Thời gian qua, người tiêu dùng liên tục chứng kiến những quảng cáo về dịch vụ, sản phẩm không trung thực, thổi phồng tràn lan trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook... Làm thế nào để ngăn chặn quảng cáo sai sự thật qua mạng xã hội và để người tiêu dùng tránh sụp bẫy “tiền mất tật mang”?
Tràn lan quảng cáo không đúng sự thật
Gần đây Sở Y tế TPHCM liên tục xử lý quảng cáo sai lệch trên các nền tảng xã hội, trong đó có việc phát hiện trên kênh Youtube với tài khoản mang tên Vesta Center đăng tải clip giới thiệu công nghệ “giảm béo bằng cấy vi sợi sinh học Insulin”. Nội dung quảng cáo này còn xuất hiện tại trang mạng xã hội Facebook và các poster, standee có nội dung “Vi sợi sinh học Insulin - Top 1 công nghệ hủy mỡ không xâm lấn - Chuyển giao độc quyền từ Tây Ban Nha”... Qua kiểm tra, Sở Y tế TPHCM nhận thấy, việc quảng cáo dịch vụ cấy vi sợi sinh học Insulin để giảm béo của phòng khám là trái phép, hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra yêu cầu đơn vị tháo gỡ các nội dung quảng cáo tại chỗ và trên các nền tảng mạng xã hội.
Không chỉ là những dịch vụ được các tài khoản mạng xã hội phóng đại, nhiều tài khoản còn quảng cáo lố cho một số loại thuốc theo kiểu thần dược làm đẹp. Đơn cử, tài khoản mạng xã hội Facebook Bombit Ehlbio Viet Nam đăng tải nội dung quảng cáo sản phẩm Bombit HSC – Dịch chiết tế bào trung mô tiên phong trên thị trường châu Á. Trong đó, tài khoản này thổi phồng dịch chiết Human - Exosome từ mô mỡ hỗ trợ điều trị sẹo, tái tạo tăng sinh tế bào da, phục hồi da toàn diện. Tương tự, một hộ kinh doanh “JMY Beauty” (6 Nguyễn Quý Cảnh, phường An Phú, TP Thủ Đức) hoạt động lĩnh vực chăm sóc da, nhưng thực hiện quảng cáo trên trang mạng xã hội Facebook “JMY Beauty – Viện trẻ hóa và điều trị nám” với nội dung Phòng khám chuyên khoa da liễu – Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa da liễu hàng đầu Việt Nam – Điều trị và trẻ hóa da công nghệ cao – Dược mỹ phẩm Châu Âu chính hãng, uy tín.
Bên cạnh dịch vụ làm đẹp, thuốc, thực phẩm chức năng... quảng cáo phóng đại tràn lan trang mạng. Ghi nhận có nhiều sản phẩm khác cũng được quảng cáo thổi phồng tại Youtube như: có tài khoản quảng cáo kính lão đọc sách siêu sáng mua 1 tặng 1 chỉ có giá 169.000 đồng. Đặc biệt, độ bền của kính được chủ tài khoản giới thiệu kèm clip lấy búa đập không bể tròng kính.
Làm “sạch sạn” trên không gian mạng
Liên quan đến việc mua, bán thuốc online, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết: Quảng cáo thuốc thông qua các trang mạng xã hội đang ngày càng phổ biến và được sử dụng như một công cụ bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay kinh doanh dược thuốc trên thương mại điện tử chưa được pháp luật công nhận. Việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream là hành vi vi phạm pháp luật. Bà Như thông tin, Thanh tra Sở thường xuyên tiến hành kiểm tra khi có phản ánh việc quảng cáo hoặc bán thuốc qua mạng xã hội hay lồng ghép kiểm tra quảng cáo với chuyên đề thuốc kiểm soát đặc biệt, thuốc dược liệu và nguồn gốc thuốc. Năm 2023, Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 2 cơ sở có vi phạm trong việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, trong đó 1 vụ việc chuyển cơ quan công an. Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, người dân đừng vội vàng sử dụng dịch vụ “giảm béo không xâm lấn” được quảng cáo trên các trang mạng xã hội khi chưa kiểm chứng rõ tính pháp lý trong hoạt động của cơ sở.
Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho hay, có một số doanh nghiệp chưa chấp hành quy định vì lợi nhuận, mặc dù cơ quan chức năng đấu tranh nhưng chưa thể quản lý hết được, trong đó có việc Luật Quảng cáo hiện nay chưa quy định chi tiết về quản lý, cấp phép trên mạng internet hay trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nhân sự quản lý lĩnh vực này đang thiếu hụt, Sở phải phân công rà soát quảng cáo trên mạng cho 5 phòng khác nhau, chứ không có một phòng cụ thể phụ trách.
Ông Thắng cũng cho biết, để quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội “sạch sạn”, TPHCM đã có quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để quản lý. Song song đó, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đưa vào danh sách trắng các trang mạng xã hội, kênh mạng xã hội được công nhận chấp hành đúng các quy định của pháp luật, có giá trị tích cực. Đồng thời, công bố rộng rãi các trang mạng này để các đơn vị quảng cáo có thể thực hiện dựa trên danh sách mà Bộ công bố.
UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động phát hiện, ngăn chặn các thông tin quảng cáo không đúng sự thật, không phù hợp quy định của pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội và có biện pháp xử lý nghiêm có trọng tâm, trọng điểm các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo lĩnh vực khám chữa bệnh.