Cách đây chưa lâu, một công trình xây dựng lớn trên đỉnh Mã Pí Lèng (Hà Giang) nhận được nhiều ý kiến. Từ đó cho thấy, phát triển du lịch ở miền núi là cần thiết để nâng cao thu nhập, thoát nghèo… nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phải tuân thủ những quy định chung; đặc biệt là phải bảo tồn cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa truyền thống.
Lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ-tu (Quảng Nam) thu hút khách du lịch.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển du lịch tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) chính là “mỏ vàng” nếu biết khai thác. Đây là vấn đề đặt ra từ lâu, nhưng trong quá trình vận động không hẳn đã dễ dàng, nhất là thu hút vốn đầu tư vào vùng địa lý không thuận lợi, sự phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.
Tới nay, du lịch đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế quan trọng ở nước ta. Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn... đang được nhiều nơi áp dụng. Ở miền núi, du lịch cộng đồng cũng từng bước phát triển, trong đó di sản văn hóa chính là tài sản nguồn lực tạo nên sản phẩm du lịch. Theo thời gian, lượng du khách đến với các bản làng ngày một nhiều hơn.
Theo một kết quả nghiên cứu của ngành du lịch thì có tới 90% du khách quốc tế thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người DTTS; 71% du khách muốn được ăn và ngủ ngay tại cộng đồng các làng người DTTS (đặc biệt là ở các điểm du lịch xa trung tâm huyện lị từ 10-20 km thì du khách càng có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng thôn bản); 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm...; 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình.
Như vậy, nói cách khác, muốn phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS thì vai trò của người dân bản địa phải được đề cao, họ phải là nhân tố chính để phát triển du lịch chứ không phải chỉ là người được thụ hưởng một phần nào đó khi tham gia vào “chuỗi giá trị”. Khi các doanh nghiệp đầu tư vốn để phát triển du lịch ở vùng đồng bào DTTS thì cần chú ý một cách đầy đủ yếu tố này, để “cả hai cùng thắng”, nếu không sẽ không bền vững. Mặt khác, nguy hiểm hơn, là rất dễ đưa tới nguy cơ làm biến mất những giá trị truyền thống của một cộng đồng, một vùng đất.
Biểu diễn văn nghệ tại bản du lịch cộng đồng Khe Rạn (Nghệ An).
Nói như Tiến sĩ Trần Hữu Sơn thì du lịch miền núi là sự kết hợp của 4 nhóm nhân tố: Du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cư dân bản địa, chính quyền cơ sở. 4 yếu tố này luôn quan hệ khăng khít với nhau. Trong đó chính quyền cơ sở là đầu mối nhằm quản lý các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, sinh hoạt...; có quyền thống nhất về giá cả nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bắt chẹt từng hộ gia đình, ép các hộ gia đình giảm giá để thu lợi ích riêng của doanh nghiệp.
Về bản chất, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên của cộng đồng, do cộng đồng chủ động tham gia xây dựng sản phẩm quản lý và vì lợi ích của cộng đồng. Tất nhiên cũng phù hợp với lợi ích của nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, nơi nào phát triển du lịch cộng đồng mà người dân bản địa được coi trọng, vai trò của chính quyền cơ sở rõ ràng thì nơi phát triển tốt: Trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch thì người dân được hưởng lợi, địa phương được hưởng lợi, doanh nghiệp thuđược lợi nhuận và văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn. Có thể thấy được điều đó qua thành công của các điểm du lịch vùng đồng bào DTTS ở bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); ở bản Dền (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); bản Áng (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); bản Mển, Phiêng Lơi (tỉnh Điện Biên)... Tại những nơi này, số hộ nghèo trong xã, bản giảm nhanh, do nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cao gấp từ 5-10 lần so với các hộ không làm du lịch.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững khu vực miền núi đòi hỏi cộng đồng các DTTS ở các điểm du lịch phải bảo vệ được bản sắc văn hoá dân tộc. Vì bản sắc văn hoá không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản sản xuất ra các sản phẩm du lịch. Đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc thì điểm du lịch đó sẽ lụi tàn không còn sức hấp dẫn du khách. Nhưng muốn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc cũng không dễ, trước những nguồn lợi trước mắt do du lịch mang lại.
Ở khía cạnh này, thật đáng lo ngại khi tại một số điểm du lịch miền núi, người ta thấy các sản phẩm chính gốc địa phương đang ngày một ít dần. Thay vào đó là những sản phẩm “nhái” chất lượng thấp, được sản xuất hàng loạt thay vì làm thủ công. Cùng đó, các lễ hội dân gian truyền thống bị “sân khấu hóa”, dàn dựng lại quá “chuyên nghiệp”, nó làm mất đi những gì chân chất, mộc mạc, đôi khi còn dẫn du khách tới chỗ hiểu không đúng về các tập tục. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã phải lên tiếng về thực trạng này và đi đến kết luận: Tuyệt đối không được làm giả các sinh hoạt văn hoá truyền thống chỉ nhằm mục đích thu hút khách du lịch.
Tương tự, theo Tiến sĩ Phan Văn Hùng thì muốn phát triển du lịch ở vùng DTTS và miền núi thì phải bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc. Văn hoá các tộc người ở đây là những nét đặc sắc trong lối sống hoặc văn hoá vật thể như ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà cửa, trò chơi dân gian, lễ hội, tôn giáo; những giá trị của văn hoá cổ các tộc người chắt lọc, lưu truyền qua nhiều thế hệ như hệ thống chùa tháp đặc sắc, văn tự , đồ hoạ... Đặc biệt, phát triển du lịch phải có sự tham gia trực tiếp của đồng bào DTTS và họ phải được hưởng lợi thỏa đáng từ các hoạt động này. Từ đó họ thấy được những giá trị cụ thể của văn hóa truyền thống dân tộc mình, có những hành động thiết thực để bảo tồn những giá trị đó. Có giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các DTTS mới phát triển du lịch một cách bền vững- theo Tiến sĩ Phan Văn Hùng.