi cũng đã nhiều lần liên lạc động viên chồng, nhưng anh ấy không chịu về. Anh ấy bảo, ở lại làm ngoài kiếm thêm sau này lập nghiệp. Anh Hùng bảo, về nước rồi sẽ không còn cơ hội đi tiếp do sắp hết tuổi lao động”.

Ông Lê Văn Niêu, trú đội 1, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa hiểu rõ quy định của pháp luật nên đã rất nhiều lần ông gọi điện sang cho con trai Lê Văn Bình đang làm việc tại Hàn Quốc. Có lần anh Bình nghe máy và hứa sẽ về, nhưng đến nay vẫn chưa chịu hồi hương. Ông Niêu tâm sự: “Con mình cư trú bất hợp pháp ở nước bạn khó tránh khỏi sự truy quét của cảnh sát, có thể sẽ bị bắt giữ và trục xuất về nước bất cứ lúc nào và không được nhận lại khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng mà còn bị nước sở tại phạt tiền”.

Bài toán khó

Hàng nghìn LĐ Thanh Hoá đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang thách thức pháp luật, tạo rào cản, làm mất cơ hội của những lao động khác muốn sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Đáng nói, có rất nhiều LĐ đã học xong tiếng Hàn, nhưng hiện nay không được tham gia dự tuyển khiến cuộc sống của gia đình họ trở nên vô cùng khó khăn. Anh Trần Đình Quang, xã An Nông, huyện Triệu Sơn quyết định chọn con đường XKLĐ sang Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp THPT.

Từ đó, gia đình vay mượn tiền để cho đi học tiếng Hàn với mong sẽ được trúng tuyển sang Hàn Quốc làm việc. Song hiện tại, huyện đang bị tạm dừng tuyển vì vậy anh Quang đành phải đi tìm công việc khác mưu sinh trong tâm trạng thấp thỏm đợi chờ.

Hiện UBND tỉnh Thanh Hoá đang yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để tuyên truyền, vận động LĐ cư trú bất hợp pháp về nước; tập trung cao cho việc tuyên truyền, vận động đối với 66 LĐ phải về nước trong 6 tháng cuối năm 2018. Sở LĐTB&XH Thanh Hoá cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc áp dụng đối với LĐ về nước đúng thời hạn và các biện pháp xử lý đối với LĐ cư trú bất hợp pháp, LĐ bỏ trốn, vi phạm hợp đồng.

Sở này cũng tập trung theo dõi, cập nhật tình hình LĐ gần hết hạn hợp đồng để phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động đưa con em về nước; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh xử phạt LĐ bỏ trốn, LĐ vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn thuộc vào ý thức tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật giữa hai nước của NLĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động: Hệ lụy của việc vô kỷ luật, không về nước đúng hạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO