Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế đã có những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý còn nhiều bất cập.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, triển khai chủ trương mới thì những vướng mắc, khó khăn là khó tránh khỏi. Do đó, cần cầu thị lắng nghe, tiếp thu giải quyết những vấn đề đã được nhận diện từ thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
PV: Thiếu giáo viên là một trong những khó khăn hiện nay của các trường phổ thông khi triển khai dạy học tích hợp theo Chương trình GDPT 2018. Ông có cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ khi triển khai chương trình mới?
Ông Đinh Công Sỹ: Dạy học tích hợp là xu thế của GDPT trên thế giới, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển, rất coi trọng yêu cầu tích hợp, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có năng lực toàn diện về các lĩnh vực khoa học, công nghệ có liên quan mật thiết với nhau. Ở nước ta, Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám khóa XI đã xác định “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”. Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa XIII đã cụ thể hóa về tích hợp: “Ở cấp tiểu học và cấp THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp”.
Thực hiện chủ trương trên, Bộ GDĐT đã ban hành Chương trình GDPT 2018, theo đó chương trình cấp tiểu học và THCS được thiết kế tích hợp ở một số môn như: Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2 và 3; Lịch sử và Địa lý lớp 3, 4; Khoa học lớp 4; cấp THCS có các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm với các lớp của cả 2 cấp học.
Thực hiện giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi về dạy học tích hợp. Bên cạnh ý kiến phản hồi tích cực, nhiều cơ sở giáo dục nêu ra những khó khăn, bất cập. Công tác chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo để dạy tích hợp chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là khâu đào tạo giáo viên (GV) dạy các môn học này chưa theo kịp tiến độ triển khai chương trình. Vì vậy, khi thực hiện, ngành giáo dục không có được đội ngũ GV được đào tạo bài bản mà tập trung vào đội ngũ giáo viện hiện có để bồi dưỡng kiến thức trong thời gian ngắn; đồng thời, việc bố trí GV giảng dạy còn lúng túng ở giai đoạn đầu.
Tôi cho rằng, triển khai một chủ trương mới sẽ gặp những vướng mắc, khó khăn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ngành giáo dục đã cầu thị, lắng nghe và có giải pháp, lộ trình để khắc phục những vướng mắc. Sau mỗi năm học, thầy và trò đã dần quen hơn với phương pháp dạy học mới, GV đã chủ động trong chuẩn bị bài giảng, thiết kế bài giảng linh hoạt, sử dụng học liệu đa dạng đã giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập.
Đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai của Chương trình GDPT 2018, các trường đào tạo ngành sư phạm trên cả nước đã chuyển hướng đào tạo, tuyển sinh ngành sư phạm liên môn. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Theo ông, các trường cần thực hiện đào tạo thế nào để đảm bảo chất lượng đầu ra?
- Để đáp ứng nhu cầu đội ngũ GV được đào tạo bài bản theo chương trình mới, Chính phủ đã ban hành, triển khai Đề án về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV; các trường, khoa sư phạm đã tuyển sinh ngành mới. Theo tôi, các trường đại học (ĐH), trong đó có các trường sư phạm cần thực hiện nhiều giải pháp để công tác đào tạo sinh viên sư phạm đáp ứng được chương trình mới. Trong đó, xây dựng chương trình đào tạo, hoàn thiện chương trình đào tạo gắn với kiểm định chất lượng đào tạo là then chốt. Bên cạnh đó, các trường sư phạm cần phối hợp với các địa phương xác định nhu cầu số lượng, cơ cấu đội ngũ GV bảo đảm đào tạo sát thực tiễn; bồi dưỡng GV dạy học bậc phổ thông, nhất là đội ngũ GV dạy các môn học mới.
Ngoài ra, các trường đào tạo sinh viên sư phạm cần có được các điều kiện bảo đảm về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Từ thực tế những vướng mắc, khó khăn khi triển khai chương trình mới, theo ông, dạy học tích hợp nên có những điều chỉnh gì?
- Chương trình GDPT 2018 được xây dựng trên quan điểm chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Để đạt được yêu cầu này, đòi hỏi phải đủ về số lượng và đáp ứng về chất lượng đội ngũ GV và khắc phục những điểm hạn chế của chương trình, của SGK về thiết kế nội dung tích hợp.
Về đội ngũ GV, các trường sư phạm cần nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với các địa phương theo phân cấp cần có phương án tuyển dụng để bù đắp số lượng GV còn thiếu, bồi dưỡng GV hiện có để có thể giảng dạy tốt các môn học này.
Về phương pháp giáo dục, Chương trình GDPT 2018 đã trao quyền chủ động, sáng tạo cho GV, người thầy đóng vai trò là người hướng dẫn học sinh trong khai thác học liệu. Do vậy, ngành giáo dục cần nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo về đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hóa các hoạt động học tập, phù hợp với năng lực của học sinh…
Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ: Việc thiết kế nội dung các môn học tích hợp ở cấp THCS chưa đạt mục tiêu, vẫn chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, sử dụng nhiều GV cùng giảng dạy. Vì vậy trong quá trình triển khai, phát hiện những bất cập trong nội dung tích hợp, nhất là ở cấp THCS, trong đó học sinh các lớp học cuối cấp THCS bắt đầu định hình hướng nghiệp, Bộ GDĐT cần cầu thị lắng nghe để bổ sung, phát triển chương trình.
Với tình hình đội ngũ GV như hiện nay thì đâu là giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện Chương trình GDPT 2018, thưa ông?
- Việc xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có ý nghĩa then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Nhìn tổng thể thời gian qua, ngành nội vụ, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, cả nước còn thiếu hơn 62.000 GV phổ thông, trong đó các môn dạy tích hợp ở THCS như môn Lịch sử và Địa lý thiếu 6.631 GV, môn KHTN thiếu 2.366 GV, đồng thời thừa GV cục bộ ở các môn này; cơ cấu đội ngũ GV chưa cân đối giữa các môn học trong cùng cấp học, giữa các vùng miền, chất lượng GV không đồng đều, một bộ phận GV chưa đáp ứng chuẩn nghề nghiệp; tuyển dụng GV gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển...
Để giải quyết những hạn chế, bất cập, vướng mắc, cần tập trung một số vấn đề sau: Thứ nhất, các trường ĐH đào tạo sinh viên chuẩn bị về nguồn tuyển cung ứng đủ về số lượng GV cho các địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm; Thứ hai, ngành nội vụ, ngành giáo dục phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế theo Quyết định 72 của Bộ Chính trị; xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách tiền lương, đãi ngộ cho đội ngũ GV; bố trí, sử dụng GV hợp lý giữa các cơ sở giáo dục trong một địa phương; Thứ ba, các địa phương phối hợp với các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ GV theo Chương trình mới; Thứ tư, Chương trình GDPT 2018 trao quyền chủ động cho GV, do vậy các cơ sở giáo dục khơi dậy tinh thần tự học hỏi, tự nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm của mỗi GV để đáp ứng yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cái khó đang được giải quyết từng bước
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, để đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình GDPT 2018, không phải bắt đầu bằng việc tuyển đội ngũ giáo viên hoàn toàn mới. Thay vào đó, cần bắt đầu từ lực lượng cũ, đã và đang được tập huấn, hỗ trợ, đồng thời Bộ trưởng nhấn mạnh, đổi mới là một quá trình, nên cần từng bước để truyền tải Chương trình GDPT 2018. Lứa sinh viên được đào tạo về dạy học tích hợp sẽ ra trường vào năm 2024. Vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước.