Cùng với các dịch bệnh nguy hiểm đã và đang lưu hành như Covid-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết…, các căn bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân chính gây nên tình trạng “bệnh tật kép” tại nước ta hiện nay.
Trong khi cả nước vừa trở lại nhịp sống bình thường sau khi Covid-19 lắng xuống và đang phải ứng phó với những dịch bệnh khác có chiều hướng bùng phát như sốt xuất huyết thì các bệnh không lây nhiễm vẫn đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo một số thống kê thì đến nay, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng hơn 70% gánh nặng bệnh tật ở nước ta.
GS. TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thông tin: “Ước tính, trên toàn quốc, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 81 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh tim mạch là kẻ giết người số một, chịu trách nhiệm cho khoảng gần 40% tổng số ca tử vong trên toàn quốc. Hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch chính là tăng huyết áp và đái tháo đường. Đáng lo ngại hơn, theo số liệu điều tra yếu tố nguy cơ, trong số 43.1% người được phát hiện tăng huyết áp chỉ có 13.6% được đưa vào quản lý điều trị. Tương tự với bệnh tiểu đường, tỷ lệ được phát hiện chỉ đạt 31.1% và chỉ 28.9% được đưa vào quản lý điều trị”.
Những số liệu do Bộ Y tế đưa ra cũng phần nào cho thấy tác động to lớn của những căn bệnh này tới sức khỏe người dân. Cụ thể, theo Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu, lớn hơn tất cả các nguyên nhân tử vong khác cộng lại. Năm 2019, ước tính có 592.000 ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, chiếm 81,4% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là tử vong do các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính, chiếm 66,2% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong số tử vong do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam có 41,5% tử vong sớm xảy ra trước tuổi 70.
Tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến cũng đã tăng nhanh qua các năm và số người hiện mắc bệnh trong cộng đồng hiện tại rất lớn. Số liệu điều tra cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường/tăng đường huyết ở người trưởng thành là 7,06%, tương đương với 4,6 triệu người. Đối với ung thư, theo số liệu công bố của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), ước tính năm 2020 Việt Nam có 182.500 ca mắc mới ung thư. Những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và tiền liệt tuyến. Những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày và gan. Ước tính từ một nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%.
Lý giải cho tình trạng gia tăng và trẻ hóa của các bệnh không lây nhiễm, PGS. TS Nguyễn Đức Hải - Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng: Các bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là: Hút thuốc lá (hoặc thuốc lào), thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý. Do sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày nay chúng ta bắt gặp không ít các thanh niên “ngủ ngày cày đêm”, gây nên sự đảo lộn của sinh hoạt; kèm theo đó là sự bất hợp lý trong ăn uống với sự gia tăng của các nhà hàng thức ăn nhanh, đồ ăn ngọt, nhiều mỡ, thức uống có ga, có cồn… Tỷ lệ béo phì, cận thị trong giới trẻ cũng đang gióng lên những hồi chuông đáng báo động. Điều này lý giải sự tăng vọt và trẻ hóa của các bệnh lý không lây nhiễm.
Ở một góc nhìn khác, TS. BS Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay: “Dinh dưỡng đang giữ vị trí hàng đầu như là một yếu tố quyết định chính có thể điều chỉnh được đối với các bệnh không lây nhiễm, với các bằng chứng khoa học ngày càng nhiều, ủng hộ cho quan điểm sự thay đổi trong chế độ ăn tạo ra những sự tác động mạnh mẽ, cả tích cực lẫn tiêu cực, tới sức khỏe suốt cả cuộc đời của mỗi người. Quan trọng nhất là sự điều chỉnh chế độ ăn có thể không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể xác định một người sẽ phát triển các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và đái tháo đường hay không trong giai đoạn rất lâu về sau. Đối với các bệnh không lây nhiễm, nguy cơ xảy ra ở mọi lứa tuổi; ngược lại, mỗi lứa tuổi là một phần liên tục của các cơ hội để phòng và chống các bệnh không lây nhiễm. Dinh dưỡng không hợp lý, cả thiếu và thừa dinh dưỡng, đều tác động tiêu cực tới sự phát triển bệnh, và nếu sự phối hợp cả hai yếu tố (ví dụ: Người bị béo phì nhưng thiếu vi chất) sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Do vậy, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý và an toàn trong suốt chu kỳ vòng đời, từ khi chuẩn bị mang thai, tới giai đoạn phát triển bào thai trong tử cung đến các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời là quan trọng để dự phòng mắc các bệnh không lây nhiễm”.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Hải, để phòng tránh tốt nhất sự xuất hiện của các bệnh không lây nhiễm, chúng ta hãy thực hiện tốt việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ bằng các biện pháp như: Bỏ thuốc lá; tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia thể dục thể thao; hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống hợp lý...