Liên quan tới hội thi giáo viên giỏi, mới đây Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các trường, trong đó đáng chú ý là việc nghiêm cấm tuyển chọn học sinh tham dự việc học tập trong các tiết dự thi giáo viên giỏi; không được dàn xếp, dạy trước...
Bộ GDĐT cũng từng lưu ý: Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; không được “gà bài” trước cho học sinh. Và đáng chú ý, cũng đã xuất hiện ý kiến đề nghị bỏ thi giáo viên giỏi, chỉ vì tính hình thức và bệnh thành tích.
Thi giáo viên dạy giỏi với hình thức thầy cô và học trò tập dượt tới “lần thứ n” trước khi tiết học chính thức diễn ra không phải là chuyện mới có trong giáo dục, mà đã tồn tại cách đây từ vài chục năm. Bất cập là thế, vì sao mãi vẫn chưa thay đổi?
Cần siết lại hoạt động thi giáo viên giỏi để tránh bệnh thành tích trong nhà trường.
Diễn nhiều hơn là giảng
Là giảng viên trường CĐ Du lịch Hà Nội, chị Mai Tuyết Nhung cho biết, thế hệ 7X, 8X như chị chắc không ai quên được những giờ học có giáo viên dự giờ. Bởi trước đó, các tiết học đã tua đi tua lại bài học đó ít nhất cũng 3 lần, chưa kể những cánh tay rào rào giơ lên, thực chất chỉ là để “đẹp đội hình”, còn ai được gọi trả lời câu hỏi của cô đã được chỉ định hết rồi.
“Học sinh lớp chọn có nhiều cơ hội tham gia các tiết dự giờ khi thi giáo viên dạy giỏi, hội giảng luôn luôn muốn chọn các lớp học tốt, đồng đều để giảng, nhằm hạn chế tối đa các sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra” - chị Nhung nói.
Đến hôm nay, những tiết học diễn nhiều hơn giảng này vẫn tồn tại. Thông tin cách đây ít lâu: ở Hải Phòng tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, cho học sinh có học lực kém ở nhà là một thực tế... Vì đâu nên nỗi?
Mới đây, tại hội thảo “Áp lực giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” được trường ĐH Sư phạm tổ chức, các giáo viên chia sẻ: một trong những áp lực lớn nhất mà họ đang phải đối mặt chính là kỳ vọng từ phía phụ huynh, cùng với đó là thành tích thi đua.
Cô giáo Hoàng Phương Ngọc, trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội kể lại: bên cạnh những học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn thì còn có những học sinh học tập chỉ ở mức trung bình, có những em cá biệt về tính cách, về hoàn cảnh, nếu giáo viên dạy ở mức quá cao, các em lại không hiểu. Trong một lớp học với nhiều trình độ học sinh, nhiều đặc điểm riêng như vậy, giáo viên chịu nhiều áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu riêng của từng đối tượng - vừa phải có kiến thức, vừa phải tâm lý và phải đối mặt với nhiều tình huống sư phạm. Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn phải như chuyên gia tâm lý, lại phải như cha mẹ các em.
Khó khăn là thế, áp lực là thế, trong khi theo thời gian, vai trò của người thầy ngày càng có sự thay đổi đáng kể so với trước đây... Phương pháp học tập đã thay đổi và học sinh đã được tiếp cận được với nhiều nguồn kiến thức hơn, qua nhiều kênh. Người thầy không chỉ truyền thụ tri thức cho học sinh, còn học sinh không chỉ đơn giản là người nhận tri thức từ người thầy nữa, mà còn từ nhiều nguồn. Thậm chí, với internet, học sinh bây giờ biết tìm đến những bài học hay trên mạng, được mô tả cụ thể và dễ hiểu hơn so với bài giảng của thầy mình rất nhiều.
Nhìn lại câu chuyện ở Hải Phòng, tưởng chừng kỳ lạ nhưng thực chất lại có thể lý giải. Bởi thi giáo viên giỏi không chỉ là thi lấy thành tích cá nhân mà còn là “bộ mặt” của nhà trường. Nếu như có giải tốt, đó chính là nâng cao uy tín của nhà trường, tăng chỉ tiêu tuyển sinh với trường tư thục... Giáo viên được “chọn mặt gửi vàng” làm sao không cố gắng hết mình? Kết quả là những tiết học như mơ, không có lấy một hạt sạn trong thời gian chuẩn quy định được đem ra thi thố, chấm điểm.
Cắt giảm các cuộc thi không thiết thực
Sau sự việc ở Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tại địa phương để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời, Bộ cũng cho biết sẽ sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20-7-2010 về Điều lệ hội thi giáo viên giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Thông tư 21 theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên. Dự kiến trong thời gian tới, dự thảo Thông tư 21 sửa đổi sẽ được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành. Bộ GDĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng sẽ có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019 để bảo đảm thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.
Liên quan tới hội thi giáo viên giỏi, mới đây Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các trường, trong đó nêu rõ: Hội thi giáo viên giỏi nhằm tạo điều kiện để giáo viên các cấp học thể hiện năng lực học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học. Sở GDĐT Hà Nội nghiêm cấm các nhà trường tuyển chọn học sinh tham dự việc học tập trong các tiết dự thi giáo viên giỏi; không được dàn xếp, dạy trước... Với học sinh của lớp được phân công tiết dự thi; không được yêu cầu học sinh chuẩn bị quá mức bình thường, làm ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh đối với các môn học khác. Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường tham gia cuộc thi trên tinh thần nghiêm túc, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức; vinh danh đúng giáo viên giỏi, có tài năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình tổ chức hội thi, nếu phát hiện cán bộ, giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
Công văn chấn chỉnh, lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức hội thi giáo viên giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ nhấn mạnh: “Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; không được “gà bài” trước cho học sinh; khi thao giảng cần phải giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp”.
Ảnh minh họa.
Bỏ những cuộc thi hình thức
Chỉ đạo đã có, các đơn vị cấp dưới liệu có thực thi đúng? Nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra. Trên thực tế, có ý kiến cho rằng đã đến lúc cắt giảm cuộc thi giáo viên giỏi, vì ngay cả người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết không đồng tình với các cuộc thi giáo viên giỏi vì tính “trình diễn”. Nội dung và cách thức tổ chức kỳ thi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi...
Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng đồng tình với quan điểm này. Bởi nếu được công nhận giáo viên giỏi sẽ được dạy thêm ngoài nhà trường, cải thiện đồng lương giáo viên khi còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng trên thực tế đã có nhiều giáo viên trưởng thành rõ rệt qua cuộc thi đầy áp lực. Và những phương pháp, sáng kiến của họ được tiếp tục ứng dụng, nhân rộng. Vì vậy, cái gì bất ổn thì sửa, không nên vì những hiện tượng tiêu cực mà phủ nhận hết ưu điểm của hội thi giáo viên giỏi...
Từ khóa được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chọn cho năm 2019 chính là “giảm áp lực cho giáo viên”, trong đó có việc bỏ bớt những cuộc thi mang tính hình thức. “Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường, nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Từ năm 2018, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả” – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội: Chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường phổ thông không thể đánh giá bằng danh hiệu thi đua. Giáo viên dạy giỏi không phải qua một vài giờ lên lớp nặng về trình diễn mà đòi hỏi sự phát triển liên tục, không chỉ đảm bảo theo quy chuẩn, được kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt mà còn đòi hỏi phải luôn cải tiến, đổi mới cho phù hợp với đối tượng học sinh luôn luôn thay đổi hằng năm. |