Mặt trận

Bài 2: Gỡ những nút thắt cho vùng đồng bào phát triển

Lê Khánh, Việt Thắng 27/11/2023 10:05

Là ĐBQH các khoá XIV, XV, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là người gắn bó với công tác dân tộc, miền núi nhiều năm. Cá nhân ông từng nhiều lần chất vấn trước Quốc hội về những bức xúc, khó khăn mà đồng bào dân tộc miền núi đang phải đối mặt. Để thực sự cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “cất cánh” theo ông Thành phải tháo gỡ những nút thắt.

go-nut-that_1.jpg

Là ĐBQH các khoá XIV, XV, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là người gắn bó với công tác dân tộc, miền núi nhiều năm. Cá nhân ông từng nhiều lần chất vấn trước Quốc hội về những bức xúc, khó khăn mà đồng bào dân tộc miền núi đang phải đối mặt. Để thực sự cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “cất cánh” theo ông Thành phải tháo gỡ những nút thắt.

go-nut-that_5.jpg
go-nut-that_2.jpg

Thưa ông, từ quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), cá nhân ông thấy có những “điểm sáng” nào?

Ông Nguyễn Lâm Thành: Thứ nhất lần đầu tiên chúng ta có một Nghị quyết riêng của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719). Trong quá trình thực hiện, chương trình đã ban hành được nhiều nội dung, chính sách. Đặc biệt cam kết được vấn đề nguồn lực vốn là điểm yếu mà trước kia các chương trình mục tiêu quốc gia không bố trí được đủ. Nhưng lần này, Chương trình đã bố trí đủ.

Thứ hai, Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc thực hiện chương trình, để phối kết hợp với hai chương trình mục tiêu quốc gia khác là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

dong-bao-dan-toc_010.jpg
"Bộ mặt" nông thôn Yên Bái thay đổi nhờ Chương trình 1719.

Thứ ba, các địa phương rất đón nhận chương trình này với tinh thần chuẩn bị cho sự phát triển, kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế xã hội gắn với giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ tư, Quốc hội cũng song hành cùng với Chính phủ để thực hiện một mục tiêu lớn về chính sách dân tộc. Theo đó, cơ chế tổ chức thực hiện đã có sự phân cấp nhiều hơn cho địa phương. Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia thì đặc biệt với Chương trình 1719 cơ chế quản lý cũng có sự phân cấp nhiều hơn trong việc quyết định các nội dung chính sách, bảo đảm tính phù hợp trong quá trình thực hiện. Đó là những tích cực đáng ghi nhận.

Vừa qua, qua giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề cập đến nhiều khía cạnh đạt được của Chương trình, cá nhân ông thấy những kết quả đạt được đã đánh giá khách quan đầy đủ hay chưa?

Cá nhân tôi thấy rằng, kết quả báo cáo giám sát đã đánh giá khách quan về thực trạng, kết quả thực hiện đến giai đoạn hiện nay. Đặc biệt đã chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân, đặc biệt nhiều vấn đề liên quan đến bản chất của chương trình dân tộc thiểu số và miền núi. Những vấn đề đó được xem xét đánh giá rất kỹ qua giám sát dưới góc độ của các cơ quan của Quốc hội, các chuyên gia, và sự tham gia của các địa phương tham gia cùng Đoàn giám sát. Kết quả giám sát cũng tương đối đồng nhất với đánh giá của Chính phủ. Sau khi có ý kiến của Đoàn giám sát thì Chính phủ cũng đồng ý với các đánh giá, nhận xét của Đoàn giám sát được nêu trong báo cáo.

Tôi nói ví dụ ngay trong thảo luận về giám sát thì trong 35 ý kiến phát biểu đều nói lên nhiều vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719. Qua đó đánh giá rất cao và đồng nhất ý kiến với báo cáo giám sát.

Tham gia ĐBQH nhiều khoá và ứng cử tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau tại các tỉnh, hiện ở cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cá nhân ông thấy “bộ mặt” của vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi thế nào từ khi có Chương trình 1719?

Thực ra nó được tác động từ các chương trình từ trước đây. Ví dụ như trước đây là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) từ năm 1997 và một số chương trình chính sách khác như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi và đời sống nhân dân. Có thể khẳng định Chương trình 1719 đã đạt được những thành tựu, kế thừa từ các chương trình trước đây và hiện nay chương trình này đang tạo được sự thay đổi rất lớn.

dong-bao-dan-toc_006.jpg
Nhờ vốn Chương trình 1719, bà con dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, do được tích hợp từ nhiều chương trình nên đến đến nay các văn bản hướng dẫn mới được hoàn thiện. Dù đã được sửa nhưng thực tế vẫn còn những vướng mắc. Việc ban hành văn bản hướng dẫn bị chậm và bị sửa đổi bổ sung. Rồi vướng mắc giữa các địa phương cho nên tác động cũng mới chỉ là kết quả bước đầu của giai đoạn 2021-2025.

go-nut-that_3.jpg

Thưa ông, việc giải ngân chậm ảnh hưởng thế nào đến tính hiệu quả của Chương trình 1719?

Việc giải ngân chậm có 3 vấn đề. Thứ nhất là việc Chính phủ trình Quốc hội để phân bổ tổng nguồn bị chậm. Tháng 5/2022 mới trình Quốc hội việc phân bổ. Đồng nghĩa với việc cuối năm mới phân bổ xuống địa phương. Chưa kể còn phân bổ xuống cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nữa.

Thứ hai, hệ thống văn bản hướng dẫn rất nhiều nhưng cũng chậm ban hành, hay ban hành không phù hợp nên gây ách tắc ở các địa phương như vấn đề vốn nhà ở, đầu tư công.

dong-bao-dan-toc_011.jpg
Đồng bào dân tộc đã được chăm sóc y tế tốt hơn nhờ nguồn vốn Chương trình 1719 xây thêm Trạm Y tế. Ảnh tại tỉnh Hòa Bình.

Thứ ba, phân bổ các chương trình tiểu dự án chưa thực sự hợp lý giữa các địa phương, giữa các nguồn lực.

Thứ tư có yếu tố khách quan do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Việc giải ngân, phân bổ trải qua nhiều khâu, nhiều nấc, đặc biệt liên quan đến các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của Trung ương và địa phương. Nhiều dự án nhỏ, lẻ khiến giải ngân bị chậm.

Đặc biệt là vốn sự nghiệp giải ngân được rất ít. Bước đầu chúng ta mới giải ngân được vốn đầu tư, các công trình có thể giải ngân được. Chứ vốn sự nghiệp hầu như là “tắc” chứ không phải chậm. Đây là vấn đề làm ảnh hưởng đến kết quả chương trình, trong khi vốn sự nghiệp của chương trình này tương đối nhiều vì có nhiều dự án và tiểu dự án. Đến nay có những cái chưa được hướng dẫn, còn lúng túng, nên giải ngân đang bị chậm.

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện theo ông do yếu tố chủ quan, khách quan, hay do quá trình tổ chức thực hiện?

Theo tôi là do yếu tố chủ quan là chính. Các văn bản chung cũng bị chậm, dẫn đến văn bản riêng, cụ thể, chi tiết cũng bị chậm theo. Chủ trương đúng nhưng chuyển về địa phương thì có nhiều văn bản địa phương phải làm để triển khai thực hiện. Tuy nhiên không có định hướng “khung” dẫn đến địa phương cũng lúng túng, quy trình thực hiện ban hành văn bản ở địa phương cũng tốn thời gian là bước chậm thứ hai. Chậm Trung ương rồi lại chậm ở địa phương là chậm ở cả 2 khâu.

Bên cạnh đó, các quy định của chính sách có cái chưa phù hợp nên địa phương không áp dụng, triển khai được. Trong tình hình hiện nay khi công tác thanh tra, kiểm tra nhiều thì lại càng sợ, không dám làm. Quan điểm không rõ là không dám triển khai. Vì thực tế nhiều tỉnh đã làm trước nhưng đến khi kiểm toán vào đòi xuất toán thì “cái nọ lại nhằng cái kia”.

Năng lực thực tiễn của đội ngũ ban hành văn bản chính sách cũng thiếu, lỗi từ ngay khâu thiết kế chương trình. Địa phương, lỗi nằm ở khâu tổ chức, thực hiện. Chưa kể dự án nằm ở vùng dân tộc, miền núi thì phân tán, nhỏ lẻ và thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, đi lại, thông tin khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, năng lực cán bộ còn ở mức độ. Với “rừng” văn bản của Trung ương như thế thì quả thật là khó triển khai. Cho nên do nhiều yếu tố tác động.

Và giám sát của Quốc hội lần này sâu hơn nên chỉ ra nhiều vấn đề. Trước kia là cố hữu nhưng không ai nói.

Vậy theo ông cần giải pháp nào để khắc phục hạn chế giúp Chương trình 1719 phát huy hiệu quả trong thời gian tới?

Thứ nhất, cần thay đổi cách tiếp cận xây dựng chính sách, chương trình bảo đảm tính đồng bộ. Thống nhất nhưng phải xác định được các nội dung cụ thể, phù hợp, đặt vào các nhiệm vụ trọng tâm chứ đừng “ôm” quá nhiều. Bởi liên quan đến 23 bộ, ngành.

Thứ hai, các cơ chế quản lý phải phù hợp, vấn đề nào của Trung ương thì Trung ương phải định hướng, ra chính sách khung. Còn địa phương sẽ cụ thể hoá để phù hợp với tình hình địa phương.

Thứ ba các quy định về định mức chính sách phải phù hợp để bảo đảm tính khả thi, vì rất nhiều định mức chính sách rất thấp, các vấn đề liên quan đến thủ tục, rồi cơ chế quản lý tài chính. Vì Nghị quyết 120 của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải xây dựng một cơ chế đặc thù cho tổ chức quản lý, và chỉ đạo thực hiện đối với chương trình này.

Sắp tới cần thiết kế lại chương trình mang tính tổng hợp trên nguyên tắc phải rõ nội dung và đảm bảo tính khả thi. Đơn giản hoá các quy trình thủ tục trên cơ sở tăng cường phân cấp cho địa phương và tăng cường sự tham gia của cộng đồng và người dân. Định hướng chính sách phải theo hướng như vậy. Phải đảm bảo tiến độ thời gian, xử lý được độ trễ thời gian trong việc triển khai chương trình đối với dân tộc miền núi. Bởi vì quy trình thực hiện sẽ lâu hơn vì các khung về quản lý phải đảm bảo tính đặc thù hơn.

Nhiều ý kiến đã đề nghị việc phân cấp phân quyền để các địa phương chủ động hơn. Quan điểm của ông thì sao?

Chuyện phân cấp là đúng nhưng phải phân cấp phù hợp. Có những việc thuộc Trung ương thì Trung ương phải ban hành “khung” định mức đối với khung chính sách, các mục tiêu và các khung về các định mức và tiêu chí, ban hành tiêu chí và các định mức khung về chính sách. Còn các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để bố trí, và cụ thể hoá chính sách.

Hay nguồn lực phân bổ vốn chỉ một số nội dung cơ bản được phân bổ chính thôi. Còn lại sẽ phải giao quyền cho địa phương trong một số nội dung. Đặc biệt, liên quan đến dự án phát triển kinh tế xã hội, sản xuất, các hoạt động tăng thu nhập, sinh kế nên trao quyền cho địa phương thì mới có thể thực hiện hiệu quả hơn và lồng ghép được. Chứ hiện nay đang vướng, phân bổ vốn hiện nay không lồng ghép được các nguồn vốn liên quan.

Thứ nữa, cần tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ tại cơ sở từ cấp huyện, cấp xã, và đặc biệt là người dân để tham gia vào quá trình đó. Bởi chương trình dân tộc miền núi thì vai trò của người dân và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Chính sách phải hướng đến những cái đó. Phải tăng cường năng lực cho cán bộ để người ta tổ chức, triển khai thực hiện. Còn Nhà nước chỉ giữ vai trò hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp, các nhà khoa học vào trong quá trình đó. Nhà nước phải tạo nhiều quỹ, như kiểu dạng Quỹ đầu tư phát triển. Và giao nhiệm vụ trọn gói để cho các địa phương chủ động, bố trí trên cơ sở, nhu cầu của mình.

go-nut-that_4.jpg

Thực tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu cán bộ có năng lực nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện. Do đó yếu tố cần quan tâm là thu hút và tăng cường đào tạo cán bộ giỏi cho vùng này, thưa ông?

Đúng vậy. Năng lực cán bộ có mức độ nhưng điều kiện đi lại, triển khai nhiệm vụ lại rộng và khó khăn trong khi văn bản chính sách của ta lại “cứng”, phức tạp. Cho nên ban hành văn bản chúng ta càng phải đơn giản, tránh phức tạp. Phức tạp càng làm cho họ bị “đuối” hơn; nếu chính sách phù hợp thì họ sẵn sàng phát huy được. Đây là lỗi thuộc về cơ chế chính sách là chính. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì phải có cơ chế quản lý, phù hợp.

Càng đơn giản thì càng dễ thực hiện. Bày “vẽ” ra hàng loạt cơ chế ràng buộc, cuối cùng sẽ làm triệt tiêu hết các động lực phát triển. Nó không phát huy được tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của địa phương, cơ sở.

Vậy theo ông làm sao để cho bà con “cần câu” thay vì “con cá”, và quan trọng để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỉ lại sự hỗ trợ của chính sách?

Thực tế người dân ai cũng muốn thoát nghèo. Có điều họ có thực sự thoát được nghèo được không? Người dân không lo thì sao họ tồn tại được? Vì chính sách hỗ trợ của ta chỉ được phần nào thôi. Cái tác động nhiều nhất chính là vấn đề hạ tầng, xã hội. Đây là cái Nhà nước phải tạo cho người dân. Còn sinh kế là cái người dân lo là chính. Vấn đề tốt nhất là vốn tín dụng, phương pháp quản lý, kết nối, mở các thị trường sản xuất hàng hoá, đưa khoa học công nghệ vào - đó chính là vai trò của Nhà nước, Nhà nước phải làm chứ người dân không lo được. Nhà nước làm tốt các vấn đề đó, tạo điều kiện cho người dân thì dần dần mọi thứ sẽ tự đẩy lên.

Các kiến nghị mà Đoàn giám sát kiến nghị, theo ông đã thực sự phù hợp?

Đoàn giám sát đã kiến nghị với từng dự án, từng chương trình. Giàu nghèo luôn là quy luật trong phát triển. Ở vùng khó khăn bao giờ cũng bị tụt hậu hơn. Yêu cầu phát triển cần phải nâng lên trong từng giai đoạn. Có điều cách tiếp cận, xử lý tập trung vào nội dung nào cần ưu tiên ở từng giai đoạn để xử lý cho phù hợp, không “bỏ ai lại phía sau”, “không để người dân thiếu cơm nhạt muối”. Vùng khó khăn thì càng phải được quan tâm nhiều hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ như: Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I: 2021-2025) để triển khai đầy đủ cơ chế, nguyên tắc, nội dung chính sách trong các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư thực hiện các Chương trình; Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi; tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng mức vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn nông thôn.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Gỡ những nút thắt cho vùng đồng bào phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO