Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe và Xã hội lần thứ 3 do Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội tổ chức trong hai ngày 29,30/11 tại Hà Nội. Hội nghị có chủ đề: “Nạn nhân hay tội nhân: Các rào cản về văn hóa và thể chất trong việc giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam”.
Các bạn sinh viên với những khẩu hiệu, thông điệp tại hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội.
Phát biểu tại hội nghị bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, bạo lực tình dục hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp. 73% thủ phạm là người quen. Bạo lực tình dục là một tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm. Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Hơn nữa, các con số thống kê cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tình dục. Bạo lực tình dục và hậu quả của nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của phụ nữ. Nạn nhân bị hiếp dâm sẽ gặp những rối loạn tâm lý sau chấn thương, hoặc những khó khăn về tâm lý khác như trầm cảm, lạm dụng thuốc, hay có ý nghĩ tự tử.
Thực tế từ năm 2011 – 2016 có 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo; 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có cả những em bé chỉ mới 2 tuổi; 60% nạn nhân từ 11-25 tuổi; Gần 50% nạn nhân trên 40 tuổi, trong đó có những cụ bà đã 85 – 86 tuổi; 32% là các vụ bạo lực kép; nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, bị hành hung, thậm chí bị giết; 13,5% là các vụ cưỡng hiếp tập thể; có 87% nạn nhân trong số 2.000 người được khảo sát tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã từng bị quấy rối tình dục ở khu vực công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Hội nghị có 3 phiên toàn thể và 9 phiên thảo luận song song đề cập tới chủ đề bạo lực tình dục từ nhiều góc độ đa dạng, đi sâu vào nhiều nhóm chủ đề như nạn nhân của bạo lực tình dục (trẻ em, vị thành niên, người đồng tính, song tính và chuyển giới), địa điểm của bạo lực tình dục (trong gia đình, tại nơi làm việc, tại địa điểm công cộng), giáo dục giới tính và tình dục trong trường học, bạo lực tình dục và phòng chống HIV hay các sáng kiến và mô hình phòng ngừa bạo lực tình dục...