Gặp lại ở xứ Mặt trời mọc

Phạm Quang Đẩu 09/03/2021 14:00

Đứng trên cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, đại tá, phó giáo sư, bác sĩ Trần Mạnh Chí, nguyên Viện trưởng Viện Quân y 103 (Học viện Quân y), không thể ngờ rằng mình đang được đứng trên ngầm Bạc của thời tuổi trẻ nửa thế kỷ trước.

Bác sĩ Trần Mạnh Chí (người đầu bên trái) trong một ca mổ ở Viện Quân y 103.

Đứng trên cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, đại tá, phó giáo sư, bác sĩ Trần Mạnh Chí, nguyên Viện trưởng Viện Quân y 103 (Học viện Quân y), không thể ngờ rằng mình đang được đứng trên ngầm Bạc của thời tuổi trẻ nửa thế kỷ trước. Vẫn là bầu trời cao lộng xanh ngắt không gợn mây mỗi độ xuân về trên đất bạn; vẫn dòng sông Bạc mùa khô lặng lờ chảy, nước chỗ sâu nhất vừa đủ ngập bánh xe tải. Đoạn đường vượt sông chưa đầy nửa cây số này, một thời không lúc nào vắng bóng đủ loại máy bay trinh sát, tiêm kích, cường kích và B52 rải thảm. Nơi đây từng là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ trên đường Trường Sơn. Đội điều trị 35 của bác sĩ Chí đóng không xa ngầm là để hàng ngày kịp thời cấp cứu thương binh, cũng luôn phải hứng chịu nhiều trận bom hủy diệt. Hôm nay đoàn cựu chiến binh Trường Sơn đi trên mấy chiếc xe ca thăm lại chiến trường xưa, có vợ chồng bác sĩ diện khách mời, còn mọi người trong xe đều thuộc các đơn vị của Đoàn 559 qua các thời kỳ. Giờ bác sĩ Chí đã ở tuổi tám mươi, còn thời điểm đi B, ông mới ba mươi là đại úy, quyền chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật thần kinh, Viện Quân y 103. Ngày đó ông có lệnh biệt phái vào Trường Sơn, làm đội trưởng Đội điều trị 35, thuộc Binh trạm 35. Thời gian đi B cấp trên quy định 1 năm, nhưng chiến trường thiếu nhiều cán bộ chuyên môn, ông thì đã vào sâu trong tuyến đường dây 559, tận Tà Vèn Oọc, Nam Lào thành ra ở lại đến 4 năm mới trở ra Bắc. Bốn năm, đã bao lần ông phải đối mặt với cái chết bom đạn, sốt rét rừng.

Bác sĩ Chí đang đứng cạnh lan can cầu nhìn dòng sông miên man bao kỷ niệm thời trận mạc, thì xe ca đi sau xịch đến. Các cựu binh Trường Sơn lục tục xuống nghỉ giải lao, bỗng một người chân hơn tập tễnh chạy lại phía ông, gọi to: Bác sĩ Chí! Ông thoáng ngỡ ngàng quay lại, lâu nay người bệnh nhớ bác sĩ, chứ bác sĩ sao nhớ hết được người bệnh. Người đó đến gần, chủ động dang hai tay ôm vai ông, lay lay, nói nhỏ: Em là Long, thương binh ngầm Bạc đây mà.

Long, ông nhớ rồi. Ông vừa về Binh trạm 35 được một tuần, thì máy bay B52 đánh hủy diệt vào đội hình xe tiểu đoàn 59 đang vượt ngầm. Đó là đêm 20/3/1970. Bom nổ liên hồi rùng rùng mặt đất, khói lửa bao trùm, thương binh cấp cứu dồn dập, có hai ca nặng phải mổ gấp. Thương binh Long bị mảnh bom cắt nát bàn chân phải, máu trộn thịt xương tơi tả không ra hình bàn chân nữa. Bình thường thì phải cưa ngay, sợ nhiễm trùng toàn thân. Bỗng ông thấy tiếc vô cùng bàn chân người lính trẻ măng tuổi mới đôi mươi ấy. Thế là ông có một quyết định táo bạo mà sách vở nhà trường cũng không thấy dạy, cầm máu tích cực, tỉ mỉ lọc sạch chỗ nát rồi bó bột cố định, treo lên, ngày ngày hạ chân thương binh xuống, nhỏ giọt kháng sinh liên tục vào vết thương. May mắn làm sao, khoảng một tháng chỗ vết thương của Long đã có dấu hiệu phục hồi, ăn da non và sự chỉnh hình ban đầu xắp xếp lại xương ở bàn, ngón chân cũng rất ổn...

Người thương binh năm xưa giờ đã ở tuổi bảy mươi, nhìn ân nhân, mắt rưng rưng. Rồi anh kể, sau khi được bảo tồn bàn chân, em ra Bắc điều trị tiếp, an dưỡng một thời gian, em tự ôn luyện thi đỗ Đại học Giao thông, tốt nghiệp về làm cán bộ kỹ thuật một tổng công ty cầu đường của Bộ. Bác Chí ơi, em chỉ trong quân ngũ có dăm năm, mà vẫn không khi nào quên những năm tháng lính xế Trường Sơn, không khi nào quên bác cùng các y tá, hộ lý ở Đội Điều trị 35 đã quyết giữ lại bàn chân cho em.

Đoàn xe qua cầu Bạc tiếp tục lên đường, được chừng nửa giờ, ai đó trong đoàn bỗng thốt lên: Đến Tà Vèn Oọc rồi! Tiếng Lào, Tà vèn oọc nghĩa là mặt trời mọc. Xứ sở Mặt trời mọc, thủ phủ của Đội điều trị 35 năm xưa. Có khoảng chục người Lào từ căn nhà bên đường ùa ra đón đoàn. Đi đầu là một quân nhân, đeo lon trung tá, dáng chắc nịch, da xạm đen, khuôn mặt vuông vức đôn hậu, mà thoạt nhìn bác sĩ Chí thấy quen quen như đã gặp ở đâu. Ông liền xuống bắt tay, ông trung tá nói tiếng Việt khá sõi và ông cũng chợt nhìn kỹ người đối thoại, ánh mắt sáng lên. Bác sĩ Chí nói: Dạo 1968-1970 mình là đội trưởng Đội điều trị Tà Vèn Oọc. Bác Chí à! Em là Khăm Đi-Ông trung tá chợt reo lên- Ngày đầu em đưa bác với bác Nên đi tìm mật ong rừng, rồi được bác cứu trong trận B52 rải thảm đấy...

Cuộc gặp gỡ tại chiến trường xưa: Trung tá Khăm Đi (bên phải) và đại tá, bác sĩ Trần Mạnh Chí.

Vậy là trong trận bom rải thảm năm 1970 ấy, ngoài Long ông vừa gặp, còn một người bị thương rất nặng nữa chính là anh bạn Lào này đây. Cuộc gặp ngẫu nhiên bất ngờ thú vị làm sao! Hai người cựu chiến binh của quân đội hai nước anh em ôm nhau hồi lâu, mắt ai cũng nhòa lệ.

Ngày ấy, cán bộ chiến sĩ đội điều trị của bác sĩ Chí còn phải quen với lối sống du cư. Đến đâu cũng xây cơ ngơi cho đàng hoàng. “Chuyên gia nhí” Khăm Đi đã giúp đội điều trị đi tìm thứ thuốc bổ là mật ong rừng. Đi trong rừng Tà Vèn Oọc mùa xuân ai cũng cảm thấy như được ướp một thứ hương thơm đặc biệt, không nồng gắt như hoa sữa mùa thu, cũng không dễ thoảng qua như hương của các chùm phong lan rừng phơ phất. Dường như nghe có tiếng vỗ cánh nhè nhẹ, âm âm u u của muôn ngàn con ong vô hình đang bay đâu đó, cùng khíu giác ta luôn cảm nhận được mùi hương đầy sức mê hoặc của rừng già. Nhưng, nhìn kỹ xung quanh, hay ngửng lên tịnh không thấy một bông hoa nào lộ diện. Khăm Đi bảo: Thứ hoa em cũng không biết gọi tên gì. Nó nhỏ li ti, mọc tít ngọn cây cao, trên những tán lá rậm rạp kia. Chỉ có ong mới tìm được nó thôi, loài hoa nhỏ xíu vậy mà bông nào cũng chứa đầy ắp nhụy ngọt thơm. Nói rồi Khăm Đi dừng trước một gốc cây to bên con đường mòn rải đầy lá ải mục đen thẫm. Em chỉ một miếng ván gỗ trắng táp vào trạc cây, trên ván có hình vẽ cánh hoa mai bằng vôi, một lỗ nhỏ khoét giữa, chốc chốc lại có chú ong chui ra vù bay đi. Đấy là tổ ong của dân dịa phương nuôi lấy mật và Khăm Đi đã truyền lại những bài học nuôi ong đầu tiên cho Đội điều trị. Em còn cho biết, đây thuộc huyện Đak Chung, tỉnh Tà Vèn Oọc. Dân bản đặt tên núi là Ong, suối là Mật. Chính cụ cố ba đời của em đã tìm ra núi Ong, suối Mật và dạy dân bản cách nuôi ong rừng. Nguồn mật dồi dào giúp trẻ con mau lớn, người đau chóng lành, người già trẻ lâu. Cho nên dân bản muốn nhường núi Ong cho bộ đội Việt Nam, giúp anh bộ đội bị thương mất nhiều máu và anh bộ đội bị ốm, sốt rét chóng hồi phục sức khỏe.

Thế rồi việc nuôi ong đang được Đội điều trị 35 làm có kết quả thì xảy ra trận bom B52 Mỹ rải thảm. Nhiều người bị đất đá vùi và thêm vết thương mới. Hầm mổ tuy bị sạt một góc nhưng vẫn còn chỗ để mổ. Đội trưởng Chí bảo đưa ngay người bị nặng nhất lên bàn mổ, dùng đèn pin soi mổ. Người bị thương nặng nhất trong đêm ấy là Khăm Đi. Cả ngày hôm trước em đã dẫn đội hậu cần đi vắt mật gần một chục tổ ong nuôi trong rừng, rồi nghỉ lại đơn vị định sáng hôm sau cùng anh em đi vắt nốt số tổ còn lại. Khăm Đi bị liền hai vết thương, một bên phế nang phổi phòi ra khỏi lồng ngực. Rồi sức trẻ cùng sự cấp cứu kịp thời đã giúp Khăm Đi tỉnh lại và em được chuyển ngay lên tuyến điều trị cao hơn.
Khăm Đi kể với bác sĩ Trần Mạnh Chí, là sau khi được điều trị khỏi vết thương, em trở về bản tham gia đội du kích, khi chưa đầy 18 tuổi, em nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Pa Thét Lào từ mùa xuân 1972, có thời gian khá dài em là huyện đội trưởng huyện Đak Chung.

Mùa xuân đang về, lại được tắm trong mùi hương ngạt ngào vừa quen vừa lạ thuở nào. Chẳng mấy chốc cả đoàn cựu chiến binh dừng chân ở lưng chừng núi, trước một dãy chuồng nuôi ong của dân bản. Chợt trung tá Khăm Đi ngửa lòng bàn tay chìa trước mặt đại tá Trần Mạnh Chí và nói: Bác à, đây chính là thứ hoa ở tít trên cành cao mà bầy ong ưa thích. Từ buổi đầu vào núi Ong đến hôm nay đã qua mấy chục năm rồi, giờ bác sĩ Chí mới tận mắt thấy thứ hoa huyền bí giúp bầy ong luyện mật. Bông hoa nhỏ xíu, tựa dáng hoa xoan của ta, cánh trắng muốt, bông nào cũng có nhụy là một chấm hồng ươn ướt. Bất giác, ông đưa bông hoa lên mũi để tận hưởng chút mùi hương quen thuộc. Nhưng nó bé bỏng quá, một mình không đủ tạo nên làn hương, phải có rất nhiều, rất nhiều những bông hoa li ti thế này góp lại mới tạo nên làn hương rừng xuân Tà Vèn Oọc...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp lại ở xứ Mặt trời mọc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO