Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

Hải Đăng 18/10/2015 09:05

Số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Bạo lực học đường đang trở thành mối quan tâm, lo lắng của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội. 

Bạo lực học đường cần phải được xóa bỏ. (Ảnh minh họa).

Những vụ việc không đáng có

Mới đây, ngày 10/10, tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang một học sinh lớp 12 bất ngờ đá trúng mặt một nam học sinh lớp 11 khiến học sinh này ngã về phía sau, đập đầu vào tường và ngất xỉu. Dù được nhà trường đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng học sinh này đã tử vong, vĩnh viễn mất đi quãng đời học sinh tươi đẹp.

Chuyện đau lòng chưa lắng xuống, chỉ vài hôm sau, ngày 13/10, trước cổng Trường THCS thuộc xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nam sinh Nguyễn Văn Thắng (17 tuổi) đã xảy ra xô xát với Dương Văn Tiến và Dương Quang Long, cùng 15 tuổi là học sinh trường Trung cấp nghề Việt Xô, số 1 Xuân Hòa -Vĩnh Phúc. Trong lúc xô xát, Long đã dùng dao đâm Thắng 2 nhát dẫn đến tử vong...

Chuyện học sinh đánh nhau có vô số nguyên nhân, đáng ngại nhất những vụ dẫn đến mâu thuẫn chỉ vì những chuyện vô cùng nhỏ nhặt như lỡ bước qua mặt, vô tình dẫm vào chân bạn, hay đôi khi chỉ là nhìn “đểu” nhau. Thậm chí cả cán bộ lớp cũng bị đánh.

Nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Gấm - học sinh lớp 10E trường THPT Trung Giáp (khu 5, Trị Quận, Phù Ninh, Phú Thọ) kể trong nỗi khiếp sợ: “Chiều 19-3, trường tổ chức giải bóng chuyền, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, nên chúng em có mặt ở sân trường. Bỗng nhiên, có 4 bạn đi trên một chiếc xe máy đến gọi em ra cổng để “hỏi chuyện” về bạn Duyên (Nguyễn Thị Mỹ Duyên, học cùng lớp với Gấm). Chưa kịp nói gì, em bị các bạn túm tóc, giật đứt hết cúc áo, tát tới tấp. Thấy máu chảy ướt hết cánh tay áo của em thì các bạn mới bỏ đi…”.

Được biết, nguyên nhân là do mấy ngày trước đấy Duyên trực nhật bẩn nên bị Gấm ghi vào sổ theo dõi. Sau đó, Duyên đã đem chuyện này kể với bạn của mình ở trường khác nhờ “dạy” cho Gấm một bài học.

Gia đình, nhà trường, xã hội - yếu tố nào quan trọng?

Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết những điều gì sẽ xảy ra khi con học ở trường. Sáng đưa con đến trường khỏe mạnh, lành lặn, bỗng nhiên một ngày nào đó nhận được tin con đánh nhau, bị bạn đâm chém ở trường … Phải làm thế nào đây ?

Xung quanh các vụ việc học sinh đánh nhau, nhìn chung ban giám hiệu các trường đều vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, tiến hành phân tích cho gia đình và giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh. Với các trường hợp nghiêm trọng có thể đình chỉ học tập một thời gian và hạ xếp loại hạnh kiểm..

Về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Văn Mốt- Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: Nguyên nhân sâu xa nhất chính là gia đình, nhiều bậc phụ huynh ngày nay thiếu quan tâm giáo dục, uốn nắn lời ăn tiếng nói, tâm tính cho các cháu, phó mặc hết chuyện giáo dục con cho nhà trường. Theo tôi, các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con cái mình. Sau đó mới là sự phối hợp với nhà trường, xã hội.

Đồng quan điểm ấy, thầy giáo Hà Huy Lâm- cựu giáo viên có nhiều năm làm chủ nhiệm lớp có học sinh cá biệt ở Trường THPT Hài Bà Trưng – Đoàn kết (Hà Nội) trăn trở, việc HS hiện nay hay đánh nhau cần phải tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp giáo dục kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. "Theo tôi, nguyên nhân chính là việc buông lỏng giáo dục của gia đình. Con cái là bản sao của bố mẹ và bố mẹ cư xử thế nào thì con sẽ hành xử như vậy. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kiếm tiền đã chật vật nên lơ là đến việc học tập, sinh hoạt và suy nghĩ của con. Nhiều nhà cha mẹ ly hôn khiến các em ít được quan tâm giáo dục và thậm chí có gia đình người lớn trong nhà hay cãi cọ, chửi bới, đánh nhau nên các em bắt chước, hoặc giấu trong lòng sự ấm ức, khi gặp trục trặc gì đó dễ bột phát nóng nảy".

Những nghiên cứu về mặt tâm lý cho thấy, những triệu chứng như hung hãn, những rối loạn về hành vi, thậm chí những hành vi biến thái đều có nguy cơ xuất phát từ những rối nhiễu ở hành vi từ trong giai đoạn đứa trẻ còn nhỏ ở trong gia đình. Có trường hợp cha mẹ nuông chiều con, chỉ biết cho con tiền, còn học hành, đạo đức thế nào mặc kệ. Thậm chí có phụ huynh còn xúi con đánh động thủ khi cần…

Về vai trò nhà trường, như mọi người đều biết, ở cấp THCS thì giáo viên bộ môn dạy hết tiết là xong việc. Còn giáo viên chủ nhiệm một tuần chỉ có mấy tiết dạy và gặp gỡ học sinh, một mình làm sao quán xuyến hết 40 - 50 em ? Chưa kể nếu giáo viên thiếu tâm huyết… Về phía xã hội, theo Thầy Lâm phân tích hiện nay nhiều thanh thiếu niên đang có sự xuống cấp về đạo đức biểu hiện qua tệ nạn nói tục, chửi thề, đánh nhau, bài bạc, hút hít… Đặc biệt, công nghệ giải trí phát triển ồ ạt như hiện nay rất dễ tiêm nhiễm cho lớp trẻ.

Ngoài ra, thầy Lâm còn cho rằng việc xử lý các vụ học sinh đánh nhau của BGH nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đôi khi còn chậm trễ, thiếu tính răn đe.

Chia sẻ vấn đề này, cô Lại Thị Nguyệt Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) phân tích: Kỷ luật nghiêm khắc nhưng vẫn phải nêu cao tình thương và trách nhiệm với các em. Việc kỷ luật HS là giúp học sinh vươn lên chứ không phải vứt các em ra ngoài xã hội. Nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải hiểu rõ hoàn cảnh của học sinh, nắm bắt tâm lý học trò để khuyến khích, tạo điều kiện cho mặt tích cực phát triển, lấn át tiêu cực”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO