Hội nhập kinh tế sâu rộng, hàng hóa của doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, thì đồng thời hàng hóa nước ngoài cũng đổ mạnh vào thị trường trong nước. Điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro, đó là các mối đe dọa tăng lên từ hàng nhập khẩu...
Nhận diện rủi ro
Tại nhiều thị trường, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước dưới nhiều hình thức tinh vi đang nở rộ, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Để bán được hàng ra nước ngoài, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam phải thích ứng, vượt qua rất nhiều rào chắn bảo vệ sản xuất trong nước như: hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại (thuế quan, phòng vệ thương mại…) tại nhiều thị trường trên thế giới.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, thị trường trong nước có vẻ như đang mở cửa một cách khá thoải mái cho hàng ngoại, thực chất là các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực lớn, tận dụng ưu đãi để kiếm lời, vô hình trung gây khó khăn, bất lợi cho DN sản xuất trong nước. Trước bối cảnh đó, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần có các biện pháp, các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước.
Vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước là xu thế chung của tất cả các quốc gia. Việc đưa ra các công cụ, rào chắn đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để ngăn hàng ngoại nhập vào trong nước. Và trên thực tế, nhà quản lý nước ta cũng đã có những giải pháp nhằm bảo vệ các DN nội trước sự xâm nhập mạnh mẽ của hàng ngoại nhập.
Dư luận xã hội vẫn chưa thể quên vụ việc của ngành mía đường. Thời điểm năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đối với ngành mía đường, với thuế nhập khẩu giảm còn 5%. Cũng từ đó, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó chủ yếu từ Thái Lan gia tăng mạnh mẽ. Đường nhập khẩu giá rẻ chiếm lĩnh thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất trong nước. Thời điểm đó, hàng loạt nhà máy đường trong nước phải đóng cửa, kéo theo khoảng hàng nghìn lao động bị mất việc làm, nhiều nông dân trồng mía bị ảnh hưởng. Trước những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán phá giá, 6 nhà máy đường phối hợp cùng đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam. Trước công cụ phòng vệ mà nhà quản lý đưa ra nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan ngay sau đó đã giảm tới 75%.
Câu chuyện của ngành mía đường cho thấy sự vào cuộc kịp thời của nhà quản lý trong việc đưa ra công cụ ứng phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều DN ngành mía đường, phân bón, sắt thép, sợi... đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định sản xuất.
Chủ động nâng sức cạnh tranh
Tuy nhiên, thực tế, những sự vụ mà các DN Việt Nam phải đối mặt ở thị trường thế giới lớn hơn rất nhiều. Trong đó, áp dụng phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của chúng ta phải kể đến Hoa Kỳ. Theo nhận định của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong số các vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ là thị trường sử dụng điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với xu hướng ngày càng tăng. Theo đó, số vụ phòng vệ thương mại mà quốc gia này đã áp cho hàng hóa của Việt Nam tính đến thời điểm này là trên 50 vụ việc, chiếm khoảng 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu như trước đây, các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào hoạt động điều tra chống bán phá giá cá tra, cá basa hoặc tôm thì trong giai đoạn gần đây, Hoa Kỳ sử dụng thêm các công cụ điều tra mới là chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Đến thời điểm hiện tại, có đến 22/52 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, chiếm khoảng gần 50%. Hàng hóa xuất khẩu của chúng ta rõ ràng chịu áp lực lớn khi vướng phải những rủi ro thương mại mà các quốc gia “giăng” ra.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho ví dụ tại thị trường Ấn Độ - một cường quốc sản xuất và xuất khẩu hạt điều. Theo đó, trước đây, khi ngành điều Việt Nam mạnh lên đã xuất khẩu được sang nước này. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, Ấn Độ áp thuế nhập khẩu 25% điều nhân, kết quả là điều Việt Nam không còn xuất khẩu sang nước này.
Giới chuyên gia nhận định, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước là tất yếu. Và để các DN Việt có thể chủ động được với những công cụ phòng vệ thương mại mà thị trường nhập khẩu đưa ra, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã có những hoạt động cảnh báo sớm để dự báo trước cho DN những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Như vậy các DN cũng có một thời gian để chuẩn bị trước và dự kiến trước những phát sinh có thể xảy ra để chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Và ngay trong quá trình giao dịch thương mại, khi không may bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh, Bộ và Cục phòng vệ thương mại cũng đã tích cực phối hợp với các hiệp hội, các doanh nghiệp để tư vấn các bước đi mà DN cần phải tiến hành để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ở chiều ngược lại, để bảo hộ sản xuất trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý cần tăng cường các hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước.
Về mặt các hoạt động của DN, giới chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, tính bền vững, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của chuỗi sản xuất sản phẩm... do đó, DN cần phải nỗ lực nâng sức cạnh tranh bằng cách luôn tạo được các giá trị gia tăng, giá trị thặng dư trên sản phẩm xuất khẩu, qua đó cũng góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối cũng như mang lại các lợi ích cho các DN sản xuất trong nước.
Nhằm hỗ trợ DN sử dụng và ứng phó với các vụ việc, Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng vệ thương mại; cùng với đó Bộ cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực phòng vệ thương mại cho DN; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường… đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho các ngành sản xuất trong nước.