Giáo dục

Chuyện dài về “Trường học hạnh phúc”

Miên Thảo 11/01/2024 08:20

Gần đây, câu chuyện “Trường học hạnh phúc” không chỉ được bàn luận trong ngành giáo dục, mà cả phụ huynh học sinh cũng tham gia sôi nổi. Đáng chú ý là việc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu hành vi chưa đẹp, nhất là để ngăn chặn bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang lấy ý kiến xây dựng Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc".

Theo dự thảo, Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm 3 tiêu chuẩn (tổng 15 tiêu chí): Về con người (5 tiêu chí); về dạy học và hoạt động giáo dục (6 tiêu chí); về môi trường (4 tiêu chí).

Riêng tiêu chuẩn về môi trường, thì “môi trường làm việc học tập thân thiện, an toàn, không có bạo lực học đường, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường” - tiêu chí 12. Còn tiêu chí 13 nêu rõ: Xây dựng tiết học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc lấy sự tiến bộ của học sinh làm thước đo của hạnh phúc; và tiêu chí 15 là Tầm nhìn và công tác lãnh đạo của nhà trường hướng đến xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Như vậy, chỉ tính riêng tiêu chuẩn môi trường, cũng đã rất khó đạt được, mà cốt lõi thế nào là “tầm nhìn” của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi mà tự đánh giá.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" có thể giúp các nhà trường đối chiếu, tự đánh giá và có giải pháp phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc.

Như vậy, liệu có khách quan? Nhiều ý kiến cho rằng, việc “đánh giá chéo” giữa các trường mới hy vọng thực chất; tránh việc “mẹ hát rồi mẹ lại tự khen hay”.

Nhiều tiêu chí đặt ra, nhưng hầu hết các ý kiến cho rằng khái niệm “Trường học hạnh phúc” nên hiểu một cách đơn giản là không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh; là nơi thầy cô, học sinh, sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau; là mái nhà chung để mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một ngày vui.

Ở góc nhìn khác, một số ý kiến lại cho rằng dù thực hiện các tiêu chí “Trường học hạnh phúc” là cần thiết, nhưng phải hết sức tránh - hay nói cách khác là không tạo cơ hội để bệnh thành tích nặng thêm. Lâu nay, bệnh thành tích trong giáo dục đã nhận nhiều ý kiến của dư luận xã hội, nhất là trong việc điểm số. Có lớp gần hết là học sinh giỏi. Giáo viên này nhìn giáo viên khác, hiệu trưởng này nhìn hiệu trưởng khác, “con gà tức nhau tiếng gáy” thế là điểm số của học sinh vượt cao.

Sự thiếu trung thực trong đánh giá tạo ra những giá trị ảo rất đáng lo ngại.

“Trường học hạnh phúc” là mơ ước, tuy nhiên điều đó phải là một quá trình. Quá trình đó đòi hỏi các thành viên nhà trường luôn phải điều chỉnh, hoàn thiện. Mỗi trường một “hoàn cảnh” vì thế “Trường học hạnh phúc” cũng không phải là mô hình khuôn mẫu, mà cần được vận dụng một cách linh hoạt vào từng cơ sở giáo dục.

Suy cho cùng, xây dựng “Trường học hạnh phúc” phải hướng tới mục tiêu giáo dục phát triển con người, học sinh được phát hiện và phát huy năng lực tiềm ẩn, từ đó giúp các em tự trả lời câu hỏi: Tôi là ai? Muốn vậy, trong từng tiết học giáo viên phải đảm bảo tạo được không khí hứng khởi, giáo viên sử dụng nhuần nhuyễn phương tiện dạy học và gắn lý thuyết với thực tế. Có nghĩa là giáo viên có truyền được cảm hứng học tập cho học sinh hay không.

Nhân đây, cũng nói thêm vẻ quan niệm “Trường học hạnh phúc” của UNESCO. Theo đó, trường học hạnh phúc là nơi có các mối quan hệ con người tích cực, có phương pháp dạy và học phù hợp, có môi trường học tập an toàn và thân thiện. Hiểu theo cách chung nhất, “Trường học hạnh phúc” là môi trường chú trọng giảng dạy không chỉ giới hạn ở những điều học sinh cần và thiếu, mà còn phải hỗ trợ các em phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm hăng say học tập, sức khỏe thể chất và tinh thần.

Chưa hết, vẫn theo UNESCO, “Trường học hạnh phúc” phải là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh.

Rất cụ thể, rất rõ ràng như đối với khái niệm “hạnh phúc” của mỗi con người trong cuộc đời vậy. Nào cần phải đạt được thật nhiều tiêu chí mới là hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện dài về “Trường học hạnh phúc”