Du lịch

Du lịch nội địa khởi động đầy ấn tượng

Minh Quân – Phạm Sỹ 11/01/2024 08:19

Với mục tiêu đón từ 17 đến 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách nội địa, ngay trong những ngày đầu năm, du lịch Việt Nam đã có những bước khởi động đầy ấn tượng.

anhbaitren(5).jpg
Du khách quốc tế tới Hà Nội. Ảnh: P.Sỹ.

Những con số đáng mừng

Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, những điểm sáng trong “bức tranh” toàn cảnh du lịch những ngày đầu năm của Việt Nam phải kể đến như Hà Nội, TPHCM, Kiên Giang, Khánh Hòa... Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ngay trong những ngày đầu năm, Hà Nội đã khẳng định vị thế luôn là điểm đến hấp dẫn đối với người dân và du khách. Ngành du lịch Thủ đô đã luôn nỗ lực làm mới sản phẩm để bảo đảm hoạt động du lịch Tết an toàn. Hà Nội ước đón và phục vụ 402.000 lượt khách, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, dịp nghỉ Tết Dương lịch TPHCM đã đón 1,65 triệu lượt khách, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Khánh Hòa ước đón và phục vụ 465.900 lượt khách, công suất phòng bình quân ước khoảng 73%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 498 tỷ đồng. Kiên Giang ước đón và phục vụ 120.700 lượt khách, công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 63%... Cục Du lịch quốc gia nhận định, kết quả hoạt động du lịch dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024 cho thấy hiệu quả của chính sách thị thực mới, lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực.

Cùng với những con số đem lại sự lạc quan, mới đây trang traveloffpath.com - trang thông tin về du lịch có quy mô lớn nhất khu vực Bắc Mỹ đánh giá Việt Nam là nước an toàn nhất và là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á cho mùa du lịch năm 2024. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về điểm đến Việt Nam tăng nhanh thứ 6 thế giới, vượt cả các điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực như: Thái Lan (10), Indonesia (11), Malaysia (12), Philippines (14).

Tăng tốc vượt chỉ tiêu

2 năm qua du lịch Việt Nam đang có đà tăng trưởng ấn tượng với nhiều chính sách, biện pháp phục hồi. Đặc biệt, năm 2024 đang được kỳ vọng sẽ là một năm bản lề để tạo sự bứt tốc và tăng sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong điều kiện lý tưởng nhất, nếu đạt con số 18 triệu, ngành du lịch xem như phục hồi hoàn toàn, trở lại mức của năm 2019.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm 2024 ngành du lịch thế giới và Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức. Điều dễ nhìn thấy là tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý và khả năng chi tiêu của khách du lịch... Du lịch Việt Nam hiện nay vẫn còn đó những “khoảng trống” như cần hoàn thiện hệ thống chính sách đồng bộ, kịp thời khắc phục triệt để các bất cập, hoặc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; năng lực thực thi, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa còn hạn chế… Sự đột phá thực sự còn đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy, cách làm sáng tạo, bài bản để duy trì sức hút của các sản phẩm và điểm đến du lịch một cách bền vững. Có thể nói, đạt được danh hiệu đã khó nhưng để gìn giữ danh hiệu, hình thành một “chỉ dẫn địa lý” vững chắc về thương hiệu du lịch của điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới còn khó hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel cho rằng, du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng trở lại nhưng so với các nước trong khu vực thì sự tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy, để du lịch bứt phá tốt hơn, cần có sự thay đổi toàn diện từ nhận thức cho đến cách làm và công tác quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch Việt Nam.

Đồng quan điểm, theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam, ngành du lịch cần có thống kê chuyên ngành du lịch để chúng ta có cơ sở phân tích thị trường, phân tích xu hướng du lịch để chúng ta làm thị trường cho đúng. Cùng với đó là chuẩn bị những sản phẩm du lịch, dịch vụ có liên quan. Đó là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh này.

Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Flamingo Holding Group nhận định, doanh nghiệp phải linh hoạt hơn, đưa ra những sản phẩm dễ sử dụng, khác biệt. Cùng với đó, doanh nghiệp cần đa dạng thị trường. Nếu như trước đây các đơn vị lữ hành hướng đến thị trường lớn, thì nay có tình trạng lượng khách từ các thị trường lớn phân tán. Do đó, doanh nghiệp phải xác định thị trường ngách, chia nhỏ các phân khúc, mở rộng thị trường mới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, hiện nay liên kết du lịch giữa các đơn vị, doanh nghiệp hàng không, lữ hành, điểm đến không còn chặt chẽ như trước. Điều này khiến các sản phẩm du lịch của Việt Nam dần kém hấp dẫn, nhiều tuyến du lịch nội địa giá dịch vụ cao hơn du lịch quốc tế. Để tạo tăng sức cạnh tranh, rất cần sự liên minh, liên kết nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giá tốt, tăng sức hút với cả khách quốc tế và nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch nội địa khởi động đầy ấn tượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO