Mới đây, đoạn video gần 2 phút ghi lại cảnh các học sinh mặc áo đồng phục, đeo khăn quàng đỏ đang thay nhau đấm, đạp, dùng gối thúc vào bụng không thương tiếc một nam sinh khiến em này ngã dúi dụi đã gây phẫn nộ cho nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Không thể tin nổi, đây là cách mà các em học sinh đối xử với nhau.
Đau đớn hơn khi nam sinh chạy ra bục giảng, các bạn học khác tiếp tục lao theo và đấm, đạp hội đồng vào người vào đầu khiến nam sinh không đủ sức đứng lên mà chỉ ôm đầu tránh né trận đòn tập thể dã man ngay trong lớp học. Điều đáng lo ngại là hành động côn đồ của học sinh diễn ra ngay trong lớp học nhưng không một giáo viên nào hay biết.
Được biết, vụ việc này xảy ra tại Trường THCS Nghĩa Trung (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Nhà trường đã triệu tập 8 học sinh liên quan và phụ huynh đồng thời báo cáo sự việc lên công an xã để phối hợp xử lý.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thái Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Trung xác nhận, sự việc xảy ra tại trường mình vào ngày 12-2. Tham gia vào clip đánh nhau này có 8 em đều là học sinh của trường.
Trong đó, nam sinh bị đánh là em Nguyễn Hà T, học sinh lớp 7A. Cũng theo ông Sơn, trước mắt, nhà trường đang phối hợp với cơ quan công an điều tra, tìm hiểu xem mức độ vi phạm của từng học sinh ra sao, để có hình thức xử lý thích hợp.
Dựa theo kết quả điều tra để xử phạt nhưng với tinh thần răn đe, giáo dục là chính vì các em còn nhỏ tuổi, hành động còn bột phát.
Dư luận dù vô cùng đau lòng và phẫn nỗ với hành động có tính côn đồ của nhóm học sinh kia nhưng nhìn chung đều đồng tình với cách giải quyết của nhà trường, hóa giải xung khắc, hận thù bằng tình yêu thương qua sự phối hợp sâu sắc giữa nhà trường và đình, xã hội để các em ý thức về hành động và những hậu quả của hành động bạo lực đó.
Như các chuyên gia tâm lý phân tích thì trong đời người, tuổi dậy thì là lứa tuổi chịu nhiều những biến đổi khó khăn và phức tạp nhất, do đó, dễ bị khủng hoảng hành vi.
Trẻ có thể bị tác động chỉ từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi và gây nên những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, trộm cắp,…
Số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày)...
Trong những năm gần đây, dư luận xã hội lên tiếng khá nhiều về bạo lực học đường, với những lo ngại về sự đa dạng và mức độ nguy hiểm của hành vi này.
Song dường như, việc hạn chế bạo lực học đường, xử lý những lỗi lầm của trẻ như thế nào để chúng biết sửa chữa, từ đó biết yêu thương, giúp đỡ nhau hơn vẫn đang là bài toán khó của ngành giáo dục…