Yếu về công nghệ, thiếu vốn để quảng bá, nguồn hàng không ổn định… là những lý do khiến cho nhiều sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp các địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn chưa thể đặt chân được vào hệ thống các siêu thị lớn. Nhiều DN vừa và nhỏ cho biết, ngay cả khi hợp đồng đã được ký kết giữa DN sản xuất với các nhà phân phối, vẫn có những hợp đồng không thực hiện được.
Người tiêu dùng vẫn khó tìm thấy đặc sản các vùng miền
trong nhiều siêu thị. Ảnh: Hoàng Long.
Siêu thị khuyến khích
Làm thế nào để đẩy mạnh được nguồn hàng ở các địa phương vào siêu thị nhiều hơn, đó vẫn là trăn trở lâu nay của cả nhà quản lý cũng như các DN sản xuất, DN phân phối. Theo nhà quản lý một số siêu thị lớn, họ luôn sẵn sàng mở cửa đón nhận hàng hóa của các DN, miễn là các sản phẩm đạt đủ các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ…
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (thuộc chuỗi siêu thị Fivimart) cho hay, Fivimart luôn ưu tiên sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước và sẵn sàng mở cửa để đón hàng hóa của các DN.
“Chúng tôi mong muốn tạo được nhiều cơ hội kết nối nguồn hàng với các DN ở các địa phương, từ đó tạo thêm đầu ra để các DN, bà con nông dân các địa phương tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản” - bà Vũ Thị Hậu cam kết.
Theo bà Hậu, nhiều sản phẩm nông sản của bà con nông dân, các DN thuộc các tỉnh như Lạng Sơn, Vĩnh Long, Thái Bình, Tiền Giang đã được hệ thống siêu thị Fivimart tiếp nhận và cung cấp ra thị trường. Tất nhiên, các sản phẩm do các DN mang đến đều phải qua khâu kiểm định, sản phẩm nào đủ tiêu chuẩn sẽ được siêu thị phản hồi ngay với DN để đưa lên hệ thống siêu thị.
Nhiều nhà phân phối cho biết, gần đây, các DN, nhà sản xuất đã rất chủ động trong việc đưa hàng hóa đến tận nơi các hệ thống siêu thị để kết nối, khác hẳn với trước kia, hầu như các nhà sản xuất chỉ bị động chờ nhà phân phối đến tìm nguồn hàng.
Việc chủ động này của nhà sản xuất sẽ tạo thuận lợi trong việc kết nối cung - cầu cho cả hai phía, nhà sản xuất cũng như nhà phân phối, từ đó giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận gần hơn với hàng hóa trên cả nước, nhất là sản phẩm đặc sản của các địa phương như nước mắm Phú Quốc, bánh cáy Thái Bình, kẹo dừa Bến Tre cũng như nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác của các làng nghề truyền thống…
Đặc sản vùng miền vào siêu thị còn khiêm tốn. Ảnh: Hoàng Long.
Doanh nghiệp vẫn khó chen chân
Tuy nhiên, theo phản ảnh của một số DN, mặc dù gần đây, số lượng hàng hóa của DN các địa phương đã tiếp cận được nhiều hơn với các hệ thống phân phối lớn, các hệ thống siêu thị như Big C, Fivimart, Coop.mart… song, so với số lượng hàng hóa có nhu cầu được vào các siêu thị vẫn còn khá khiêm tốn.
Một số DN nhỏ và vừa nêu lên thực tế rằng, họ vẫn khó chen chân được vào các siêu thị lớn, một phần vì các DN nhỏ thiếu vốn không đủ nguồn kinh phí để quảng bá sản phẩm một cách rộng rãi, mặt khác, do thiếu công nghệ sản xuất tiên tiến nên nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng đối với các siêu thị…
Theo khẳng định của ông Trần Văn Tuyến, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất thực phẩm chức năng tại tỉnh Bắc Kạn, các sản phẩm của công ty được sản phẩm đảm bảo yêu cầu về vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng tốt, có sự kiểm định của cơ quan chức năng… Tuy nhiên, sản phẩm của ông vẫn chưa thể đặt chân được vào các siêu thị lớn do nguồn vốn của công ty còn hạn chế để có thể quảng bá sản phẩm một cách rộng rãi, số người biết đến sản phẩm của công ty chủ yếu chỉ là những người thuộc địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Bởi vậy, ông Tuyến đặt vấn đề, cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ cho các DN trong vấn đề quảng bá sản phẩm.
Ông Phạm Hồng Vũ - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất XNK hàng thủ công mỹ nghệ và thương mại Thu Nguyệt cũng nêu lên vấn đề tương tự, đó là một trong những hạn chế của các DN nhỏ và vừa chính là vấn đề giới thiệu sản phẩm, thuyết phục đối tác. Nhiều khi, hàng hóa chất lượng rất tốt, đạt được mọi tiêu chí mà nhà phân phối đưa ra nhưng khâu quảng bá yếu dẫn đến tình trạng nhà phân phối không chấp nhận sản phẩm của DN.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) cũng thừa nhận, mặc dù thời gian qua, nhà quản lý đã có những động thái nhằm tăng cường sự kết nối giữa các DN địa phương với các hệ thống siêu thị, nhà phân phối, bán lẻ trong nước, tuy nhiên, thực tế, số hàng hóa của các DN nông thôn vào siêu thị vẫn chưa nhiều so với số lượng thực nguồn hàng cung ứng hiện nay.
Nguyên do là bởi, trình độ công nghệ của các DN còn lạc hậu, tốc độ đổi mới công nghệ trong các DN chưa cao, điều này làm hạn chế đáng kể khả năng sản xuất những sản phẩm, dịch vụ có tính ưu việt, chất lượng cao. Do đó, khó có thể đạt được các yêu cầu của các siêu thị lớn.
Bên cạnh đó, các DN vừa và nhỏ cũng chỉ sản xuất với quy mô nhỏ nên nguồn hàng thiếu ổn định nguồn cung cho siêu thị, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều hợp đồng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối dù đã được ký kết nhưng lại buộc phải hủy vì thiếu nguồn hàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, nguồn cung mà các DN thuộc các địa phương còn rất nhiều tiềm năng song với thực tế hiện nay, các DN ở địa phương chủ yếu vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa với số lượng lớn hay những quy trình mua bán bằng hợp đồng của hệ thống siêu thị.
Đây chính là một điểm nghẽn hiện nay, và nếu chưa giải tỏa được điểm nghẽn này, thì hàng hóa của DN địa phương, sản phẩm nông sản của bà con nông dân vẫn khó chen chân được vào siêu thị.