Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các phụ huynh, học sinh khi năm học mới đã bắt đầu. Nhiều ý kiến đồng thuận nhưng vẫn còn đó những ý kiến trái chiều cho thấy việc dạy thêm, học thêm vẫn chưa thực sự trở thành công cụ giáo dục để mọi nhà yên tâm, cần tới những giải pháp đi từ thực tế để đưa hoạt động này được minh bạch, tạo uy tín cho giáo viên, chất lượng cho học sinh.
Việc dạy thêm, học thêm vẫn luôn là chủ đề nóng trong hệ thống giáo dục phổ thông. Nhiều người cho rằng đây là nhu cầu tất yếu xuất phát từ chính bản thân học sinh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, không ít ý kiến trái chiều về tác động tiêu cực của việc này đối với cả học sinh và phụ huynh.
Theo nhiều chuyên gia, học thêm phản ánh quy luật cung - cầu trong xã hội. Việc học sinh có nhu cầu bổ sung kiến thức ngoài giờ học chính khóa không phải là điều đáng chê trách. Đặc biệt, ở các bậc học cao hơn, nhu cầu học thêm xuất hiện nhiều hơn do áp lực từ các kỳ thi và mong muốn nâng cao năng lực cá nhân. Do đó, việc dạy thêm, ở một khía cạnh nào đó, được xem là cần thiết để đáp ứng những mong muốn chính đáng này.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, việc dạy thêm, học thêm đã bị biến tướng trong thời gian qua. Chị Mỹ Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ lo ngại rằng, việc dạy thêm không chỉ tạo ra sự chênh lệch giữa học sinh mà còn gây áp lực cho cả gia đình. "Mặc dù dự thảo đang lấy ý kiến của Bộ GDĐT không ép buộc học thêm, nhưng tâm lý sợ con mình thua kém khiến phụ huynh phải cố gắng cho con đi học thêm, biến nó thành một thói quen hằng ngày".
Ngoài ra, chị Hiền cũng kể về trường hợp con mình từng bị áp lực khi không đi học thêm. "Giáo viên ra đề bài mà chỉ học sinh học thêm mới biết cách giải, khiến con tôi cảm thấy ngơ ngác và kém cỏi". Cuối cùng, chị buộc phải cho con đi học thêm để theo kịp bạn bè và cải thiện điểm số, điều này phản ánh rõ ràng sức ép của việc học thêm.
Một vấn đề khác cũng được nhiều phụ huynh đặt ra là liệu việc không tham gia học thêm có dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa các học sinh hay không. Anh Nguyễn Quốc Định (quận Đống Đa, Hà Nội) lo ngại: "Nếu con tôi không tham gia lớp dạy thêm của giáo viên, ai có thể đảm bảo rằng con tôi sẽ không bị đối xử bất công?". Anh cũng nhấn mạnh rằng việc dạy thêm có thể dẫn đến phân hóa lớn trong lớp, đặc biệt là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nếu giáo viên dạy hời hợt trên lớp để dành kiến thức cho các buổi học thêm, sẽ ảnh hưởng lớn đến tinh thần và tâm lý của học sinh.
Một số phụ huynh như chị Hoàng Lan (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, dạy thêm là nhu cầu chính đáng, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng. "Kiến thức thi cử phải nằm trong chương trình chính khóa, và việc học thêm chỉ nên dùng để củng cố và nâng cao kiến thức cho học sinh". Nếu không có những quy định này, học sinh có thể sẽ coi việc học trên lớp chỉ là phụ, trong khi học thêm mới là chính. Chị Lan cũng nhấn mạnh rằng, cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa.
Chính những tâm lý lo ngại đó diễn ra trong thời gian dài đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh e ngại việc đăng ký học thêm cho con em. Không học thêm thì sợ con mình thua kém, còn học thêm thì khiến con mệt mỏi... Mặt khác, việc học thêm có những biến tướng theo chiều hướng tiêu cực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc phụ huynh không đồng tình với việc học thêm. Điều đó dẫn đến hậu quả khôn lường cho học sinh trong giai đoạn chuyển cấp cần học thêm để trau dồi, bổ sung kiến thức mà lại mất đi những lớp học phụ đạo. Hơn bao giờ hết, việc đưa dạy thêm, học thêm ra lấy ý kiến dư luận trở nên quan trọng để đề ra những quy định rõ ràng và biện pháp kiểm soát, đảm bảo việc dạy thêm không bị biến tướng và gây hại cho học sinh.
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến góp ý từ 22/8 đến 22/10. Trong đó có một số nội dung nổi bật như: nguyên tắc trong dạy thêm và học thêm; giới hạn thời lượng dạy và học thêm trong nhà trường; quy định về dạy thêm bên ngoài... Khi chính thức ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17 ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Dự thảo đưa ra 5 nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau: Thứ nhất, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Thứ hai, nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
Thứ ba, thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Thứ tư, không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Thứ năm, không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Về dạy thêm, học thêm trong nhà trường, dự thảo quy định: Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Đối với tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, dự thảo quy định phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Giáo viên (bao gồm Phó Hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu sau: Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định các nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm. Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Phòng GDĐT (đối với cấp THCS), Giám đốc Sở GDĐT (đối với cấp THPT).
Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh theo quy định. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Những quy định mới trong dự thảo dạy thêm, học thêm đang cố gắng đưa việc dạy thêm, học thêm trở nên minh bạch và tập trung vào lợi ích của người học. Tuy nhiên để dạy thêm, học thêm trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục hiện nay, khiến cho mọi nhà yên tâm gửi gắm tương lai của con em thì cần xây dựng niềm tin cho phụ huynh, dựa trên các quy định rõ ràng và sự giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh và tránh tình trạng tiêu cực.
Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, quy định về dạy thêm, học thêm là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Đồng thời phân tích rằng, trên thực tế, hoạt động dạy thêm rất đa dạng và không phải lúc nào cũng vi phạm quy định. Ở nhiều nơi, giáo viên tổ chức dạy thêm miễn phí cho những học sinh yếu hoặc vì lý do đặc biệt nào đó không tiếp thu được bài trên lớp. Những giáo viên này dành thời gian để giúp học sinh theo kịp chương trình, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, nơi điều kiện kinh tế hạn chế và sự quan tâm của gia đình còn thiếu. Đây là hoạt động rất đáng khen ngợi và cần được khuyến khích. Trong khi đó, ở những khu vực kinh tế phát triển hơn, dạy thêm thường nhằm mục đích nâng cao kiến thức hoặc rèn luyện kỹ năng thi cử, nhưng đôi khi lại là việc mang nội dung bài giảng ở trường vào các buổi học thêm tại nhà. Điều này làm cho học sinh tham gia học thêm có lợi thế hơn trong các kỳ kiểm tra, tạo ra sự không minh bạch trong hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo quy định về dạy thêm, học thêm hiện hành, trước hết học sinh, phụ huynh phải viết đơn tự nguyện xin học thêm rồi nhà trường mới xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm. Nhưng dự thảo mới quy định về dạy thêm, học thêm lần này lại yêu cầu ngược lại, tức đề xuất từ tổ chuyên môn, nhà trường. Đây là một trong những điểm mới của dự thảo để xây dựng niềm tin cho phụ huynh.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, mọi thông tin về dạy thêm, học thêm cần được công khai rõ ràng, bao gồm danh sách học sinh tham gia, giáo viên giảng dạy, địa điểm, thời gian và học phí. Điều này giúp phụ huynh và học sinh có cơ sở để lựa chọn dựa trên nhu cầu thực sự, tránh tình trạng ép buộc. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng phải cam kết không sử dụng các bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh trên lớp. Đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo sự công bằng trong quá trình dạy học. Dự thảo Thông tư mới của Bộ GDĐT cũng quy định rằng giáo viên công lập khi dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng, đồng thời cam kết không ép buộc học sinh. Việc giám sát hoạt động dạy thêm không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn cần sự tham gia của phụ huynh và chính quyền địa phương.
Cho ý kiến về dự thảo dạy thêm, học thêm đang được lấy ý kiến, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, để đảm bảo việc dạy thêm diễn ra đúng quy định, cần có sự quản lý đồng bộ và nghiêm túc từ các cấp. Điều này bao gồm cả việc chuẩn hóa chương trình học, đề thi để tránh tình trạng "học thêm để có điểm cao". Đồng thời, việc thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ phụ huynh cũng là một giải pháp hữu hiệu. Ngoài ra, cần thông qua các chương trình giáo dục cho phụ huynh, giúp họ hiểu rõ tác động của việc dạy thêm đối với sự phát triển toàn diện của con em mình, giúp phụ huynh đưa ra quyết định sáng suốt, tránh tình trạng học sinh bị ép buộc hoặc tham gia các lớp học không phù hợp.
Tựu chung lại, để việc dạy thêm, học thêm thực sự trở thành công cụ giáo dục bổ ích, đem lại hiệu quả thiết thực thì trước hết việc quản lý, cùng với đó là cái tâm dạy học của người thầy phải là điều tiên quyết. Nếu dạy thêm được xuất phát từ mong muốn giúp đỡ học sinh phát triển, chứ không phải vì lợi ích cá nhân, dạy thêm với tinh thần trách nhiệm, thì chắc chắn niềm tin của phụ huynh sẽ được củng cố. Chỉ khi dạy thêm diễn ra một cách minh bạch, công bằng, vì quyền lợi học sinh mới giúp quá trình học tập của các em trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội: Tận dụng công nghệ để quản lý dạy thêm, học thêm
Tôi ủng hộ việc học sinh cần học thêm và giáo viên có quyền dạy thêm trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Với nền kinh tế tri thức và yêu cầu về học tập suốt đời, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện tại không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu cá nhân hóa học tập của từng học sinh. Học sinh có tài năng hoặc những định hướng nghề nghiệp đặc biệt cần được học thêm để phát triển tối đa tiềm năng của mình. Bên cạnh đó, việc giáo viên dạy thêm là một cách chính đáng để họ tăng thu nhập và sử dụng kỹ năng chuyên môn, thay vì phải tham gia các ngành nghề khác để mưu sinh.
Tuy nhiên, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh những vấn đề tiêu cực. Cần bảo vệ học sinh khỏi sự quá tải và phân biệt đối xử trong lớp học chính khóa, đồng thời đảm bảo rằng học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vẫn được hỗ trợ đầy đủ trong giờ học chính thức. Các biện pháp quản lý cần đảm bảo sự minh bạch, công khai, và tự nguyện trong việc dạy thêm, học thêm.
Việc sử dụng công nghệ để quản lý hoạt động dạy thêm, chẳng hạn như xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến, đăng ký và kiểm soát nội dung dạy thêm để đảm bảo không trùng lặp với chương trình chính khóa. Các công nghệ như blockchain cũng có thể được áp dụng để đảm bảo tính minh bạch trong việc lưu trữ và xác minh các chứng chỉ học tập. Đồng thời, chỉ những giáo viên có chứng chỉ hành nghề mới nên được phép dạy thêm, giúp đảm bảo chất lượng giảng dạy và phân biệt rõ ràng với các khóa học không được kiểm định.
Học thêm cần được tổ chức một cách hợp lý, không mang tính áp lực để không làm suy giảm sự sáng tạo của học sinh. Việc học thêm nếu được thực hiện đúng cách có thể khuyến khích tư duy phản biện, sáng tạo và hợp tác thông qua các phương pháp dạy học thực tế và trải nghiệm.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: Quản lý dạy thêm cần đảm bảo tính tự nguyện
Dự thảo về việc dạy thêm, học thêm có những điểm tích cực như tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm hợp pháp, công bằng với các ngành nghề khác, và đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh học thêm. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần làm rõ trong thông tư, đặc biệt là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất người học. Hiện tại, giáo dục vẫn tập trung quá nhiều vào việc nhồi nhét kiến thức và chạy theo điểm số, dẫn đến học sinh phải học thêm nhiều mà không phát triển được kỹ năng và năng lực thực sự. Áp lực từ việc học thêm khiến trẻ em mất tuổi thơ và cảm thấy mệt mỏi.
Để cải thiện tình trạng này, quản lý dạy thêm cần đảm bảo tính tự nguyện từ học sinh và phụ huynh, đồng thời thay đổi nhận thức của thầy cô, cha mẹ và học sinh về giá trị thực sự của giáo dục. Học thêm quá nhiều không đảm bảo thành công trong tương lai, và cần tránh việc dạy thêm chỉ để đạt điểm cao. Tác giả đề xuất cấm dạy thêm ở bậc tiểu học và hạn chế ở bậc trung học, vì trẻ nhỏ cần các hoạt động và kỹ năng hơn là nhồi nhét kiến thức. Nhà trường cần có trách nhiệm phụ đạo học sinh yếu mà không thu phí từ phụ huynh.
Ngoài ra, các phương thức tuyển sinh vào trường chuyên, trường chất lượng cao cần thay đổi để giảm áp lực học thêm và tập trung vào thi cử. Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho việc dạy thêm phụ đạo trong trường để đảm bảo sự công bằng và hiệu quả.