Thời điểm này, nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đang tổ chức họp phụ huynh để thông báo tình hình học tập của các em tới gia đình. Nếu theo quy định mới, với học sinh (HS) tiểu học đây là năm học cuối cùng việc thực hiện đánh giá học sinh theo nếp cũ. Vậy có có sở nào để kỳ vọng từ năm học 2020-2021, việc đánh giá HS tiểu học sẽ thực sự chú trọng vào phẩm chất và năng lực người học.
Đánh giá học sinh cần toàn diện và khách quan.
Không lệ thuộc vào điểm số
Trước đó, tại Hội thảo hướng dẫn đánh giá HS lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) do Bộ GDĐT vừa tổ chức, ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định, việc triển khai Thông tư 22 về đánh giá HS tiểu học trong những năm qua là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá HS theo chương trình GDPT mới. Trong chương trình mới, việc đánh giá HS dựa trên phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục, chứ không phụ thuộc vào nội dung kiến thức trong SGK. Do vậy, kiến thức trong SGK chỉ là tài liệu dạy học để hình thành phẩm chất và năng lực của HS.
Cũng tại Hội thảo này, Bộ GDĐT cho biết để triển khai Chương trình GDPT mới bắt đầu với lớp 1 vào năm học 2020-2021, Bộ GDĐT đã xây dựng văn bản hướng dẫn đánh giá HS lớp 1 theo chương trình mới; Giới thiệu dự thảo Khung chuẩn đánh giá các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của HS lớp 1. Lãnh đạo Bộ GDĐT cho rằng việc đánh giá HS vừa có tác động đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục, vừa giúp điều chỉnh quá trình dạy và học để đạt hiệu quả tốt. Với HS tiểu học, việc đánh giá càng cần được các giáo viên, nhà trường chú trọng hơn, để giúp hình thành phẩm chất, năng lực cho các em. Việc khen hay chê phải đúng mực, phù hợp, để tạo thành động lực khuyến khích học trò tiến bộ. Việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của mỗi HS. Theo đó, với các lớp 1-2-3 cần chú trọng đánh giá thường xuyên theo tiến trình học tập, rèn luyện của HS. Để làm được, giáo viên phải quan tâm, sát sao với từng học trò để biết được năng lực, phẩm chất thực tế của mỗi em và từ đó có sự hỗ trợ kịp thời giúp học sinh tiến bộ. Kết hợp với việc đánh giá định kỳ, cách làm này cũng khắc phục được hạn chế của việc chỉ đánh giá HS qua điểm số bài kiểm tra.
Có dễ thay đổi?
Nếu tính theo năm học, thì chỉ còn đúng một học kỳ nữa để ngành giáo dục chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới triển khai trên cả nước, bắt đầu từ lớp 1. Bộ GDĐT hiện đang gấp rút tổ chức tập huấn giáo viên, trong đó tập trung phổ biến chương trình và phương pháp giảng dạy, giới thiệu SGK…Dẫu thế, nhiều ý kiến lo ngại rằng liệu những kỳ vọng đổi thay có đạt hiệu quả như mong đợi chăng, khi mà bao lâu nay phương pháp kiểm tra, đánh giá HS nói chung và tiểu học nói riêng đã trở thành lối mòn.
Trước hết, nhiều giáo viên chủ nhiệm lâu nay đã mặc định rằng học sinh đã học giỏi Toán, tiếng Việt…nghiễm nhiên cũng là HS giỏi toàn diện, xét cả về mặt hạnh kiểm. Trong khi trên thực tế, những nội dung đánh giá này hoàn toàn độc lập với nhau.
Đơn cử trong buổi tổng kết năm học của học sinh lớp 3 năm vừa rồi tại một trường tiểu học ở Hà Nội, nhiều phụ huynh tỏ ra bất bình khi con họ không được giấy khen. Trong khi đa phần các bạn nhận được những tờ giấy khen với dòng chữ: Có thành tích nổi trội về môn Toán, môn Ngoại ngữ, môn Mỹ thuật…Có phụ huynh đã đứng lên thắc mắc: Cứ cho là con tôi không học giỏi như những bạn khác, nhưng suốt một năm học, cháu đã không vắng mặt một buổi nào, không đến muộn một buổi học nào. Lẽ ra cô nên khen cháu ở mặt ý thức chấp hành kỷ luật tốt chứ? Hay cũng có những phụ huynh nêu, con họ tham gia nhiệt tình các phong trào ủng hộ sách báo, đồ dùng cho các bạn vùng gặp thiên tai, đời sống khó khăn. Nếu chưa đạt thành tích học tấp tốt, các cháu cũng nên được khen thưởng ở tinh thần lá lành đùm lá rách, biết thương người như thể thương thân…
Nhiều phụ huynh vẫn chia sẻ với nhau nỗi niềm mỗi khi HS tiểu học bước vào những kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Đặc biệt là với môn Tập làm văn, đa phần giáo viên đều cho sẵn hai bài văn mẫu. Cô cho sẵn dàn ý, còn nhắn tin cho phụ huynh nhắc nhở con luyện thuộc hai đề Tập làm văn ấy, nộp cô xem xét trước khi bước vào kỳ kiểm tra thật. Đơn cử với HS lớp 4, cô thường gợi ý các bạn nữ nên tả con búp bê, các bạn nam nên tả con gấu bông hoặc tả ô tô, rô bốt… Không chịu áp đặt của cô, một HS lớp 4 đã tả việc nặn pháo đất - một trò chơi và cũng là một món đồ chơi dân gian đã mai một. Kết bài HS ấy có ghi rằng: Tuy pháo đất bẩn, nhưng tiếng nổ rất vui tai… Vậy là bài văn ấy bị kết luận: Không đúng dàn ý cô giao!
Để đánh giá đúng phẩm chất và năng lực người học, cần sự thay đổi lớn trong nhận thức của các giáo viên. Riêng về phía các thầy cô giáo, ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được là họ muốn các hoạt động tập huấn có liên quan đến HS chứ không phải chủ trương chính sách; Giáo viên muốn được chủ động tham gia xây dựng các chương trình hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn.