Ngày 20/12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ hai năm 2023 để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Trao đổi trước khi diễn ra phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, tại phiên họp lần này, phía đại diện cho người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5-7,3%. Cụ thể, phương án 1 tăng 7,3% (tức tăng 250.000-320.000 đồng); phương án 2 tăng gần 6,5% (tức tăng 220.000-290.000 đồng). Thời điểm tăng lương từ 1/7/2024 để đảm bảo đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... theo Nghị quyết số 27.
Trước đó, trao đổi về mức đề xuất tăng lương tối thiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết Tổng Liên đoàn sẽ đề xuất mức tăng 5-6%. Tuy nhiên, tới phiên họp này, Tổng Liên đoàn đã thay đổi mức tăng. Bởi tại mỗi thời điểm, mức đề xuất tăng lương tối thiểu sẽ được tính toán căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, “sức khỏe” của doanh nghiệp và mong muốn của người lao động.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp đầu tiên vào ngày 9/8 nhưng hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay do tình hình kinh tế - xã hội còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động của các doanh nghiệp chưa ổn định. Nhưng việc tăng lương tối thiểu cho người lao động được đánh giá là cần thiết, bởi kết quả khảo sát tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2023 do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy chỉ đáp ứng 1/3 hoặc 1/4 chi tiêu của gia đình người lao động. Cụ thể, thu nhập trung bình của 2.982 người lao động được khảo sát đạt 7,885 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập tháng; 23,3% đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp. Đáng chú ý, có tới 75,5% người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu. Mặc dù đã làm thêm, vẫn có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ và 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần để bù đắp chi tiêu và trang trải các chi phí phát sinh trong cuộc sống. Bên cạnh đó, gần 60% người lao động tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn tăng lương.
Còn theo khảo sát do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện tháng 11 với 3.100 người thuộc các ngành nghề, loại hình sở hữu, quy mô lao động tại 10 tỉnh, thành phố đã chỉ ra 21,4% người lao động cho rằng mức lương tối thiểu hiện nay và của những năm trước là không có ý nghĩa so với tốc độ trượt giá; 26,8% người cho rằng mức lương tối thiểu là quá thấp, không phản ánh mức chi trả thực tế của thị trường lao động và 10,1% cho rằng mức lương như hiện nay không tạo ra động lực cho người lao động phấn đấu.