Duyên gốm

Khả Hương - Nguyên Nhung 30/07/2017 09:00

Gốm Bát Tràng đã tạo nên danh tiếng của nghề gốm khắp nơi xa gần, nhưng ít ai biết được nghề gốm “tổ” của Bát Tràng lại ở thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình. Nơi này, nghề đã không còn cách đây mấy trăm năm nhưng hơn 10 năm trở lại đây đã có người phục dựng lại nghề trên chính mảnh đất tổ.

Gốm Bồ Bát được phục dựng trên đất tổ Bạch Liên.

Cái tên tưởng chừng bị lãng quên

Người dân thôn Bạch Liên kể lại gốm Bồ Bát trong sự tiếc nuối về làng nghề của mình xưa kia đã một thời “vang bóng”. Cụ ông Vũ Văn Hiếu (86 tuổi) tâm sự: Trước kia có nghe cha mẹ kể, làng gốm Bồ Bát có 10 làng bồ, 3 làng bát. Từ thời vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân dùng gốm Bồ Bát phục vụ việc xây dựng kinh đô Hoa Lư, đến thời Vua Lý Công Uẩn rời đô ra kinh thành Thăng Long thì các thợ giỏi của 5 dòng họ lớn Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm cũng đi theo phục vụ cho Vua Lý.

Trong làng chỉ còn ít người giỏi nghề nên người dân từ đó chủ yếu sống bằng nghề cấy lúa, làm nông nghiệp mà không còn giữ nghề. Những sản phẩm gốm Bồ Bát tinh xảo như đầu rồng, bát đĩa, đồ gia dụng hay mặt linh thú chỉ còn vết tích tại nơi Vua Đinh ở.

Trong cuốn sách nói về nguồn gốc của gốm Bát Tràng, gốm Bồ Bát ở thôn Bạch Liên chính là “nghề tổ” của nghề gốm Bát Tràng. Gốm Bồ Bát được sách nhắc đến rất nhiều. Cuốn sách viết: Tại Bồ Bát các đồ gốm men trắng này xuất hiện khá đầy đặn ngay dưới lớp đất màu ở các làng trên.

Các nhà khảo cổ học cho rằng vùng Bạch Liên là gốc của Men trắng ở Việt Nam. Dù đã trải qua mấy trăm năm và hiện không còn làm gốm nữa nhưng hiện nay các dòng họ của làng Bồ Bát vẫn luôn nhắc đến những người anh em thân thuộc từ đó ra đi lập cư và làm ăn ở Bát Tràng.

Họ cũng thường xuyên liên hệ với anh em ở xa quê, vui mừng khi các cành, nhánh từ gốc tách ra đã và đang vươn lên xanh tốt. Mỗi lần có các Đoàn, các dòng họ Bát Tràng về thăm quê người Bồ Bát lại ân cần tiếp đón như những người anh em ruột thịt ở xa quê về.

Còn người Bát Tràng cho dù đã lập nghiệp ở vùng đất ven Thăng Long được 15 đến 22 đời vẫn luôn nhớ về nguồn gốc. Điều này không chỉ được ghi trong gia phả của một số dòng họ mà còn luôn được các bậc tiền nhân kể lại cho thế hệ sau để con cháu luôn biết và nhớ đến cội nguồn.

Đến nay, người Bát Tràng vẫn luôn nhớ đến nguồn gốc của gốm Bát Tràng được truyền ra từ Bồ Bát.​​ Họ truyền miệng nhau câu thơ: “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/Lan nhiệt tâm hương Bái thánh thần”. Được hiểu là “Đem nghề nghiệp từ Bồ Bát ra dựng xây đình miếu/ Lòng thành kính tựa hương lan dâng lên thánh thần”.

Điều này cho thấy Bồ Bát không hề mất đi mà theo các nghệ nhân khi xưa lên kinh thành Thăng Long rồi lập nghiệp ở đây, ven con sông Hồng có nguồn đất sét dồi dào để dựng cơ nghiệp.

Anh Phạm Văn Vang trong xưởng gốm của mình.

Bén duyên với gốm

Cái nghề tưởng như đã không còn ai nhớ đến ở vùng đất có nhiều đá vôi này, thế nhưng anh Phạm Văn Vang (36 tuổi) người con của thôn Bạch Liên đã phục dựng lại được tổ nghề gốm Bát Tràng trên chính quê hương mình. Anh lấy tên gốm Bồ Bát “Nguồn gốm Việt” để khẳng định lại nguồn gốc xa xôi của gốm Việt trên dưới 3.500 năm đồng thời làm giàu trên chính quê hương của mình sau nhiều năm thất lạc.

Năm 2000, sau khi học sống cấp 3 anh Vang đã quyết tâm phục lại nghề gốm Bồ Bát. Từ đó đến nay cũng được ngót 17 năm vất vả chạy ngược chạy xuôi học nghề, tìm thị trường tiêu thụ. Đến nay cũng đã có một số thành quả, những kỹ thuật làm gốm anh học tại Bát Tràng đã nắm trong lòng bàn tay, nhắm mắt anh cũng có thể làm được. Anh được phong tặng là nghệ nhân tiêu biểu cấp quốc gia, đang tiến hành xây dựng, phát triển xưởng gốm của mình thành một trung tâm sản xuất gốm Ninh Bình.

Anh Vang cho biết: “Vào những năm 2000 kinh tế khó khăn nhưng được cha ông kể lại những câu chuyện về làng gốm nổi tiếng khi xưa trên quê hương, tôi đã nhen nhóm ước mơ sẽ trở thành một nghệ nhân làm gốm trên chính mảnh đất này. Hồi đầu đi học vất vả, lên Hà Nội đi học, rồi bắt xe về quê trong ngày, cứ như thế đằng đẵng một năm trời. May mắn là tôi gặp và học được từ những người thầy giỏi, truyền kỹ thuật cần thiết để tôi làm nghề. Sau 2 năm lăn lộn tìm nơi tiêu thụ sản phẩm ở TP Hồ Chí Minh cuối cùng cũng có hi vọng”.

Trải qua những năm tháng vất vả, nhờ tận dụng nguồn đá vôi sẵn có tại địa phương, nguồn nhân công rẻ, đến nay anh đã lập nên một doanh nghiệp sản xuất riêng với đầy đủ các loại mẫu mã màu men sứ, họa tiết tinh xảo, cải tiến và sáng tạo những mẫu mới đáp ứng yêu cầu khách hàng như bình sứ men trắng, ấm pha trà, chuông gió, chén, bát chất lượng như gốm sứ Ninh Long để cung ứng cho thị trường trong tỉnh, các địa phương lân cận và TP Hồ Chí Minh.

Hiện tại xưởng tạo công ăn việc làm cho 10 nhân viên, trong đó có 3 nghệ nhân làm nghề Bồ Bát. Chị Lê Thị Thúy (28 tuổi) gắn bó với xưởng hơn 2 năm chia sẻ: “Từ khi làm ở đây, tôi không phải đi làm công nhân xa nhà nữa”.

Phải chăng đó cũng đã là thành công không nhỏ của những người yêu gốm?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Duyên gốm