Theo GS Nguyễn Minh Thuyết-Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cần làm hết sức cẩn thận, tránh trường hợp chọn SGK một cách cảm tính, chạy theo “thương hiệu”, đến giữa năm học, học sinh học không nổi, giáo viên kêu ca, phụ huynh phàn nàn thì rất dễ xảy ra “vỡ trận”.
Trước sự quan tâm của các bậc phụ huynh có con sẽ vào lớp 1 năm học tới (2020-2021), năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (GDVN) và NXB Sư phạm Hà Nội (ĐH Sư phạm Hà Nội), NXB Sư phạm TP Hồ Chí Minh (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức các buổi giới thiệu về 5 bộ SGK lớp 1 được Hội đồng Thẩm định quốc gia thông qua.
Cụ thể, từ trước và sau khi Bộ GDĐT công bố danh mục 32 cuốn SGK lớp 1 được sử dụng trong nhà trường từ năm học 2020-2021, hoạt động giới thiệu SGK mới đã được triển khai ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Qua các cuộc hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sơn La, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lào Cai... các thầy cô giáo trực tiếp dạy học ở lớp 1, các cán bộ quản lí giáo dục đã được tiếp cận làm quen với các bộ SGK mới của NXB GDVN.
NXB GDVN đã mời gần 50 lượt các Tổng chủ biên, Chủ biên SGK mới báo cáo về nội dung, phương pháp, cấu trúc của SGK mới để giáo viên có được những thông tin hết sức chi tiết về các bộ SGK mới, có thể đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá về hiệu quả của các bộ SGK mới.
Mới đây nhất, NXB Sư phạm Hà Nội và NXB Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng đã giới thiệu bộ SGK mang tên Cánh diều gồm đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục. Đây là bộ SGK duy nhất vượt qua vòng thẩm định mà không do NXB GDVN và các trung tâm trực thuộc biên soạn. Điều này góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá SGK, xoá bỏ cơ chế độc quyền trong lĩnh vực xuất bản - in - phát hành SGK thông qua quan điểm biên soạn thống nhất, xuyên suốt “Mang cuộc sống vào bài học. Đưa bài học vào cuộc sống”.
Được biết, quyền lựa chọn SGK năm học 2020-2021 sẽ do các trường cân nhắc dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Từ sau năm học này, việc lựa chọn SGK sẽ do UBND các tỉnh quyết định theo đúng Luật Giáo dục (sửa đổi).
Tuy nhiên, trên thực tế việc lựa chọn SGK đối với các trường cũng không phải là việc dễ dàng. Bởi theo quy định, việc chọn SGK phải xong trước tháng 3/2020 để các NXB còn in ấn, tập huấn và giáo viên dạy thử, tìm hiểu về bộ sách.
Ông Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, theo quy định cần tập hợp xin ý kiến của học sinh, phụ huynh để chọn SGK nhưng đó là học sinh nào, phụ huynh nào? Bởi lẽ học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 sớm nhất tháng 8/2020 mới tựu trường. “Không nhẽ hỏi học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5 của năm học hiện tại (2019-2020), số học sinh này chắc chắn không học chương trình tiểu học mới. Vậy hỏi có tác dụng gì?”- ông Khang đặt câu hỏi.
Tương tự khi ý kiến phụ huynh của học sinh lớp 1 học chương trình mới không thể có trước tháng 3/2020. Bên cạnh đó, các trường cũng cho rằng phụ huynh và học sinh đều không có chuyên môn nên để chọn SGK cũng rất khó. Vì vậy, giáo viên sẽ là người giúp hiệu trưởng đưa ra quyết định chọn SGK dùng trong trường mình. Muốn vậy giáo viên cần phải đọc kỹ tất cả các bản SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt. “Hiện nay các trường đều mong sớm có SGK lớp 1 mới để đọc”- ông Khang chia sẻ.
Liên quan đến việc chọn sách, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, từ trước đến nay, các phòng, sở giáo dục vẫn quen chỉ đạo theo 1 SGK nên dễ xảy ra trường hợp địa phương muốn cả tỉnh chọn 1 bộ SGK nhất định cho dễ chỉ đạo. “Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng sẽ có những tác động vật chất không tiện nói khiến sự chỉ đạo sai lệch”.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thẳng thắn cho rằng, trước nay vẫn có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo: “Có khi nào không có những chỉ đạo ngầm đâu. Đôi khi chỉ đạo không cần văn bản. Cứ hỏi các trường xem hàng năm có nhận được chỉ đạo của cấp trên là mua sách tham khảo này, sách tham khảo khác hay không. Có chỉ thị của cấp trên, các trường đâu dám cãi”.