Du khách 'tiến thoái lưỡng nan'

Hà Anh 16/09/2023 07:00

Một số điểm đến nổi tiếng thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Hawaii và giờ đây là Maroc đã bị tàn phá bởi các thảm họa như động đất, cháy rừng và lũ lụt trong năm nay, khiến nhiều du khách bối rối không biết phải ứng phó thế nào.

Nhiều di tích lịch sử ở Maroc bị phá hủy sau trận động đất. Ảnh: Reuters.

Ở lại hay rời đi?

Những du khách ở một đất nước vừa xảy ra thảm họa đang tranh luận xem họ nên ở lại hay rời đi. Những người sắp có chuyến đi lại băn khoăn liệu họ có nên hủy bỏ hay không. Liệu doanh thu họ mang lại có thực sự giúp ích được gì không hay sẽ là gánh nặng? Làm thế nào là thích hợp để tiếp tục phát triển du lịch khi một quốc gia đang trong tình trạng tang tóc tập thể và các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành?

Nhưng không có câu trả lời dễ dàng. Tác động của mỗi thảm họa là khác nhau và mặc dù du khách nên làm theo hướng dẫn của các quan chức chính phủ sau những sự kiện như vậy, nhưng cộng đồng địa phương không phải lúc nào cũng đồng ý về cách hành động tốt nhất. Sau vụ cháy rừng phá hủy phần lớn thị trấn Lahaina, ở Maui (Hawaii, Mỹ) vào tháng 8, khiến ít nhất 115 người thiệt mạng, cư dân trên đảo (vốn phụ thuộc vào hoạt động du lịch) đã xung đột về quyết định cho phép tiếp tục hoạt động du lịch trong khi người dân địa phương đau buồn vì tất cả những gì đã mất.

Tuy nhiên, tại Maroc - nơi trận động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra hôm 8/9 ở dãy núi Atlas phía Tây Nam Marrakech, khiến hàng nghìn người thiệt mạng - lại có sự thống nhất hơn. Với mùa du lịch cao điểm đang diễn ra và hầu hết sự tàn phá chỉ ảnh hưởng đến các vùng nông thôn cách xa các điểm nóng du lịch, nhiều người dân địa phương mong muốn du khách nước ngoài tiếp tục đến như là một sự hỗ trợ nền kinh tế và gây quỹ cho các nỗ lực cứu trợ.

Bà Mouna Anajjar - Tổng biên tập của I Came for Couscous, một tạp chí chuyên đề địa phương - cho biết: “Sau Covid-19, việc bỏ rơi khách du lịch sẽ là điều khủng khiếp đối với Marrakech, nơi có rất nhiều nguồn lợi đến từ du lịch. Người dân được kết nối với nguồn lợi này và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu không có nó”.

Tuy nhiên, du khách vẫn cần chuẩn bị một vài điều khi có ý định đến thăm một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi thảm họa thiên nhiên. Việc đầu tiên là kiểm tra hướng dẫn chính thức của chính phủ nước sở tại và các báo cáo truyền thông địa phương để đánh giá tình hình thực tế. Sau đó, cần xác định chính xác nơi thảm họa xảy ra và khu vực nào bị ảnh hưởng để tránh bỏ lỡ chuyến du lịch một cách không cần thiết.

Khi trận động đất xảy ra ở Maroc hôm 8/9, hầu hết các tour du lịch đến Maroc đã bị hủy dù các nhà điều hành nỗ lực đưa ra các đánh giá an toàn quan trọng, đảm bảo rằng hoạt động cứu hộ vẫn hoạt động tốt và khách du lịch không cản trở nỗ lực cứu hộ.

Bà Zina Bencheikh - Giám đốc điều hành các hoạt động tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Intrepid Travel, cho biết: “Có những khu vực bên trong khu trung tâm Marrakech đã bị hư hại, một số di tích lịch sử bị đóng cửa, nhưng hầu hết các khu vực bên trong thành phố đều hoàn toàn có thể đến thăm, mọi hoạt động vẫn bình thường sau cú sốc động đất”.

Thành phố Marrakech (Maroc) vẫn khuyến khích du khách đến thăm sau trận động đất lịch sử. Ảnh: Reuters.

Gánh nặng hay trợ giúp?

Khi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2, hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy hàng chục chuyến bay trên khắp đất nước để huy động nguồn lực cho nỗ lực cứu hộ. Trong trận cháy rừng ở Maui, các hãng hàng không cũng hủy các chuyến bay đến Hawaii để họ có thể sử dụng máy bay chở hành khách rời đi. Hầu hết Tây Maui vẫn đóng cửa với khách du lịch nhưng dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8/10.

Ở Maroc, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên dãy núi Atlas đã bị phong tỏa khi các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành và khách du lịch không nên đi vào những khu vực đó. Nhưng các hoạt động du lịch vẫn được khuyến khích ở các khu vực khác của đất nước mà không bị ảnh hưởng.

Cô Hafida Hdoubane - một hướng dẫn viên leo núi ở Marrakech - kêu gọi du khách tiếp tục đến và lập luận rằng, mối nguy hiểm từ trận động đất đã qua từ lâu và chính quyền ở Marrakech đang cẩn thận phong tỏa bất kỳ tòa nhà nào có dấu hiệu hư hại.

Cô Hdoubane cho biết, những người gọi điện hủy chuyến thám hiểm bởi họ cảm thấy không thoải mái khi đi nghỉ ở một đất nước vừa trải qua sự tàn phá như vậy, nhưng người dân địa phương không đồng tình với quan điểm đó. Cô nói: "Tôi nghĩ du khách vẫn nên đến và chứng tỏ rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Điều mà một du khách có thể làm để giúp đỡ là đến, chứng tỏ rằng họ đang ở đây và họ đoàn kết".

Tuy nhiên, cũng cần có sự tiếp thu và lưu tâm đến tâm trạng xung quanh để không xảy ra tình cảnh như ở Maui, cảnh tượng du khách tắm nắng trên bãi biển trong khi các đội cứu hộ tìm kiếm những người sống sót đã khiến người dân đau buồn phẫn nộ, gây ra một chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi họ rời đi.

Ông Ángel Esquinas - Giám đốc khu vực của Tập đoàn khách sạn Barcelo, có cơ sở kinh doanh ở Marrakech, Casablanca và Fez - cho biết, khách du lịch không cần phải cắt ngắn chuyến đi trừ khi họ cảm thấy cần thiết. Bởi việc đến thăm một quốc gia có thể là một sự hỗ trợ lớn cho các nỗ lực cứu trợ thiên tai, vì nhiều người dân địa phương phụ thuộc vào doanh thu du lịch để kiếm sống.

Ở Maroc, du lịch chiếm 7,1% tổng sản phẩm quốc nội và là nguồn thu nhập quan trọng cho các gia đình có thu nhập thấp đến trung bình. Nhiều nhà hàng và khách sạn đã bắt đầu các chiến dịch tài trợ để giúp đỡ nhân viên và gia đình họ ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nếu muốn giúp đỡ, du khách có thể quyên góp cho một số tổ chức viện trợ như Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đang ứng phó với thảm họa. Du khách cũng có thể cân nhắc việc hiến máu tại các ngân hàng máu, thường được thành lập sau thảm họa thiên nhiên.

Bà Cassandra Karinsky - người đồng sáng lập Plus-61, một nhà hàng nổi tiếng ở Marrakech - cho biết, bà đã mở cửa trở lại một ngày sau trận động đất để tạo môi trường đoàn kết cho người dân địa phương vào thời điểm khó khăn. "Chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi hủy chuyến, nhưng giờ đây công việc bắt đầu bận rộn trở lại. Mọi người vẫn cần ăn và có một bầu không khí lạc quan hơn để đoàn kết và tiến về phía trước” - bà Karinsky nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du khách 'tiến thoái lưỡng nan'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO