Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ. Quy chế có hiệu lực từ ngày 18-5 với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. Trao đổi với ĐĐK, TS. Nguyễn Tùng Lâm- chuyên gia giáo dục cho rằng, nên đưa ra quy định nếu sau 5 năm mà TS đó không đóng góp gì thì phải xem lại bằng. Nghĩa là phải có đóng góp thực sự cho nơi sử dụng TS đó, tránh việc tấm bằng chỉ là một sự tự đánh bóng bản thân.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
PV: So với mặt bằng hiện nay chất lượng đào tạo đang có vấn đề, vậy ông nhận định sao về Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ mà Bộ GD-ĐT đưa ra, trong đó có những chuẩn cao hơn?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiện các trường đại học đang đào tạo nguồn nhân lực cho lao động xã hội, nên nâng cao chất lượng tiến sỹ (TS) là đúng. Trong quá trình đào tạo, phải đào tạo ra một đội ngũ thạc sỹ (ThS), TS là những người nghiên cứu sâu, người sáng tạo ra những cái mới. Nhưng hiện nay nhiều khi bằng ThS, TS chỉ là thứ để đánh bóng hồ sơ chứ không đi vào đúng mục tiêu của nó là cầm bằng TS thì phải đóng góp cái gì? Sáng tạo cái gì?
Chúng ta vẫn loay hoay về tiêu chuẩn nọ, tiêu chuẩn kia nhưng quan điểm của tôi là mỗi luận văn phải thực sự sáng tạo, có đóng góp chứ không phải nhặt nhạnh khắp nơi, nhất là chỉ tìm kiếm trên Google rồi xào xáo thành luận văn. Đáng tiếc là cuối cùng hội đồng cũng thông qua. Như thế không phải.
Nếu thế, chúng ta sẽ không bao giờ có được cái gì tử tế, cho nên phải đề cao nâng chuẩn đào tạo TS. Theo tôi cần gỡ mấy nút thắt. Thứ nhất, hội đồng chấm có trách nhiệm gì trong việc cho ra một TS?
Trước hết người học làm TS đã phải có ý thức rồi nhưng quan trọng là hội đồng cho ra TS. Kinh nghiệm các nước là phải gửi đi khắp nơi để bảo vệ luận án TS chứ không phong bì, chạy chọt gì cả. Họ quy trách nhiệm người hướng dẫn là quan trọng số một, rồi mới đến hội đồng phải có trách nhiệm.
Bên cạnh đó phải có một lực lượng phản biện không quen thuộc, được chỉ định một cách rất ngẫu nhiên và người đó được chế độ thích đáng để làm việc phản biện độc lập luận án một cách rất khách quan. Không đủ tiêu chuẩn là họ bác TS, chứ không phải vỗ tay hoan nghênh xuất sắc nhưng tất cả các cái đó về sau lại đóng trong ngăn kéo hết. Cuối cùng chỉ đánh bóng hồ sơ của người đó thôi thì không có ý nghĩa gì hết.
Ông nghĩ sao khi chuẩn đầu vào đối với nghiên cứu sinh là phải có 2 bài viết khoa học trên tạp chí chuyên ngành nước ngoài thể hiện các công trình của mình trước khi vào tham dự xét tuyển?
- Đó là hàng rào để thứ nhất anh phải có ngoại ngữ thì mới viết được bài cho báo nước ngoài. Nhưng thực ra họ có thể thuê người dịch, người viết cũng chẳng sao, có tiền là có thể thuê hết được.
Đó là điều cần phải giám sát chặt chẽ. Nhưng dù sao đó cũng là một rào cản để nâng lên trình độ. Có lẽ nước ta cần đưa ra một quy định là sau 5 năm mà anh không đóng góp gì thì bằng TS của anh phải xem lại, tự bị hủy mới được. Nghĩa là phải có đóng góp thực sự cho nơi sử dụng anh nếu không thì chỉ tự đánh bóng bản thân mà thôi.
Quan trọng nhất là người có bằng TS có đóng góp gì cho xã hội. Cho nên cuối cùng vẫn phải là thực học. Muốn thế, theo tôi phải có cơ chế cách phản biện khác đi, cách chịu trách nhiệm của người hướng dẫn, cách chịu trách nhiệm của hội đồng thẩm định chứ không phải ngồi hội đồng thống nhất với nhau để công nhận.
Ông nghĩ sao khi nguồn nhân lực, chất lượng lao động lại thấp, ít công trình khoa học công nghệ đi vào cuộc sống?
- Hai cái có sự khác nhau. Vai trò của TS là nghiên cứu, làm cái mới, cái có giá trị đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cộng đồng. Còn ai không làm nổi thì không thể nhận cái bằng đó được vì thực tiễn bao giờ cũng rất chính xác. Từ đó dẫn tới việc tuyển chọn, đào tạo cũng phải cẩn thận hơn.
Theo tôi, với người định làm TS, trước tiên phải nghĩ kĩ mình có đam mê, có quyết tâm học thật hay không. Tiếp đó là người hướng dẫn của trường đào tạo đó có đào tạo đúng quy trình không?
Có chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình hay không? Và cuối cùng là các bước công nhận đánh giá luận án TS cần cải tiến để cho nó thật chứ không phải giả dối.
Tôi nhắc lại, theo tôi, thực tiễn là lưới lọc tốt nhất. GS hay TS sau một số năm mà không đóng góp gì thì tấm bằng còn giá trị hay không là vấn đề cần được đặt ra.
Trân trọng cảm ơn ông!