Thu Đông vừa qua là vụ lúa mà hơn 9 triệu hộ nông dân trồng lúa cả nước nức lòng vì được mùa, được giá, lại được thương lái săn đón. Cuối năm, trên các cánh đồng An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… lúa Đông Xuân đương thì con gái, bạt ngàn một màu xanh - màu của thắng lợi và bội thu.
Ông Thiều Quang Hải (59 tuổi, nông dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, Đông Xuân là vụ lúa có sản lượng lớn nhất trong năm. Dù qua Tết Âm lịch mới đến kỳ thu hoạch nhưng hơn 1 tháng qua, các thương lái đã liên tục đến chào mua giá lúa non.
8.34 triệu tấn gạo xuất khẩu
Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 8,34 triệu tấn về lượng và hơn 4,8 tỷ USD về trị giá, tăng tương ứng 17,7% về lượng và 39,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Theo đánh giá của chuyên gia, đây là con số ấn tượng, đánh dấu một mốc mới trong xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ngồi bên hiên nhà, ông Hải nhẩm tính, nếu giá lúa giữ vững như hiện nay thì nghề trồng lúa sẽ lên ngôi. Như vậy, người nông dân sẽ không còn cảnh nghèo khó nữa, trồng lúa và làm giàu cũng không chỉ là ước mơ.
Niềm vui của gia đình ông Hải cũng là niềm vui chung của các hộ dân trồng lúa khắp cả nước. Giữa tháng Chạp, ông Nguyễn Văn Bé Hai (67 tuổi, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) đứng ngắm cánh đồng lúa xanh mướt với nụ cười mãn nguyện. Ông Bé Hai cho biết, hàng chục năm gắn bó với cây lúa, đây là năm mà ông và các hộ nông dân trong vùng cảm thấy hạnh phúc nhất. “Hồi xưa làm ruộng vái trời cho đủ ăn được rồi, còn giờ thời kỳ hiện đại là làm lúa để bán. Làm lúa có thể làm giàu”, ông Bé Hai nói.
67 tuổi, ông Bé Hai gắn bó với cây lúa cũng hơn 50 năm có lẻ. “Ông cha tôi kể, những năm 1965-1967, nông dân làm lúa, mỗi năm chỉ có 1 vụ lúa mùa. Mỗi công lúa năng suất khoảng mười mấy dạ. Đổ mồ hôi trên đồng ruộng cũng chỉ đủ ăn. Thời đó làm lúa cực lắm, không có máy móc gì cả, chỉ có con trâu, cái cày và sức người nông dân”, ông Bé Hai kể.
Đến khi nối tiếp sự nghiệp của cha, ông Bé Hai bắt đầu làm 2 vụ lúa/năm rồi đến 3 vụ lúa/năm nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh bởi giá lúa thấp lại luôn gặp cảnh được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa. Nhiều người bắt đầu bỏ ruộng, lên thành phố tìm việc làm. Thế nhưng, ông Bé Hai vẫn gắn bó với cây lúa và có một niềm tin lúa sẽ không phụ công người.
“Từ năm 1988, chúng tôi bắt đầu làm lúa 2 vụ. Mỗi công thu hoạch được khoảng 20 dạ lúa/vụ, lúc đó mừng quá trời mừng vì hồi trước chỉ làm được mười mấy dạ/công. Thế nhưng, làm lúa lúc này xem như được thôi chứ cũng chưa có dư. Năm 2020, tôi canh tác 3 vụ lúa/năm. Và sang đến năm 2022, lúa có giá, nông dân bắt đầu có niềm vui. Sang năm 2023, giá lúa tăng mạnh, vụ Thu Đông, lúa 9.000 đồng/kg, lãi khoảng hơn 3 triệu đồng/công, tăng gấp mấy lần, bà con đón Noel và năm mới vui lắm”, ông Bé Hai phấn khởi nói.
Hôm chúng tôi ghé thăm ruộng của ông - cũng đến vài chục công lúa, qua Tết Âm lịch mới thu hoạch nhưng giờ thương lái đã lại hỏi mua với giá 9.000 đồng/kg, nhưng ông Bé Hai không nhận cọc.
Ông Đỗ Văn Luông - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ấp Kinh 5A (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) cho biết, 252 thành viên Hợp tác xã hiện đang rất phấn khởi khi giá lúa đang ở mức cao nhất trong lịch sử. “Theo tôi, vụ Đông Xuân năm nay, các hộ trong Hợp tác xã có thể thu hoạch được 1 tấn/công. Với giá lúa 9.000 đồng/kg như hiện nay, chúng tôi lại thêm một vụ mùa bội thu”, ông Luông nói.
Phấn khởi là thế nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm trồng lúa, ông Luông vẫn canh cánh nỗi lo giá cả bấp bênh có thể tái diễn. Theo ông Luông, để thoát lời nguyền “được mùa mất giá”, nông dân cần chuyển dần sang hướng canh tác lúa sạch để phát triển bền vững.
“Từ đời bố tôi, đời tôi và chuẩn bị tới đời con tôi cứ làm theo cách như bây giờ thì cứ năm trúng, năm thất, năm lời, năm lỗ, nông dân không giàu được. Nhắc đến đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, ông Luông bảo, nếu bây giờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho người nông dân làm lúa hữu cơ thì mới có nguồn thu bền vững. Bởi vì giá lúa khi làm hữu cơ chính là đầu ra bền vững”, ông Luông nói.
Cũng theo ông Luông, hiện Hợp tác xã Nông nghiệp ấp Kinh 5A đã đăng ký tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Tuy nhiên, ông Luông mong muốn chính quyền sớm có thêm nhiều hỗ trợ cho nông dân khi tham gia trồng lúa hữu cơ.
“Mình làm một vụ đầu tiên làm sao mình bán giá cao được, làm lúa hữu cơ thì cần có một quá trình chuyển đổi từ 4 đến 6 vụ. Tôi đảm bảo lúc đó, hạt lúa làm ra bao nhiêu là người ta đến mua hết bấy nhiêu. Nếu Nhà nước hỗ trợ cho nông dân làm lúa hữu cơ thì tôi tin đời sống của bà con ấm lắm”, ông Luông nói thêm.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang rất được kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới.
“Ngành kinh tế lúa gạo đang được tiếp cận theo tư duy khác trước, đánh dấu một bước chuyển lịch sử. Từ đơn ngành, đơn giá trị sang kết nối đa ngành, tích hợp đa giá trị để mang lại đa thu nhập, đa lợi ích, giải quyết những bất cập của ngành trồng lúa, thu nhập bấp bênh của người nông dân bằng cách cân bằng lợi ích dựa trên ba trụ cột phát triển kinh tế, xã hội và môi trường”, ông Hiệp nói.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 thu nhập bình quân của nông dân là 43 triệu đồng/năm, tương đương gần 3,6 triệu đồng/tháng. Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập của người nông dân sẽ gấp 3 lần so với năm 2020. Với việc gạo Việt ngày càng định vị được thương hiệu và có nhiều cơ hội trên thị trường quốc tế; đặc biệt, trong năm qua, với mỗi công ruộng, người nông dân thu lãi hơn 3 triệu đồng thì chúng ta hoàn toàn tự tin vào mục tiêu đó.