Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Tính sao giá trị thương hiệu?

Từ Khôi 18/09/2017 08:05

Trong những ngày này, nhiều nghệ sĩ điện ảnh liên tục có đơn và gặp gỡ báo chí phản ánh những việc bất cập liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).

Không chỉ là những trăn trở về việc chỉ được tạm ứng một phần lương ít ỏi, đạo cụ, kịch bản bị chuyển đi, một vấn đề được nêu ra là công việc cổ phần hóa đến nay chưa thực sự hoàn tất theo như kết luận và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giá trị thương hiệu VFS phải được đưa vào để tính giá trị phần vốn của Nhà nước.

Cổ phần hóa mới chỉ định giá tài sản trên đất của VFS.

Không phải thương hiệu có giá 0 đồng

Nhiều nghệ sĩ cho rằng: Thương hiệu VFS được định giá 0 đồng. Điều này không đúng vì thương hiệu VFS đã bị Bộ VHTTDL bỏ ra không tính theo tư vấn của Công ty TNHH kiểm toán quốc gia VIA và Công ty chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương.

Thực tế, giá trị thương hiệu VFS đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập đến khi tiến hành cổ phần hóa.

Cụ thể: Ngày 28/12/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 441/TB-VPCP. Nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 14/12/2016 về công tác cổ phần hóa VFS và quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp.

Theo đó: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL: “Rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa để quyết định việc hoàn thành công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam theo thẩm quyền, đúng quy định, và chịu trách nhiệm trước pháp luật; yêu cầu cổ đông chiến lược thực hiện đúng cam kết đã ký kết. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Khoa học và công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định”.

Thế nhưng, thay vì triển khai, phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn để xác định giá trị thương hiệu VFS, Bộ VHTTDL lại “chớp nhoáng” cổ phần hóa.

Ngày 20/5/2017, Đại hội cổ đông lần thứ nhất đã được tiến hành và bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Tên mới là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. Và ngày 29/6/2017, Công ty ra thông báo việc đổi tên, lãnh đạo mới, con dấu mới tính từ ngày 23/6/2017.

Chưa rõ công ty vận tải thủy nắm giữ bao nhiêu %

Theo định giá không bao gồm giá trị Thương hiệu VFS thì VFS được định giá khoảng 52 tỷ đồng. Và ngày 14/4/2016, VFS đã bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Số cổ phần được chào bán là 525.000 (10,5% vốn điều lệ), tương đương số tiền thu về tối thiểu là 5,25 tỷ.

Tuy nhiên, trong đợt IPO này VFS chỉ bán được 115.000 cổ phần, với giá bình quân 10.200 đồng một cổ phiếu để thu về gần 1,2 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa VFS được Bộ VHTTDL chấp thuận, ngoài việc IPO 10,5% vốn, Nhà nước nắm giữ 20% và 4,5% bán cho cán bộ, nhân viên, 65% vốn còn lại được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO) với giá 32,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi có Thông báo số 441/TB-VPCP ngày 14/12/2016 của Văn phòng Chính phủ thì những con số % kể trên sẽ thay đổi. Tất cả tùy thuộc vào việc định giá trị thương hiệu VFS.

Theo NSND Nguyễn Thanh Vân- nguyên phó giám đốc VFS: Tôi đã có ý kiến bằng văn bản với Ban chỉ đạo cổ phần hóa Bộ VHTTDL về việc phải tiến hành xác định giá trị thương hiệu VFS trước khi cổ phần hóa.

Nhưng trong văn bản số 2362/BVHTTDL-KHTC ngày 2/6/2017 của Bộ VHTTDL gửi Văn phòng Chính phủ lại cho rằng: “Khoản chênh lệch tăng giữa giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xử lý theo quy định tại khoản 3 điều 21 Nghị định 59/2011/NĐ-CP”.

NSND Nguyễn Thanh Vân nói thêm: Tôi đã tranh luận với đại diện Ban chỉ đạo cổ phần hóa về Thông báo số 441/TB-VPCP. Tôi cho là phải tiến hành xác định giá trị thương hiệu VFS trước khi cổ phần hóa mới là chiều thuận, đúng ý Thủ tướng, còn họ lại cho là làm sau.

Bởi vì trong văn bản sử dụng chữ “khi” không có từ “trước” hay “sau” trong câu: “…điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định”.

Tính sao đừng hạ thấp?

Theo NSND Nguyễn Thanh Vân: Đến nay, Bộ VHTTDL chưa đưa ra được số tiền xác định giá trị thương hiệu VFS.

Trước đó, ngày 3/4/2017, VFS đã có văn bản số 69/CV-Ptr báo cáo Bộ VHTTDL về việc xin tư vấn của Công ty TNHH kiểm toán CPA Việt Nam.

Theo đó, đơn vị tư vấn đưa ra các phương pháp tính giá trị thương hiệu VFS. Đó là: cách tiếp cận chi phí; cách tiếp cận thị trường; cách tiếp cận thu nhập.

Và Công ty TNHH kiểm toán CPA Việt Nam “hiến kế” là giải pháp áp dụng mô hình Interbrand và kết hợp phương pháp khác đối với thương hiệu VFS. Và công thức được đưa ra là: Thương hiệu VFS bằng giá trị phần vốn nhân với phần đóng góp của các tài sản vô hình nhân với số nhân nhãn hiệu.

Tuy nhiên, công ty tư vấn cũng nêu rõ hạn chế là phương pháp này dựa trên một số xét đoán chủ quan.

Việc Bộ VHTTDL nhanh chóng cổ phần hóa trước khi xác định được giá trị thương hiệu VFS càng khiến vấn đề thêm rắc rối. Và để “bảo đảm” Công ty vận tải thủy vẫn chiếm giữ 65%, có lẽ Ban chỉ đạo cổ phần hóa Bộ VHTTDL sẽ hạ thấp giá trị thương hiệu VFS đến mức có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Tính sao giá trị thương hiệu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO