Ngay sau khi Đề án cấm xe máy vào nội đô vào năm 2030 của UBND TP Hà Nội đưa ra khiến nhiều người dân lo lắng, các chuyên gia băn khoăn khi hạ tầng giao thông còn hạn chế, giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì cấm người dân sẽ đi lại bằng gì?
12 quận nội thành sẽ dừng hoạt động xe máy vào 2030
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội" từ năm 2025, tầm nhìn 2030, nêu cụ thể các mục tiêu, định hướng, giải pháp để phát triển kinh tế. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp 85% GRDP TP vào năm 2025 và năm 2030 tỉ lệ đóng góp là 90%.
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện được TP Hà Nội đặt ra trong giai đoạn 2025-2030.
Đáng chú ý, Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào trong giai đoạn 2023 - 2025.
Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 được giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp công an thành phố.
Việc cấm xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành Hà Nội gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
Sở GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND các quận tham mưu giải pháp phát triển vận tải công cộng trong khu vực đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, xanh; tiếp tục tham mưu chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ GTVT công cộng chất lượng cao, dịch vụ kết nối hệ thống giao thông công cộng.
Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng trước khi cấm
Theo anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội, việc Hà Nội lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy vào năm 2030 bản thân anh Sơn rất đồng tình nếu để Hà Nội văn minh, lịch sự và vì sự phát triển chung của Thủ đô, người dân sẽ sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, để người dân đồng thuận thì Hà Nội cũng cần phải có đầy đủ các phương tiện công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
"Tôi rất băn khoăn khi việc cấm xe máy đi nội đô thì sẽ ảnh hưởng lớn như thế nào đến kế sinh nhanh của người dân nghèo. Bởi xe máy có sự cơ động, giá thành rẻ, di chuyển, đi lại nhanh chóng. Đặc biệt, đối với những người bán hàng hóa họ chẳng thể nào bê nguyên cả con lợn, hay mớ rau lên xe buýt hay đi tàu điện cả. Trong khi, giá thành một chiếc xe ô tô thì lại không hề rẻ. Cho nên, tôi mong các vị lãnh đạo TP Hà Nội cần phải tính toán lại", anh Sơn cho hay.
Chị Nguyễn Khánh Linh, trú tại Phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, nhà chị nằm trong ngõ nhỏ, khoảng cách đi làm mất 13-15 km như hiện tại thì việc đi lại bằng xe máy vẫn được coi là phương tiện thuận lợi nhất. Vì vậy, chị khá lo lắng khi đề án này được thực hiện thì việc đi lại của chị sẽ thế nào.
"Tôi thấy việc dừng hoạt động xe máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người lao động chưa có kinh tế tốt thường xuyên phải sử dụng xe máy để di chuyển. Tôi nghĩ, khi Hà Nội có hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của người dân thì cũng chẳng cần cấm người dân sẽ tự thay đổi thói quen. Bởi việc đi lại bằng các phương tiện công cộng có giá thành khá rẻ, sạch sẽ tiện lợi thì ai cũng sẽ đi thôi", chị Linh chia sẻ.
Theo chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội gồm buýt, BRT, metro đã khá mạnh, mạng lưới phủ dày, tần suất xe cao. "Tuy vậy, để có thể gánh hết toàn bộ nhu cầu giao thông từ xe máy chuyển sang thì e là chưa đủ sức”, ông Bình nhận định.
Cũng theo ông Bình, sau khi đề án này đi vào hoạt động vào năm 2030 không hẳn 100% người đi xe máy sẽ chuyển sang giao thông công cộng mà một bộ phận có khả năng chuyển sang đi ô tô cá nhân. "Nếu tỉ lệ này cao thì sẽ có nguy cơ dù cấm xe máy vẫn không giảm được ùn tắc. Bởi vì ô tô chiếm diện tích lớn hơn nhiều và không linh hoạt bằng xe máy”, ông Bình nhấn mạnh.
"Khi hạn chế xe máy thì hoạt động vận chuyển hàng hóa, đồ ăn bằng xe máy có bị cấm không? Cấm xe máy giao hàng sẽ gây tác hại lớn đối với các hoạt động kinh tế tiêu dùng. Nếu cho phép xe máy loại này chạy thì làm sao phát hiện được xe máy chở người nhưng giả làm xe giao hàng?”, ông Bình đặt vấn đề.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, chuyên gia giao thông cho rằng, nếu Đề án được triển khai, đồng nghĩa với việc Hà Nội chỉ còn 7 năm để chuẩn bị. "Tôi rất băn khoăn liệu Hà Nội có thể cấm được xe máy tại nội đô hay không khi hiện tại đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT vẫn là tuyến đơn độc; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chỉ ở mức 18,5%, hạ tầng giao thông thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế. Hà Nội cũng chưa hoàn thành công tác triển khai thực hiện đo kiểm khí thải mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí", PGS. TS Thuỷ nhấn mạnh.
Có thể thấy rằng, ngay cả người dân, chuyên gia đều bày tỏ sự băn khoăn nếu Hà Nội không có hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì phương án này không khả thi vì thời gian đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa.