Mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT). Thông tư này được xây dựng căn cứ theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và sẽ thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Điểm mới đáng chú ý nhất tại dự thảo thông tư là quy định UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương là đơn vị thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Có nghĩa là đề xuất mỗi tỉnh thành lập một hội đồng chọn SGK. Dự thảo nói trên sẽ lấy ý kiến rộng rãi đến hết 17/6/2020.
Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Nhiều câu hỏi đang đặt ra: Như vậy việc lựa chọn SGK theo tinh thần dự thảo mới không để áp dụng ngay cho năm học tới đây?
Hướng tới đổi mới dạy và học
Thời điểm này nhiều địa phương đã ban hành tiêu chí lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020- 2021. Đơn cử như tại Hải Dương, tiêu chí lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021 được xác định cụ thể “Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương”,“Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông”,… Trong đó có một yếu tố cũng được đặt ra là chất lượng SGK tốt (giấy in, khổ sách, cỡ chữ, font chữ...); kênh phân phối, phát hành SGK đủ lớn, đáp ứng yêu cầu kịp thời.
Còn tại Nghệ An, theo kế hoạch, trước ngày 1/5, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh sẽ “chốt” phương án chọn SGK lớp 1 theo chương trình GDPT mới. Hiện, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành các tiêu chí lựa chọn để phù hợp với đặc thù của tỉnh. Theo đó, bộ tiêu chí lựa chọn SGK do UBND vừa ban hành gồm 4 tiêu chí và 16 chỉ báo. Trong đó, tiêu chí đầu tiên là SGK phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, nội dung SGK phải đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương và cộng đồng dân cư. Cấu trúc, nội dung SGK có tính mở, tính mềm dẻo, tính phân hóa cao, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương…
Tỉnh Hà Nam ban hành bộ tiêu chí chọn SGK gồm 6 nhóm với 32 tiêu chí cụ thể. Trong đó, ngoài việc chọn SGK phù hợp với điều kiện dạy học, yếu tố đi kèm được chú ý là việc hỗ trợ tập huấn sử dụng hiệu quả sách giáo khoa, có nguồn học liệu điện tử giúp giáo viên thiết kế bài giảng và tổ chức dạy học, danh mục thiết bị kèm theo sách dễ sử dụng, đảm bảo chất lượng...
Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, dù theo quy định, đầu tháng 5/2020, các nhà trường sẽ phải công bố kết quả chọn SGK lớp 1, nhưng đến nay cũng có những địa phương vẫn đang ở giai đoạn “nghiên cứu” tiêu chí lựa chọn…
Không điều chỉnh thời hạn chọn SGK năm học 2020- 2021
Theo tinh thần Thông tư hướng dẫn chọn SGK theo chương trình GDPT mới vừa được Bộ GDĐT ban hành, thành viên của hội đồng lựa chọn SGK bao gồm: Lãnh đạo, chuyên viên của sở GDĐT, phòng GDĐT; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở GDPT. Số lượng thành viên hội đồng phải là số lẻ, tối thiểu 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy. Dự thảo thông tư cũng quy định: Người đã tham gia biên soạn, thẩm định, chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt không được tham gia hội đồng lựa chọn SGK…
Tất nhiên, sẽ còn nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo này, nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều băn khoăn đang được đặt ra.
Trước hết về tiến độ lựa chọn SGK cho năm học tới đây, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, mặc dù dịch bệnh kéo dài khiến các trường phải ngừng việc dạy học, nhưng tiến độ chọn SGK vẫn đảm bảo như quy định, công bố kết quả chọn sách vào đầu tháng 5/2020. Trong tháng 4/2020, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ TT&TT cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin miễn phí tới 100% trường tiểu học để tạo điều kiện cho các trường tổ chức tập huấn, tiếp cận các bộ SGK mới bằng hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra. Còn theo thông tin từ các đơn vị xuất bản, giá SGK về cơ bản cao hơn giá SGK hiện hành, nhưng nó cũng tương ứng với chất lượng SGK. Cụ thể, các bộ SGK đều có chất lượng giấy tốt, hình thức đẹp, kênh chữ, kênh hình đều rõ ràng.
Chia sẻ về vấn đề lựa chọn SGK hiện nay, nhất là theo tinh thần dự thảo mới, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, không nên cào bằng, áp đặt trong lựa chọn SGK. Theo ông Lâm việc lựa chọn SGK bản chất là của giáo viên và các nhà trường, UBND các tỉnh không làm thay được. Do đó, việc chọn SGK phải để cho các trường lựa chọn. Nếu chọn theo như dự thảo quy định, dễ bị tiêu cực do các NXB tác động. Phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn vì đó là quyền của các nhà trường.
Một băn khoăn lớn cũng đang được đặt ra, việc lựa chọn SGK mà các địa phương đang tiến hành hiện nay thực hiện theo tinh thần Thông tư 01 của Bộ GDĐT (ban hành ngày 30/1/2020 về hướng dẫn lựa chọn SGK). Nếu việc lựa chọn SGK năm sau sẽ thực hiện theo tinh thần dự thảo mới đang được lấy ý kiến, như vậy bộ sách lựa chọn của năm nay có còn giá trị nữa không?
Tương tự, nếu chiểu theo tinh thần mới mà Bộ GDĐT đề xuất, các nhà trường sẽ không còn được lựa chọn SGK mà quyền lựa sách sẽ thuộc về UBND cấp tỉnh. Như vậy, liệu có đồng nghĩa với việc một lượng lớn SGK lớp 1 vừa được chọn của năm học 2020- 2021 sẽ không được tái sử dụng… và nguy cơ lãng phí lớn SGK cũng sẽ là một vấn đề đáng lưu tâm.