Hóa giải tình trạng thừa, thiếu lao động

Lê Bảo 25/11/2016 14:00

Nhiều chuyên gia cho rằng để cân đối, sử dụng nhân lực một cách hiệu quả và phù hợp, nhất thiết phải đầu tư, nâng tầm Trung tâm dự báo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong thời gian qua các cơ quan chức năng làm chưa tốt nên mới xảy ra tình trạng thừa, thiếu lao động hoặc lao động đổ xô đi học ngành “hot”, ra trường không có việc làm.

Tình trạng thừa thiếu lao động đang diễn ra trên thị trường.

Theo khảo sát tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016, nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ trình độ trung cấp và cao đẳng tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh rất lớn, chiếm lần lượt là 44,35% và 30,89%.

Với đại học, nhu cầu tuyển dụng chỉ ở mức 16,49%, tập trung nhiều ở các nhóm ngành nghề: xây dựng, cơ khí – chế tạo, nhân viên kinh doanh, điện – điện tử. Tuy nhiên, nhu cầu tìm việc của lao động có trình độ này chiếm tỷ lệ cao nhất với 68,46% tổng số lao động.

Đáng chú ý, ngành nghề có nhiều người tìm việc nhất là kế toán - tài chính, tiếp đến là hành chính - văn phòng, kinh doanh - bán hàng, cơ khí - hàn … Ngay Bản tin thị trường lao động quý 2-2016 được Bộ LĐTB&XH công bố cũng cho thấy, nhóm nghề “kế toán-kiểm toán” có số lượt người tìm việc nhiều nhất (chiếm 16,9%); tiếp đó là “quản trị kinh doanh” (chiếm 10,4%) và “nhân sự” (chiếm 10,0%).

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chỉ tiêu đăng ký thì quá nhiều, trong khi tuyển dụng ngành nghề kế toán lại quá ít. Trung bình mỗi công ty tuyển 1 vị trí kế toán song lại có khoảng 5-6 hồ sơ đăng ký. Với những công ty có tên tuổi, thậm chí có tới 30-40 hồ sơ xin phỏng vấn. “Hầu hết các công ty đều muốn tuyển người có kinh nghiệm, vì vậy để có việc làm nhiều sinh viên học kế toán chấp nhận làm công việc trái ngành nghề như: thu ngân, văn phòng, nhân viên thị trường...” - bà Liễu nói.

Mặc dù nhân lực đang dư thừa, song hiện cả nước vẫn có khoảng 200 trường ĐH-CĐ đào tạo ngành nghề kế toán. Riêng khu vực Hà Nội có tới 40 trường ĐH-CĐ. Nhiều trường không chuyên nhưng kế toán được xem là ngành chủ lực.

Theo ThS. Lê Thanh Bằng - Khoa Kế toán- Kiểm toán (Học viện Ngân hàng): “Nhiều trường không có thế mạnh về đào tạo nhân lực kế toán, thậm chí chủ yếu mạnh về đào tạo kỹ thuật cũng tham gia đào tạo kế toán. Với kiến thức chủ yếu là lý thuyết hàn lâm, đội ngũ nhân lực kế toán mới tốt nghiệp ĐH chưa đáp ứng được ngay nhu cầu của các DN và DN phải đào tạo lại”.

Trước thực trạng ngày càng nhiều sinh viên kế toán ra trường thất nghiệp, không xin được việc, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên (Thành Đoàn Hà Nội) cho rằng, công tác dự báo thị trường lao động vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian qua các cơ quan chức năng làm chưa tốt nên mới xảy ra tình trạng đổ xô đi học ngành “hot” song khi ra trường không có việc làm.

Thừa nhận trên thực tế, cũng giống như ngành sư phạm, ngành kế toán đang khủng hoảng thừa nhân lực, ông Doãn Mậu Diệp,Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, nhiều năm nay, do làm chưa tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động để đào tạo đúng hướng, giúp người học có định hướng rõ ràng, đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa ở một số ngành nghề. Vì vậy, rất cần có sự khảo sát, đánh giá cụ thể, phải xem “kế hoạch hóa” để đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, lãng phí như hiện nay. Theo ông Diệp, việc thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học hay cao đẳng là rất quan trọng. Tới đây Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với T.Ư Đoàn khảo sát thực trạng học sinh, sinh viên thất nghiệp, tìm hiểu nguyên nhân và và đưa ra những cảnh báo cho thanh niên.

Để tránh lãng phí nguồn lực, Nhà nước nên quy hoạch lại đào tạo nhân lực ngành kế toán một cách hợp lý. Theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN, từ năm 2016, kế toán là một trong 8 ngành nghề được tự do di chuyển trong khối ASEAN, ngoài tăng cường đào tạo khả năng thực hành, cần bổ sung các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ cho sinh viên…nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, các công việc mà nhân lực đang làm trong nước sẽ bị nhân lực chất lượng cao hơn, kinh nghiệm và chuyên môn tốt hơn của các nước trong khu vực tìm đến cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hóa giải tình trạng thừa, thiếu lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO