Tháng 6/2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, tại TP Nha Trang và TP Hòa Bình. Dịp này, Bộ VHTTDL cũng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND) và Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) coi nghệ nhân dân gian là những “báu vật nhân văn sống”; xác định các nghệ nhân ở lĩnh vực di sản phi vật thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc lưu giữ cũng như trao truyền các giá trị văn hóa.
Ở nước ta, từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định xét tặng danh hiệu NNND và NNƯT (Nghị định số 62 của Chính phủ), tới nay đã chính thức có 3 lần phong tặng danh hiệu. Đó là sự trân trọng những giá trị, tinh hoa của văn hóa truyền thống và cũng là nỗ lực bảo tồn, duy trì văn hóa truyền thống qua những hoạt động vinh danh và trao truyền. Tuy nhiên, ở lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là việc đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian khi tuổi đời của họ ngày một cao, đời sống nhiều người rất khó khăn. Nguy cơ đứt gãy mạch tiếp nối khi những “báu vật nhân văn” mang theo những gì tinh túy ra đi mà không truyền lại được cho con cháu.
Tới nay, cả nước chỉ có 131 NNND và 1.750 NNƯT. Con số đó là quá nhỏ bé nếu chỉ so với riêng lĩnh vực sân khấu (mới) đã có 229 nghệ sĩ nhân dân, 1.208 nghệ sĩ ưu tú (ở thời điểm phong tặng tháng 9/2022).
Từ lâu, câu chuyện “sau vinh danh” được nhiều người nói tới, có người còn coi đó là nỗi niềm với bao trăn trở không chỉ của nghệ nhân mà còn của chính những người làm công tác quản lý nhà nước vì chế độ chưa xứng với danh hiệu. Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình cho biết, nhiều NNND, NNƯT hiện nay tuổi đã cao, thu nhập từ lao động hàng ngày rất bấp bênh, chưa kể nhiều nghệ nhân không may mắc trọng bệnh. Trong khi đó, theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT nếu không chứng minh được thu nhập hiện có thấp hơn mức lương cơ bản hiện hành thì nghệ nhân sẽ không có khoản hỗ trợ nào khác. “Tôi thấy xót xa thay cho các nghệ nhân” - bà Hạnh nói.
Còn theo ông Đào Mạnh Huân - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên, nếu trước đó nghệ nhân là người khuyết tật và được hưởng 525.000 đồng/tháng theo quy định của Nhà nước thì buộc phải bỏ khoản này mới được hưởng chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân, vì theo quy định một người không được hưởng cùng lúc 2 chế độ. Ông Huân trăn trở, không lý gì một nghệ nhân cống hiến cả đời cho văn hóa dân tộc nhưng chúng ta không thể bảo đảm quyền lợi chính đáng cho họ.
Chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân sau khi được phong tặng danh hiệu cao nhất là 1 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, dù có muốn tăng mức hỗ trợ cho NNND, NNƯT lên khoảng từ 1,2 - 2 triệu đồng/tháng nhưng quy định lại chưa cho phép. “Số tiền hỗ trợ tăng thêm này không nhiều nhưng sẽ giúp nghệ nhân vơi đi phần khó khăn trong cuộc sống. Đa phần NNND, NNƯT hiện nay là người lớn tuổi, chưa kể không ít người không may mang trong mình bệnh tật. Họ cũng cần một khoản tiền để an tâm sống ở tuổi xưa nay hiếm, bớt phần vất vả cho con cái. Chưa kể, tăng mức hỗ trợ cũng là cách khích lệ nghệ nhân yên tâm bảo tồn, truyền dạy và lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian” - ông Hải nói.
Nói như một lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh thì cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để địa phương có thể chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ nghệ nhân, tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách trung ương. Số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT ở mỗi địa phương không nhiều nên phương án này có tính khả thi cao. Bà Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem xét lại chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân vì mức hỗ trợ hiện tại gây thiệt thòi cho nghệ nhân.
Còn theo bà Phạm Thị Lan Anh (Phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Hà Nội) thì phần lớn số người thực hiện gìn giữ, trao truyền di sản tuổi đã cao, sức yếu, thu nhập thấp và không ổn định nên đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Một trường hợp được dẫn chứng là nghệ nhân Nguyễn Thị Lan (huyện Quốc Oai), người hơn 40 năm toàn tâm toàn ý góp phần đưa làn điệu hát dô từ nguy cơ thất truyền trở lại đời sống đương đại nhưng chưa nhận được hỗ trợ nào.
“Nhiều nghệ nhân đã qua đời mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ” - bà Lan Anh cho biết.
Còn nhớ, cuối năm 2003, cục Di sản Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) và Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh đã chọn từ “làng quan họ” được 6 nghệ nhân tiêu biểu, đề cử trao tặng danh hiệu cao quý “Báu vật nhân văn sống”. 3 năm sau, danh hiệu cao quý ấy chưa triển khai được thì 2 trong 6 “báu vật” không còn nữa. Khi đề xuất, cụ “trẻ nhất” đã 79 tuổi (cụ Nguyễn Thị Nguyên), còn cụ cao tuổi nhất 103 tuổi (cụ Nguyễn Thị Khiếu).
Hội Lim năm 2017, chúng tôi có dịp ghé lại làng Diềm - được coi là làng thủy tổ quan họ, gặp cụ Ngô Thị Nhi (81 tuổi). Cụ sống một mình, con cái ở chỗ khác. Nhà cụ nghèo, giữa cái lạnh tháng Giêng nhưng cụ vẫn đi chân trần. Chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông Lê Danh Khiêm - Trưởng ban Sưu tầm nghiên cứu quan họ: “Đây là vốn quý của dân tộc, các cụ, các bác không lưu giữ, ôn luyện và truyền dạy là có tội đấy”.
Năm 2015, 39 nghệ nhân mái đầu bạc trắng, lưng còng nhưng vẫn lặn lội từ Phú Xuyên, Thạch Thất, Thường Tín, Đông Anh… về Bảo tàng Hà Nội, nơi diễn ra lễ vinh danh NNƯT của thành phố. Nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn và Nguyễn Thị Khướu (ở thôn Chanh, huyện Phú Xuyên) khi ấy cũng đã bước vào cái tuổi gần 90 phải nhờ cháu nội, cháu ngoại cõng để đến nhận tấm bằng công nhận. Song, cũng từ lần công nhận ấy, nhiều nghệ nhân vẫn gặp khó khăn trong đời sống do chưa nhận được chế độ đãi ngộ thường xuyên. Các câu lạc bộ di sản hoạt động cầm chừng vì không có kinh phí. Được biết, Hà Nội là địa phương có nhiều NNND, NNƯT nhất cả nước và chính sách đãi ngộ cũng được đánh giá cao.