Nghệ nhân Đàng Thị Phan ở làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) ba lần ra Bảo tàng Dân tộc Hà Nội thi tay nghề nặn gốm thủ công. Lần thứ tư bà Phan mang theo 50 kg đất đồng Nú Lăng trộn với cát sông Quao mang sang thủ đô Nhật Bản trình diễn nghề gốm truyền thống Bàu Trúc trong vòng 2 tháng. Người làng Bàu Trúc không quên những nghệ nhân giữ gìn truyền thống nghề làm gốm của người Chăm, tìm cách phát triển, thổi hồn vào từng sản phẩm truyền thống của quê hương.
Dù ở tuổi ngoại 70 nhưng đôi bàn tay bà Đàng Thị Phan vẫn thoăn thoắt vuốt nhẹ khuôn tre tròn lên mặt bình gốm thơm mùi hương đồng Nú Lăng, chuẩn bị phơi nắng trước khi nhóm củi, phủ rơm nung chín. “Bà cố nội tôi là Đàng Thị Lành, bà nội là Trượng Thị Xuân, đến mẹ tôi và ngày nay đến tôi tiếp tục nối nghiệp nghề nặn gốm. Nghề gốm là tài sản của người Chăm làng Bàu Trúc, làm sao bỏ được”, bà Phan kể.
Bà nhớ, thời xưa gốm nặn ra, đàn ông trong làng chất lên xe bò, đi nhờ xe lửa; đàn bà thì đội lên đầu, gánh xuống Tuy Phong, Vĩnh Hảo, Long Hưng (Bình Thuận) bán lấy tiền đong gạo. So sánh chất lượng gốm Bàu Trúc với gốm truyền thống Nhật Bản, nghệ nhân Đàng Thị Phan nói: “Về nguyên liệu, gốm Nhật Bản họ pha chất men, còn gốm Bàu Trúc thì pha 7 phần đất, 3 phần cát, không pha men. Người Nhật chỉ sản xuất sản phẩm có chiều cao 0,5 m, trong khi đất làm gốm Bàu Trúc có khả năng sản xuất mặt hàng cao 3,5 m”.
Ý thức Mẫu hệ cộng với ý chí giữ nghề đã đưa bà từ một cô gái xinh đẹp chỉ biết đi học, giúp mẹ nấu cơm, quét nhà, năm 18 tuổi mới được mẹ chỉ dạy nghề nặn gốm. Từ làm gốm truyền thống, hơn chục năm nay nghệ nhân Đàng Thị Phan phát triển thêm sản phẩm gốm mỹ nghệ, sáng tạo nhiều sản phẩm tinh xảo mang thương hiệu “Chămpa - Phan”, đem hồn đất đồng Nú Lăng và cát sông Quao sang trình diễn ở xứ hoa Anh đào.
Cùng với nghệ nhân Đàng Thị Phan, người làng Bàu Trúc không quên công của nghệ nhân Đàng Xem, bởi ông luôn trăn trở không chỉ biết giữ gìn truyền thống nghề làm gốm của người Chăm mà còn tìm cách phát triển nghề, thổi hồn của đất vào từng sản phẩm. Nghệ nhân Đàng Xem mộc mạc chia sẻ: “Thấy nghề nặn gốm truyền thống cứ quanh quẩn với cái lu đựng nước, cái nồi kho cá, cái siêu nấu thuốc nam, cái chậu trồng bông... người làm gốm Bàu Trúc khó giàu nổi”.
Nghĩ và làm đi liền với nhau, đầu thế kỷ XXI, Đàng Xem chi tiền của nhà mua vé tàu bay ra Bát Tràng (Hà Nội), xuống Hải Dương, vô Bình Dương... tìm hiểu kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ. Trở về Bàu Trúc, ông khởi nghiệp sản xuất gốm mỹ nghệ đầu tiên của làng Bàu Trúc.
Đứng bên sản phẩm gốm mỹ nghệ mới ra lò, nghệ nhân Đàng Xem nói: “Thành công của hôm nay đã minh chứng suy nghĩ chuyển từ gốm truyền thống sang sản xuất gốm mỹ nghệ là một hướng đi hoàn toàn phù hợp. Làng nghề Bàu Trúc giờ không chỉ có sản phẩm truyền thống mà còn có sản phẩm gốm mỹ nghệ”.
Do phong tục người Chămpa ở Ninh Thuận theo chế độ Mẫu hệ, phụ nữ là người chủ trong gia đình nên cách nay hàng ngàn năm, vì thương dân làng Bàu Trúc quanh năm nghèo khổ, ông - bà Tổ phụ Poklong Chanh đã chỉ dạy nghề làm gốm cho cánh phụ nữ mà không dạy cho cánh đàn ông. Ngược lại, đàn ông phải lên rừng lượm củi, ra ruộng cắt rơm rạ, ra đồng đào đất gánh về cho phụ nữ sản xuất gốm.
Đất nguyên liệu dùng làm gốm phải lấy trên đồng Nú Lăng và cát ven dòng sông Quao. Nghề làm gốm ở Bàu Trúc chủ yếu là thủ công, khá cầu kỳ. Đất đào ở đồng Nú Lăng đưa về đổ xuống cái hố đào sẵn, rưới đều nước, ủ
24 tiếng mới móc lên nhồi với cát đã sàng kỹ bỏ tạp chất theo tỷ lệ 3/7 (3 phần cát + 7 phần đất), sau đó dùng chân đạp nhuyễn tới khi lấy bàn tay nắm từng lọn đất thấy đất mềm dẻo mới đem ra sản xuất.
Trước đây, sản phẩm nặn xong còn phải đưa ra nắng phơi từ 10 - 15 ngày mới chất vào lò nung. Ngày nay, sản xuất gốm hiện đại hơn nhờ nguồn điện và kỹ thuật tiên tiến đã giải phóng cơ bản sức người từ khâu vận chuyển đất đến thời gian nung gốm. Tuy nhiên, việc trộn đất, cát vẫn theo công thức 3/7 và nguyên liệu cũng khai thác từ đồng Nú Lăng và cát sông Quao.
Điều kỳ lạ, từ khi nghề làm gốm ra đời, dân làng Bàu Trúc chỉ ra góc đồng Nú Lăng nơi có dòng sông Quao chảy qua để đào đất mang về nặn các loại sản phẩm gốm, thế nhưng đất đồng Nú Lăng vẫn không hề bị cạn kiệt. Mùa mưa lũ mang phù sa sông Quao lại tiếp tục bồi đắp vào những vị trí dân làng khai thác đất và cát làm gốm.
Từ xa xưa, dân làng Bàu Trúc vẫn truyền nhau lời tâm nguyện: “Nhờ ông - bà Poklong Chanh phù hộ nên nghề làm gốm Bàu Trúc không bao giờ mai một”. Để nhớ ơn bậc “hậu hiền” khai cơ dạy nghề làm gốm, dân làng Bàu Trúc đã lập Đền thờ ông - bà Poklong Chanh trên một gò đất cao giữa đồng Nú Lăng.
Trận lũ lịch sử năm 1964 làm ngôi đền bị hư hại nặng. Sau trận lũ này, người làng Bàu Trúc chuyển Đền thờ Tổ phụ vào khu đất xây trụ sở Hợp tác xã gốm Bàu Trúc hiện nay. Sau đó, đền được chuyển về gò đất sát đồng Nú Lăng dưới bóng mát quanh năm của rừng trôm. Hàng năm, vào tháng Một, tháng Tư, tháng Bảy lịch Chămpa (tương ứng tháng 4, 7, 10 dương lịch) dân làng Bàu Trúc mới mở cửa Đền khai Hội làm lễ cúng ông - bà Poklong Chanh. Kỳ mở cửa Đền tháng 7 cũng là dịp lễ tết Ka Tê truyền thống của dân tộc Chămpa. Kỳ cúng tháng 7 (lịch Chămpa) năm 2017, dân làng Bàu Trúc hân hoan đón bằng vinh danh “Nghệ thuật gốm truyền thống của người Chămpa làng Bàu Trúc là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”.
Được biết, từ ngày 13 đến 18/6/2023 tới đây, tỉnh Ninh Thuận sẽ công bố Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.